Các nhà khoa học hiến kế xây dựng nông thôn mới tại Nghệ An giai đoạn tới

(Baonghean.vn) - Sáng 24/12, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo khoa học xây dựng NTM phát triển bền vững những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Nghệ An.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương; các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Toàn ảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Toàn ảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Những khó khăn cần tháo gỡ

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Trong xây dựng NTM ở Nghệ An, thời gian qua mặc dù đạt thành tích cao, là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về xây dựng NTM, nhưng vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ; đó là: hệ thống giao thông ở nhiều địa phương chưa phát triển bền vững, chưa có giải pháp về xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông cũng cho rằng: Nguồn lực của các địa phương đầu tư vào xây dựng NTM chưa nhiều; nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa bền vững, chưa khai thác hết thế mạnh…; đây là những câu hỏi lớn, cần có lời giải.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Vì vậy, với những kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mong rằng hội thảo là điều kiện để các ngành, địa phương tiếp thu, đề cập vào địa phương mình một cách phù hợp trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho rằng: Trong quá trình xây dựng NTM thời gian qua, còn có một số vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi cần có những nghiên cứu, đánh giá để đề ra giải pháp cụ thể, đó là: Phải làm gì để khi xã đạt chuẩn NTM ngoài việc đảm bảo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phải giữ được bản sắc của nông thôn truyền thống. Hướng đến NTM kiểu mẫu, vấn đề gì là cốt lõi?

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội NN-PTNT Việt Nam tham luận tại hội nghị

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng  điều phối NTM Trung ương phát biểu ý kiến. Ảnh: Xuân Hoàng

Để xây dựng NTM giai đoạn 2 có hiệu quả, các địa phương cần chú trọng “chiều sâu, chất lượng, bền vững”. Đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn với phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị…

Đối với nguồn lực đầu tư, ông Nguyễn Minh Tiến đề nghị các địa phương tập trung vận dụng nguồn huy động từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội NN-PTNT Việt Nam tham luận tại hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tham luận tại hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan tâm tiêu thụ nông sản

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều đề tài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành, địa phương có kinh nghiệm trong xây dựng NTM.

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cho rằng: Nghệ An xây dựng NTM có nhiều thuận lợi: đất rộng, người đông, lực lượng lao động trẻ dồi dào, đội ngũ cán bộ các cấp rất tâm huyết với chương trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, Nghệ An cũng gặp nhiều thách thức: Đó là vùng nông thôn quá rộng, địa hình phức tạp, hạ tầng giao thông vẫn rất khó khăn. Vấn đề tiêu thụ nông sản cần tổ chức lại thị trường cho nông dân. Tình trạng môi trường văn hóa, môi trường an ninh vùng nông thôn cần được cải thiện. Lực lượng lao động trẻ xa quê tìm kiếm việc làm còn nhiều; vấn đề môi trường chưa được cải thiện…

Làm đường NTM ở huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Làm đường nông thôn mới ở huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Vì vậy, ông Hùng mong muốn Nghệ An cần thay cụm từ "Xây dựng ngành Nông nghiệp toàn diện" thành “Xây dựng ngành Nông nghiệp đa chức năng, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa”.

Tỉnh Nghệ An cần thực hiện một số giải pháp khác biệt xuất phát từ đặc điểm của địa phương, nên chăng phân tầng vùng nông thôn theo điều kiện của mỗi vùng: nông thôn vùng thành phố, thị xã; nông thôn vùng miền núi, trung du. Đối với nông thôn vùng đồng bằng ven biển xa đô thị, được phân làm 2 vùng: Đông Quốc lộ 1 và Tây Quốc lộ 1.

Nông thôn Nghệ An đổi mới nhờ Chương trình xây dựng NTM. Ảnh tư liệu

Nông thôn Nghệ An đổi mới nhờ Chương trình xây dựng NTM. Ảnh tư liệu

Đối với nguồn lực tài chính, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng: Cần có chính sách cụ thể sát thực và đặc biệt lưu ý đến thủ tục hành chính, ý thức của đội ngũ công chức phục vụ doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp về đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp tại tỉnh, doanh nghiệp hiện có mở rộng quy mô đầu tư là có tiền cho xây dựng NTM.

Tạo phong trào tôn vinh con em sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, nước ngoài tham gia thiết thực vào chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực để người dân yên tâm ủng hộ.

Tại hội thảo, một số đề tài cũng được trình bày nhằm làm nổi bật hơn các vấn đề trong xây dựng NTM, kinh nghiệm xây dựng NTM ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã cảm ơn các nhà khoa học, nhà quản lý có nhiều đề xuất mang tính định hướng đầy tâm huyết, sát thực với thực tế của Nghệ An. Mong các cấp, ngành của địa phương tiếp thu, áp dụng một cách phù hợp để Chương trình xây dựng NTM của Nghệ An đi vào chiều sâu, thiết thực hơn trong giai đoạn tới./.

Tin mới