Các doanh nghiệp tại TP Vinh chủ động phòng dịch, duy trì sản xuất

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh TP Vinh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ ngày 19/6, các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn thành phố đang khẩn trương sắp xếp lại sản xuất nhằm đảm bảo "mục tiêu kép".

Doanh nghiệp chủ động

Lãnh đạo Đảng ủy khối DN tỉnh và Công ty trong 1 lần thăm dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Granite Trung Đô tại KCN Bắc Vinh. Ảnh: Tư liệu
Lãnh đạo Đảng ủy Khối DN tỉnh và Công ty trong một lần thăm dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Granite Trung Đô tại KCN Bắc Vinh. Ảnh: Tư liệu

Tại Nhà máy Granite Trung Đô trong KCN Bắc Vinh, sau 1 ngày thực hiện lệnh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, mặc dù chịu ảnh hưởng từ lệnh cách ly xã hội và phong tỏa, đồng nghĩa với 1/3 số lao động của Nhà máy ở ngoài địa bàn thành phố không đến Nhà máy được.

Trước  tình hình đó, nhờ chủ động rà soát, nắm chắc số lao động nên Nhà máy có các phương án sắp xếp lại lao động, ca kíp nên sản xuất bình thường và đảm bảo yêu cầu chống dịch chung của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và tỉnh. Theo đó, các trường hợp công nhân ở ngoài địa bàn thành phố thì được lãnh đạo nhà máy rà soát, bố trí phương án ăn, ở tại Nhà máy để sản xuất.

Các doanh nghiệp Nghệ An, trong đó có Cảng Cửa Lò vừa nỗ lực giữ vững sản xuất và đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid. Ảnh: Tư liệu
Các doanh nghiệp Nghệ An, trong đó có cảng Cửa Lò vừa nỗ lực giữ vững sản xuất và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Tư liệu

Nhà máy hiện có 200 công nhân, trong đó có 60 công nhân ngoài địa bàn thành phố Vinh, theo Chỉ thị 16 về giãn cách, Nhà máy đã qua rà soát sắp xếp đã bố trí cho 30 lao động ở lại tại nhà máy và 30 lao động phải tạm nghỉ vì lý do gia đình. Hiện tại, mặc dù dịch và ảnh hưởng do phải cắt giảm lao động, nhưng Nhà máy vẫn đảm bảo dây chuyền chạy 24/24h.

Bà Nguyễn Thị Yến - Giám đốc Nhà máy Granite Trung Đô

Kiểm tra công tác phòng dịch tại các cơ sở sản xuất trong KCN. Ảnh: Thành Chung
Đoàn liên sở kiểm tra công tác phòng dịch tại các cơ sở sản xuất trong KCN thuộc KKT Đông Nam. Ảnh: Thành Chung

Tương tự, tại Công ty may Minh Anh Kim Liên, trước khi giãn cách xã hội toàn TP Vinh theo Chỉ thị 16, Công ty có khoảng 400 lao động Hà Tĩnh đã thuộc diện phải bố trí ở lại theo Chỉ thị 15; nay do tăng cấp độ giãn cách, nên gần 2.000 trong tổng số 3.200 công nhân làm việc tại Công ty ở ngoài TP Vinh đối mặt với nguy cơ không thể đến nhà máy làm việc.

Chính vì vậy, để thực hiện "mục tiêu kép" một mặt Công ty rà soát lại ca kíp, nhân lực lao động và bố trí công nhân địa bàn ngoài TP Vinh được ở lại trong nhà máy; đồng thời tìm cơ sở trường học, nhà nghỉ gần khu vực nhà máy. Trước mắt, một số công nhân được bố trí ăn ở ngay tại nhà máy để duy trì sản xuất và chấp hành nghiêm quy định phòng dịch.

Công nhân tại Công ty may Minh Anh Kim Liên KCN Bắc Vinh đang làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải
Công nhân tại Công ty may Minh Anh Kim Liên, KCN Bắc Vinh đang làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Đình Sinh – Tổng Giám đốc Công ty may Minh Anh Nghệ An cho biết: Đợt trước Công ty đã nỗ lực để sắp xếp cho 400 lao động Hà Tĩnh làm việc tại Nhà máy theo yêu cầu giãn cách của Chỉ thị 15/CT-TTg và hiện tại theo yêu cầu mới Chỉ thị 16/CT-TTg Công ty may tại KCN Bắc Vinh đang nỗ lực tìm mọi biện pháp và gần như căng mình để duy trì sản xuất, nhằm đảm bảo giao hàng đúng hẹn theo hợp đồng đã ký.

Kiểm tra tuyên truyền về an toàn phòng dịch tại các nhà máy, KCN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Kiểm tra, tuyên truyền về an toàn phòng dịch tại các nhà máy, KCN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Không chỉ các DN trong khu CN mà các doanh nghiệp ngoài cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch để đảm bảo sản xuất. Điển hình là Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử EM- Tech tại phường Vinh Tân, TP Vinh. Đơn vị này hiện sử dụng gần 2.000 lao động, trong đó 200 lao động từ Hà Tĩnh sang làm việc và hiện giờ khi thành phố Vinh bị cách ly xã hội cao hơn theo cấp độ phong tỏa thì số lao động ngoài thành phố làm tại nhà máy sẽ tăng lên. Chính vì thế, trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố Vinh, doanh nghiệp này đã thuê khách sạn, nhà nghỉ gần nhà máy cho công nhân ngoài địa bàn thành phố Vinh ở để kiểm soát dịch bệnh.

Các doanh nghiệp dệt may phòng dịch và duy trì sản xuất là ưu tiên cao nhất. Ảnh: Tư liệu
Các doanh nghiệp dệt may phòng dịch và duy trì sản xuất là ưu tiên cao nhất. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đó, các doanh nghiệp như Nhà máy Bao bì Quân khu 4 và Nhà máy E.Tech tại phường Vinh Tân, nơi có trên 200 công nhân ngày ngày từ Hà Tĩnh sang làm việc và ngược lại từ Vinh sang.

Chính vì thế, từ giữa tháng 6, khi tình hình dịch tại Hà Tĩnh và nguy cơ xảy ra dịch tại TP Vinh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đã lãnh đạo các đơn vị này rà soát, cho công nhân đăng ký nếu làm việc thì ở tại cơ sở luôn hoặc ngược lại; trường hợp nào ra ngoài địa bàn cũng được nhà máy bố trí nhân lực làm thay và được cho tạm nghỉ, cách ly đủ ngày theo quy định thì mới vào Nhà máy.

Đoàn kiểm tra khảo sát thực tế công tác phòng dịch Covid tại một doanh nghiệp tại TP Vinh. Ảnh: tư liệu
Đoàn kiểm tra khảo sát thực tế công tác phòng dịch Covid-19 tại một doanh nghiệp ở TP Vinh. Ảnh tư liệu

Ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho hay: Nhờ các biện pháp vào cuộc quyết liệt và chủ động như trên, nên hiện tại mặc dù các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng tại TP Vinh và Hà Tĩnh đang khá phức tạp nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn thành phố Vinh vẫn an toàn và giữ vững thành trì để duy trì sản xuất bình thường.

Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh

Bên cạnh sự chủ động trên, từ thực tế tìm hiểu tại Công ty may Minh Anh trong KCN Bắc Vinh cho thấy, do số lao động ngoài thành phố làm việc tại công ty này quá nhiều (gần 2/3 tổng số lao động) và theo Chỉ thị 16/CT thì số lao động này không thể vào thành phố và Nhà máy; khi đã vào TP Vinh thì không thể về và phải giãn cách nên gây ra rất nhiều khó khăn cho Công ty.

Thực tiễn theo dõi công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh bạn như Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hà Tĩnh, Bình Dương thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy, mặc dù tình hình dịch bệnh rất phức tạp khi có nhiều ca dương tính ngoài cộng đồng, thậm chí dịch đã vào KCN nhưng một số doanh nghiệp vẫn yên ổn.

Nguyên do là các nhà máy đó có nhà ở công nhân nên hạn chế được tối đa lượng người lao động và nguồn lây bệnh dịch từ bên ngoài vào. Thậm chí, khi dịch bệnh xảy ra, các đơn bị này còn nâng mức cảnh giác cao hơn khi công nhân, người lao động được ở hẳn trong nhà máy và không có tiếp xúc với bên ngoài.

Dự án Lux-share ITC tại V.DShip Hưng Nguyên ngay từ khi triển khai lắp đăt nhà xưởng đã xây dựng khu nhà tập thể cho công nhân nên khi xảy ra dịch chủ động được công tác phòng dịch. Ảnh: Nguyễn Hải
Dự án Luxshare ITC tại VSIP Hưng Nguyên ngay từ khi triển khai lắp đặt nhà xưởng đã xây dựng khu nhà tập thể cho công nhân nên khi xảy ra dịch chủ động được công tác phòng dịch. Ảnh: Nguyễn Hải

Để đảm bảo sản xuất và phòng dịch, một mặt các doanh nghiệp, nhà máy cần giữ nghiêm tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm quy định về phòng dịch khi bố trí chỗ ăn nghỉ cho công nhân gần nhà máy, hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng. Mặt khác, về lâu dài, mỗi xí nghiệp, nhà máy cần tính đến khả năng này để khi bình thường là nhà ở xã hội của công nhân nhưng khi cần thiết là “thành trì” chống dịch cho mỗi nhà máy.

Hy vọng trong thời gian tới, tinh thần chủ động chống dịch và linh hoạt giải quyết các vướng mắc trên sẽ được duy trì và giữ vững để góp phần cùng tỉnh và thành phố hoàn thành mục tiêu kép và phòng dịch tốt và duy trì sản xuất, kinh doanh./.

Tin mới