Các nước trên thế giới phong hàm Giáo sư như thế nào?

Theo nhiều chuyên gia, ở các nước, dù lịch sử hình thành nền giáo dục đại học khác nhau nhưng khái niệm giáo sư cùng có điểm chung: vị trí làm việc trong trường đại học.
Trường ĐH tự quyết định
Theo giáo sư (GS) Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, ở Đức vị trí GS là phải ở trường đại học (ĐH) hoặc viện nghiên cứu. Quá trình phát triển của một nhà khoa học từ tiến sĩ lên GS phải trải qua trước hết một thời gian thực tập sau tiến sĩ (kéo dài từ 3 - 6 năm). Cuối giai đoạn này sẽ hoàn thành thêm một luận án nữa nhằm minh chứng cho sự hoàn thiện về năng lực nghiên cứu của mình, sau đó mới được phép chính thức giảng dạy tại ĐH.
Các giáo sư quốc tế đến làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán. Ảnh: Lan Anh
Các giáo sư quốc tế đến làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán. Ảnh: Lan Anh
Tuy nhiên, để được bổ nhiệm chức danh GS, nhà khoa học còn phải trải qua mấy năm làm giảng viên hợp đồng mới tích lũy đủ thành tích để ứng cử vào vị trí GS. Toàn bộ quá trình này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của trường ĐH căn cứ trên đề xuất của khoa.
Với mỗi trường ĐH, số suất GS là cố định. Lương GS lấy từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng hiệu trưởng được toàn quyền bổ nhiệm. Chỉ khi còn “chỉ tiêu” thì họ mới tuyển dụng. Thông tin tuyển dụng được thông báo công khai trong và ngoài nước. Họ sẽ lập một hội đồng xét tuyển đánh giá từng ứng viên, người nào điểm cao nhất sẽ được lựa chọn, bổ nhiệm GS cho đến khi về hưu. Dù trường ĐH có quyền lựa chọn GS nhưng lại không có quyền đuổi việc họ vì khi đã thành GS thì đã là “người nhà nước”.
GS Hải cho biết: “Không trường ĐH nào của Đức đưa ra bộ tiêu chuẩn cứng để đánh giá ứng viên GS của mình, nhưng riêng với các ngành khoa học cơ bản thì chung một nguyên tắc là thành tích nghiên cứu khoa học của ứng viên”.
GS Vũ Hà Văn, Trường ĐH Yale (Mỹ), cho rằng ở VN hiện nay việc phong danh hiệu GS được coi như một cách tôn vinh, tương tự như danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân. “Chỗ trái khoáy là khá đông người mang danh hiệu GS không làm trong các trường ĐH hay viện nghiên cứu, thậm chí không nghiên cứu. Thành ra ở VN có thói quen chỉ giới thiệu ai đó là GS, chứ ít khi nói là GS ở đâu. Đây là điều rất khác so với quốc tế. Tôi ủng hộ phương án để các trường tự bổ nhiệm GS. Đẳng cấp của GS đối với xã hội sẽ gián tiếp được khẳng định qua vị thế của trường họ công tác và quy trình phong cấp của họ”.
Tuyển dụng giáo sư
Trong nhiều lần trò chuyện với PV Báo Thanh Niên, GS Ngô Bảo Châu cho biết thị trường lao động trong giới hàn lâm ở Mỹ rất sôi động, có phần khốc liệt, do cơ chế đào thải liên tục nhờ quá trình tuyển dụng - trao đổi nhân sự diễn ra rất tích cực. “GS là một chức vụ trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Vì thế, nó có một số lượng chỉ tiêu nhất định, khi thiếu chỉ tiêu thì họ sẽ tuyển người mới”, GS Ngô Bảo Châu cho biết.
Do mỗi lần tuyển mỗi khoa chỉ xét 1 - 2 trường hợp nên họ có thời gian xem hồ sơ của ứng viên rất kỹ. Tất nhiên họ không bao giờ quan tâm những chỉ tiêu đã được lượng hóa như cách mà VN đang làm, kiểu như có đủ số bài báo quốc tế, hay số sách đã viết, số tiến sĩ đã đào tạo… vì trong bối cảnh giáo dục ĐH thế giới ngày nay, những con số đó không mấy ý nghĩa. “Thường thì họ xem xét sự ảnh hưởng của người mà họ muốn tuyển dụng tới ngành nghiên cứu mà khoa đang muốn thúc đẩy nó phát triển như thế nào. Họ sẽ gửi thư hỏi ý kiến của những chuyên gia đầu ngành trong mạng lưới khoa học toàn cầu. Thường thì cần tới đánh giá của khoảng 10 chuyên gia. Về phía các chuyên gia, họ đánh giá rất kỹ lưỡng và xét từng trường hợp cụ thể chứ không đưa ra một bảng tiêu chuẩn rồi tích vào từng ô mà cho điểm một cách cứng nhắc như ở VN”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Đừng gắn giáo sư với sự nghiệp chính trị
TS Nguyễn Xuân Huy, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết với các nước châu Á, GS luôn là một vị trí công việc, phải do chính các trường ĐH tuyển dụng và bổ nhiệm, chứ không phải do hội đồng chức danh phong tặng như ở VN. Tùy vào năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của ứng viên mà hội đồng chuyên môn của trường tuyển dụng và đánh giá từng ứng viên xem có phù hợp hướng phát triển của ĐH hay không. Từ đó mới bổ nhiệm vị trí việc làm cho phù hợp với các yêu cầu công việc.
Theo TS Huy, hầu hết GS ở ĐH Hàn Quốc tốt nghiệp tiến sĩ các trường nổi tiếng của Mỹ hoặc châu Âu. Điều kiện làm GS ở Hàn Quốc cạnh tranh khắc nghiệt, tiêu chí thông thường như sau: tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường nổi tiếng của Mỹ, Canada hoặc châu Âu; có kinh nghiệm làm việc nghiên cứu, có thời gian làm sau tiến sĩ ít nhất 5 năm; có nhiều công trình công bố quốc tế trên các tạp chí SCI; từng đứng chủ nhiệm thực hiện dự án nghiên cứu.
Các trường ĐH ở Hàn Quốc tuyển GS từ những người có quyền lực, đã có kinh nghiệm làm trong các tổ chức chính phủ lâu năm. Những người này về trường ĐH làm GS sẽ kéo nhiều dự án nghiên cứu cho trường.
“Đây là điểm khác biệt giữa Hàn Quốc với VN. Ở Hàn Quốc, sau khi kết thúc làm chính trị hay công chức chính phủ, họ trở về trường làm GS và tập trung dạy sinh viên, làm đề tài dự án nghiên cứu. Trong khi đó, ở VN, nhiều người có chức danh GS làm việc trong các bộ, ngành, cơ quan nhà nước chứ không phải tập trung làm việc trong ĐH”, TS Huy nhận xét.

Tin mới