Các lãnh đạo thế giới đạt 'cam kết thay đổi cục diện' tại hội nghị COP26

Các nhà lãnh đạo thế giới dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 vừa cam kết sẽ giảm 305 lượng phát thải khí methane vào năm 2030.
Theo hãng tin Sky News, cam kết này là một phần những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu tại hội nghị COP26 diễn ra ở Glasgow, Anh.
Các lãnh đạo thế giới đạt 'cam kết thay đổi cục diện' tại hội nghị COP26 ảnh 1
Cam kết Methane Toàn cầu đặt mục tiêu cắt giảm khí methane ở mức ít nhất 30% năm 2030. Ảnh: BBC

Cam kết Methane Toàn cầu là một sáng kiến quốc tế, được Mỹ và EU thúc đẩy nhằm giảm mức phát thải khí methane và là cách hữu hiệu để làm chậm quá trình ấm nóng toàn cầu trong ngắn hạn. John Kerry, đặc phái viên khí hậu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cho biết, hơn 100 nước đã hưởng ứng nỗ lực này, nhằm đạt được các mục tiêu đã cam kết.

Thông báo được ông Kerry đưa ra trước khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xuất hiện cùng nhau ở Glasgow để thông báo chi tiết của kế hoạch.

Chính quyền Biden dự định giải quyết các giếng dầu và khí đốt, các đường ống dẫn và cơ sở hạ tầng khác trước tiên, như một phần của một chiến lược quy mô lớn hơn nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của chiến lược là cắt giảm 0,2 độ C ấm nóng trong tương lai gần, bằng cách giảm lượng phát thải methane ít nhất 30% vào năm 2030. Con số này tạo cảm giác chỉ là một sự thay đổi nhỏ, nhưng nó có thể tác động rất lớn để mức độ nghiêm trọng và tần suất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Nó cũng sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe cộng đồng và năng suất nông nghiệp, nhờ giảm bớt tình trạng ô nhiễm tầng ozone.  

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm ơn những người đã ký vào "cam kết thay đổi cục diện".   

"Những gì chúng ta làm trong thập niên quyết định này... sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta có thể đáp ứng cam kết lâu dài hơn hay không. Một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm trong thập niên quyết định này để giữ con số 1,5 độ C trong tầm với là giảm lượng khí methane càng nhanh càng tốt. Như đã nói, đó là một trong những loại khí nhà kính mạnh nhất. Nó đóng góp vào khoảng một nửa sự ấm nóng mà chúng ta đang trải qua ngày nay", ông Biden lý giải.

Methane là tác nhân lớn thứ hai gây hiệu ứng nhà kính sau khí carbon dioxide (CO2). Khí này có khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhưng phân hủy trong khí quyển nhanh hơn, đồng nghĩa việc cắt giảm phát thải methane có thể có tác động nhanh chóng đến việc khống chế hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Tin mới