Các địa phương, đơn vị ở Nghệ An sẵn sàng ứng phó với bão số 7

(Baonghean.vn) - Để chủ động ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão, sáng 14/10, nhiều địa phương, đơn vị ở Nghệ An đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống, sẵn sàng các điều kiện chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

* Chiều 14/10, đoàn cán bộ Thành phố Vinh do đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình công tác chống ngập úng trước diễn biễn của mưa bão số 7.

Mặc dù bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng lượng mưa hoàn lưu sau bão và áp thấp sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, để chủ động trong phòng chống ngập úng, đoàn đã đi kiểm tra tình hình tại các cống tiêu thoát ra sông Vinh, các điểm dân cư trọng yếu và xóm vạn chài trên sông Cửa Tiền, kiểm tra công tác vận hành các trạm bơm Tây Nam, trạm bơm Bến Thủy và kiểm tra các phường tổ chức nạo vét hố thu nước dọc các tuyến đường nội thị.

Ảnh Hồng Quang
Lãnh đạo thành phố Vinh kiểm tra khu vực xóm vạn chài sông Cửa Tiền. Ảnh: Hồng Quang

Tại khu vực xóm vạn chài sông Cửa Tiền, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu chính quyền phường Vinh Tân cần phối hợp với phòng Quản lý đô thị tham mưu kế hoạch giải tỏa dứt điểm tình trạng cư trú bất hợp pháp dọc bờ sông Vinh nhằm đảm bảo mỹ quan và các vấn đề trật tự an toàn xã hội. Yêu cầu các đơn vị trực các trạm bơm phải theo dõi sát diễn biến của đợt mưa hoàn lưu sau bão để vận hành các trạm bơm hợp lý.

Ảnh Hồng Quang
Kiểm tra, động viên các phường tổ chức nạo vét hố thu nước dọc các tuyến đường nội thị. Ảnh Hồng Quang

Tại các điểm nạo vét hố thu, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy đã động viên cán bộ nhân dân các phường trong việc tổ chức nạo vét các hố thu nước để khơi thông dòng chảy chống ngập úng cục bộ.

Hồng Quang

* Cùng ngày, đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh do Đại tá Dương Minh Hiền - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai tổ chức phòng, chống bão lụt tại Ban CHQS các huyện: Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và Thành phố Vinh. 

Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn LLVT tỉnh đã quán triệt nghiêm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, chống bão lụt. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra rà soát tuyến đê kè, hạ du hồ, đập; các tuyến ven biển, ven sông, vùng thấp trũng, ngập úng; các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; các vùng có thể bị chia cắt cô lập… để triển khai các biện pháp ứng phó; tham mưu, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân về bão số 7. Duy trì nghiêm túc chế độ trực; tổ chức chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng tham gia phòng, chống bão.

Ảnh Hoàng Anh
Kiểm tra kỹ thuật, phương tiện tại Ban CHQS huyện Nam Đàn. Ảnh: Hoàng Anh

Qua kiểm tra, Đại tá Dương Minh Hiền, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì nghiêm túc chế độ trực theo quy định, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật và kiểm tra chặt chẽ các vùng trọng điểm về ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất để có phương án tổ chức di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chuẩn bị tốt công tác đảm bảo an toàn cho người và vũ khí, trang bị kỹ thuật khi tham gia phòng, chống bão.

Hoàng Anh

* Để chủ động ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão, từ chiều ngày 13/10, Công an tỉnh Nghệ An đã tích cực chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương túc trực 100% quân số, trực ban 24/24h; đặc biệt tăng cường thêm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn huyện, thị xã thuộc vùng xung yếu, ven biển như Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Cửa Lò. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng, phương tiện chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết, yêu cầu các thuyền bè trên sông không di chuyển sau 12h ngày 14/10.

Lực lượng Cảnh sát Đường thủy nhắc nhở ngư dân neo đậu thuyền bè
Lực lượng Cảnh sát Đường thủy nhắc nhở ngư dân neo đậu thuyền bè. Ảnh: Đức Vũ

Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương quán triệt phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Đặc biệt ưu tiên việc bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn; đảm bảo ANTT tại những nơi sơ tán dân. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẵn sàng phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt; lực lượng cơ động, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ… triển khai các nhiệm vụ để sẵn sàng hỗ trợ người dân.

Quỳnh Trang - Đức Vũ

* Tại Quỳnh Lưu, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Bình dẫn đầu đã đến kiểm tra tuyến đê chắn sóng thuộc xã Quỳnh Thọ.

Tuyến đê này có chiều dài 1,9km nhưng có 1,1 km xung yếu qua địa phận 3 thôn Thọ Thắng, Thọ Đồng, Thọ Tiến đã được cấp trên đầu tư nâng cấp, với tổng dự toán kinh phí là 20 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 5 tháng thi công đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc. Tuy nhiên, còn 30% phần mái đơn vị thi công chưa kịp gia cố. Do vậy, khi có mưa lớn, nước triều cường dâng cao lại không có mái bê tông bảo vệ, làm xói mòn và dễ dẫn đến vỡ đê.

Trước tình hình đó, đoàn kiểm tra đã giao trách nhiệm cho UBND xã Quỳnh Thọ sẵn sàng các phương án để di dời 246 hộ ở vùng trũng thấp, sát với tuyến đê đến các nhà cao tầng và trụ sở UBND xã, các trường học ở địa phương. Đồng thời, sẵn sàng các điều kiện chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 7 tại xã Quỳnh Thọ. Ảnh Hồng Diện
Đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 7 tại xã Quỳnh Thọ. Ảnh: Hồng Diện

Tiếp đến, đoàn đã đến kiểm tra đoạn đê thuộc xóm 1, trước cửa Lạch Thơi, xã Sơn Hải và dọc tuyến đê của xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận. Tại 3 xã này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Bình yêu cầu các địa phương phải đặt yếu tố đảm bảo an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, di dời kịp thời bà con ở ven đê, nhất là người già và trẻ nhỏ về địa điểm tập trung tránh trú bão của xã. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, sẵn sàng nhân lực, vật lực tại chỗ kịp thời ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra...

Xã Quỳnh Nghĩa huy động lực lượng đóng 500 bao cát xếp 2 bên chân cống Cửa Ngâm. Ảnh Hồng Diện
Xã Quỳnh Nghĩa huy động lực lượng đóng 500 bao cát xếp 2 bên chân cống Cửa Ngâm. Ảnh: Hồng Diện

Tại Quỳnh Nghĩa, đoàn kiểm tra tại cống Cửa Ngâm thuộc thôn 3. Cống này có tác dụng ngăn thủy triều ngoài biển dâng vào dân và tiêu thoát nước ở trong khu dân cư ra biển. Với tầm quan trọng đó nên trong sáng ngày 14/10, xã Quỳnh Nghĩa đã huy động gần 200 người, bao gồm: cán bộ, công chức, công an, các đoàn thể từ xã xuống thôn và các tổ chỉ đạo phòng chống bão lụt ở các thôn; đồng thời thuê 4 xe ô tô tải, máy múc để đóng 500 bao tải cát xếp 2 bên chân cửa cống.

Ngoài cống Cửa Ngâm, đoàn công tác cũng đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm đến những điểm ách yếu khác, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khi mưa bão về. 

Hồng Diện

* Huyện Nghĩa Đàn hiện có hơn 130 hồ đập lớn nhỏ. Để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, trong năm 2019 - 2020, với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Nghĩa Đàn đã đầu tư sửa chữa 7 công trình như đập Thiết Bai, xã Nghĩa Thành; Tân Đồng của xã Nghĩa Thịnh; đập đồng Kè ở xã Nghĩa Yên; đập Lác ở xã Nghĩa Lạc…. Đồng thời, cấp áo phao cứu sinh, nhà bạt cho các địa phương.

Tại đập Ba Khe xã Nghĩa Thành, cán bộ chiến sỹ đã đặt các điểm gác để người dân biết khi qua lại
Tại đập Ba Khe xã Nghĩa Thành, cán bộ chiến sỹ đã đặt các điểm gác để người dân biết khi qua lại. Ảnh: Minh Thái

Ông Võ Tiến Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Trước thông tin về cơ bão số 7, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn trực 24/24 giờ, chịu trách nhiệm về chế độ thông tin báo cáo tình hình thiên tai, lũ lụt trên địa bàn. Chỉ đạo đến tận các thôn, xóm chủ động bố trí con người và phương tiện để ứng cứu kịp thời những nơi thường xuyên xảy ra ngập lụt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, cơ sở nhằm sẵn sàng đối phó với thiên tai trong mọi tình huống. 

Chiều nay (14/10), khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 01 giờ ngày 15/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 18,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m.

Tình hình thời tiết khu vực Bắc Trung Bộ:

* Trên biển:

Đêm nay và ngày mai (15/10), trên vùng biển khu vực Bắc Trung Bộ còn có gió mạnh cấp 6, giật trên cấp 7, biển động.

* Trên đất liền:

Đêm nay (14/10), trên đất liền các huyện ven biển khu vực Bắc Trung Bộ có gió bão mạnh cấp 5 - cấp 6, giật cấp 7.

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu vùng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 7, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ nay đến hết ngày 16/10, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa cả đợt có khả năng đạt: 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Tin mới