Các địa phương cần bổ sung giải pháp phù hợp cho từng vùng dịch tả lợn châu Phi

(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý sau khi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương.

Thời gian qua, các địa phương, sở, ban, ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây ra. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh DTLCP trong cả nước và trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh.

Tại một số địa phương, nhất là ở cấp xã; thôn, xóm còn xem nhẹ, chủ quan, thiếu quyết liệt và chưa khoa học trong việc triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch, phòng, chống lây lan dịch bệnh; chưa quan tâm rút kinh nghiệm, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời.

Đồng chí Thái Thanh Quý kiểm tra tại chốt chặn xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Xuân Hoàng
Đồng chí Thái Thanh Quý kiểm tra tại chốt chặn xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Xuân Hoàng
Hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ các chủ hộ chăn nuôi 

Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá các giải pháp đã triển khai trong công tác phòng, chống dịch để rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP; Xác định các vùng bệnh dịch diễn biến phức tạp, tính chất lây lan rộng để tập trung các giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn, kiểm soát bệnh dịch.

Đôn đốc, chỉ đạo cán bộ phụ trách các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh DTLCP tại các địa bàn, đặc biệt là công tác ứng trực tại các chốt kiểm dịch tạm thời, công tác phun hóa chất khử trùng, khai báo, lây và gửi mẫu bệnh phẩm...

Nội dung thông báo.
Nội dung thông báo
Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo phòng chống bệnh DTLCP như hóa chất Iodine 10%, vôi bột, trang thiết bị bảo hộ... đáp ứng kịp thời triển khai phòng, chống dịch bệnh nhất là tại các vùng có bệnh dịch diễn biến phức tạp, tính chất lây lan rộng.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP theo quy định, gửi Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn kiểm tra, thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt, chi trả kịp thời.

Tăng cường công tác tuyên truyền

 Đối với chính quyền địa phương các xã, phường, thị trấn, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về bệnh DTLCP đến người chăn nuôi, người tiêu dùng, người tham gia tiêu độc, khử trùng, điều tra, khai báo tại các vùng có dịch... trong đó tập trung vào đặc điểm, nguyên nhân, con đường lây lan, cách thức phòng bệnh dịch...

Các địa phương đảm bảo phòng chống bệnh DTLCP như hóa chất Iodine 10%, vôi bột, trang thiết bị bảo hộ... Ảnh: Xuân Hoàng
Các địa phương đảm bảo phòng chống bệnh DTLCP như hóa chất Iodine 10%, vôi bột, trang thiết bị bảo hộ... Ảnh: Xuân Hoàng

Chỉ đạo các thôn, xóm tiến hành ngay việc khảo sát, đánh giá các nguy cơ, nguyên nhân có khả năng lây lan bệnh dịch tại địa phương như nguồn nước, nguồn thức ăn cho lợn để kịp thời có giải pháp phòng chống, kiểm soát; trong công tác tiêu hủy lợn nhiễm bệnh ưu tiên sử dụng lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ để giảm thiểu khả năng lây lan bệnh dịch; quán triệt thực hiện mỗi thôn, xóm, hộ gia đình là cơ sở chủ yếu trong phòng, chống bệnh dịch.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ trì cơ sở (bí thư, xóm trưởng) trong công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình diễn biến bệnh dịch tại địa bàn để kịp thời tham mưu chỉ đạo chống dịch; nắm bắt, cập nhật đầy đủ thông tin nhân khẩu, thông tin các hộ có chăn nuôi lợn trên địa bàn; công dân từ các nơi khác đến, đặc biệt là từ những địa bàn có bệnh DTLCP, người làm nghề giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ thịt lợn nhằm hạn chế tối đa nguồn lây bệnh dịch.

Tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường (đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng), hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi lợn... theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Từng bước khống chế dịch bệnh

Các địa phương kịp thời, nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp cho từng vùng, từng ổ dịch tại các địa bàn.

Bố trí các chốt kiểm dịch tạm thời hợp lý về số lượng, vị trí, đảm bảo nghiêm túc, đủ lực lượng, trực 24/24 giờ (kể cả ngày lễ, thứ 7, Chủ nhật); hố tiêu độc khử trùng đúng kích thước, luôn đảm bảo đủ độ ẩm, đủ vôi bột, hóa chất và các chất độn (rơm, rạ, bã mía, ...) theo hướng dẫn.

Các hộ gia đình chủ động phòng, chống bệnh dịch lây lan. Ảnh: Xuân Hoàng
Các hộ gia đình chủ động phòng, chống bệnh dịch lây lan. Ảnh: Xuân Hoàng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch tại cơ sở. Phối hợp các địa phương xác định vùng có bệnh dịch diễn biến phức tạp, tính chất lây lan rộng, đề xuất giải pháp tăng cường hỗ trợ để từng bước khống chế dịch bệnh.

Tin mới