Các ông lớn ngành bia chi bao nhiêu tiền cho quảng cáo?

Với hàng nghìn tỷ đồng chi cho quảng cáo mỗi năm, các doanh nghiệp bia đang giành giật từng phần nhỏ trong miếng bánh thị phần.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Hiệp hội bia Việt Nam, lượng tiêu thụ bia năm 2017 đạt hơn 4 tỷ lít, với bình quân mỗi người Việt uống gần 45 lít bia trong năm. Sức hấp dẫn của thị trường khiến Euromonitor International gọi Việt Nam là "chiến trường tiếp theo của những nhà sản xuất bia".

Cuộc chiến trên bàn nhậu, không chỉ nằm ở khía cạnh thị phần, còn là cuộc đua "đốt tiền" để quảng cáo, tiếp thị, nhằm gia tăng nhận diện thương hiệu. Ba năm gần nhất, không năm nào Sabeco chi dưới 1.000 tỷ đồng cho khoản mục này, còn Habeco đang duy trì tốc độ tăng hai con số mỗi năm cho chi phí quảng cáo.

Viết về thị trường châu Á Thái Bình Dương, Euromonitor đánh giá Việt Nam sẽ trở thành thị trường đáng chú ý. Nhờ văn hóa ẩm thực đường phố và quá trình đô thị nhanh, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2021.

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, hơn 90% thị trường bia Việt Nam đang nằm trong tay 4 công ty là Habeco, Hue Brewery (do Carlsberg sở hữu 100% vốn), Sabeco và Heineken VN. 10% thị trường còn lại thuộc về một số doanh nghiệp mới như Masan Brewery, Sapporo, AB InBev hay Southeast Asia Brewery của Carlsberg.

Sự hấp dẫn của thị trường luôn đi kèm với sự cạnh tranh khốc liệt để giành giật từng phần nhỏ trong miếng bánh thị phần. Với những cái tên đứng đầu, dù vị thế đã được xác lập, nhưng để duy trì thị phần trong một thị trường hấp dẫn, các doanh nghiệp này mỗi năm phải chi ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị. 

Năm 2017, Sabeco chi ra 1.221 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, tiếp thị. Dù giảm hơn 6% so với năm 2016, tuy nhiên đây vẫn là ngân sách chi tiền thuộc nhóm đầu thị trường. 

Trong báo cáo gửi các cổ đông, ban lãnh đạo công ty này cho biết mức độ cạnh tranh trên thị trường bia khốc liệt, đặc biệt là các hãng bia nước ngoài với nguồn lực tài chính mạnh. "Các đối thủ không ngừng đầu tư cho quảng cáo, tiếp thị, mở rộng công suất, kể cả cạnh tranh không lành mạnh", báo cáo viết.

Công tác marketing, bán hàng cũng là nhóm công việc đứng đầu trong báo cáo những năm gần đây để triển khai nhiệm vụ trong năm. "Tập trung đầu tư chi phí marketing để xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho các nhãn hàng theo định vị và chiến lược dài hạn, trong đó định vị sản phẩm trên từng phân khúc", báo cáo của ban giám đốc Sabeco viết.

Với Habeco, từng là cái tên đứng đầu thị trường phía Bắc, tuy nhiên thị phần doanh nghiệp này đang trên đà sụt giảm những năm gần đây. Các công ty chứng khoán cho rằng Bia Hà Nội của Habeco dù được đánh giá là thương hiệu biểu tượng ở miền Bắc, nhưng đây chỉ là sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ, vừa túi tiền. Việc đánh mất thị phần tại phân khúc tầm trung và cao cấp vào tay Sabeco và những đối thủ ngoại, khiến Habeco "thất thủ" tại ngay tại thị trường chính.

Một trong những điểm yếu của hãng bia này, theo đánh giá nằm ở hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu. "Trong khi các đối thủ chính, như Sabeco và Heineken, hiện không chỉ gia tăng chi tiêu vào A&P mà cũng gia tăng chất lượng của hoạt động marketing, Habeco lại đang tụt lại trong “vùng an toàn” của mình khi chúng tôi không nhận thấy bước đột phá nào trong hoạt động thương hiệu thời gian qua", VCSC nhận định.

Trong hai năm gần đây, Habeco đang có những nỗ lực để thay đổi điều này. Chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ bán hàng đã tăng hơn gấp đôi so với trước đó 3 năm. Năm 2017, Habeco chi ra gần 570 tỷ đồng.

Với Heiniken, dù chưa từng công bố doanh số chi cho quảng cáo, nhưng theo các doanh nghiệp trong ngành, hoạt động này luôn nằm trong nhóm dẫn đầu. Cụ thể, Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Sài Gòn (SPSC) là đơn vị chuyên cung cấp nhân viên tiếp thị cho Heiniken VN. Tuy nhiên, năm 2016, Heineken đã ngừng hợp đồng khiến tổng doanh thu của SPSC mất hơn 123 tỷ đồng.

Tin mới