Các nước G20 sắp họp trực tuyến về Covid-19

(Baonghean.vn) - Theo các nguồn tin mới nhất, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ có một cuộc họp khẩn vào ngày thứ 5 tới (26/3), để bàn các giải pháp để ngăn chặn đại dịch Covid-19, cũng như chặn đà suy thoái kinh tế toàn cầu do các tác động của dịch bệnh.

Trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng, nhóm G20 đã có những phản ứng chậm chạp với đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, theo hãng tin Reuters, dự kiến, các nhà lãnh đạo của G20 sẽ có một cuộc họp trực tuyến qua video vào thứ 5 tới để thảo luận về vấn đề này.

G20-Hình minh họa
Hình minh họa.

Trước đó hôm thứ 2 (23/3), cũng trong một cuộc họp qua video, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm G20 đã nhất trí thúc đẩy một kế hoạch hành động để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh, có thể gây tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo.

Ban Thư ký của nước Chủ tịch G20 năm nay là Saudi Arabia cũng đã ra tuyên bố thông tin về cuộc họp chuẩn bị diễn ra. Theo đó, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo G20 lần này dự báo sẽ bàn thảo nhiều vấn đề phức tạp. Có thể kể đến cuộc chiến giá dầu giữa hai thành viên là Saudi Arabia và Nga hay căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, đã khiến gần 380.000 người nhiễm bệnh, gần 17.000 ca tử vong trên toàn cầu...

Mới đây, Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva đã hoan nghênh các động thái và giải pháp tài chính, tiền tệ khẩn cấp của các quốc gia để chống tác động của dịch Covid-19, nhưng đồng thời cho biết sẽ cần phải hành động nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

Agedit Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) bình luận, do những hạn chế về chính sách tiền tệ của các nước hiện nay, nên lựa chọn duy nhất để hỗ trợ tăng trưởng chỉ có thể là kích thích tài khóa. Thế nhưng, ngay giải pháp này cũng đang cần phải cân nhắc do vấp phải các quan điểm trái chiều.

Các ý kiến phản đối cho rằng, các biện pháp kích thích tài khóa có thể làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ một khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Nếu điều này xảy ra sẽ tác động tiêu cực thậm chí tàn phá các mục tiêu tăng trưởng toàn cầu. Đây được dự báo cũng sẽ là vấn đề trọng tâm mà các nhà lãnh đạo G20 sẽ phải đưa ra bàn thảo, để đưa ra quyết định về các gói kích thích - nếu có đối với nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra./.

Tin mới