Các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách cần gắn với từng tour, tuyến

(Baonghean.vn)- Ngày 14/2, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về Đề án Phát triển một số sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2025.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, tham dự có đại diện Sở Công thương (đơn vị chủ trì Đề án) và đại diện các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện Sở Công thương (đơn vị chủ trì Đề án) và đại diện các sở, ngành liên quan. Ảnh: Công Kiên

Các sản phẩm, hàng lưu niệm còn đơn điệu

Hàng năm, Nghệ An đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, riêng năm 2018 đón khoảng 6 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, thực tế lâu nay du khách đến Nghệ An thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn cho mình những món sản phẩm mang tính bản sắc và truyền thống của từng địa phương. Thị trường quà tặng vẫn còn đơn điệu và chưa tạo được dấu ấn cho du khách, mặc dù trên địa bàn tỉnh có khá nhiều làng nghề truyền thống.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút và phát triển lĩnh vực kinh tế du lịch. Vì thế, yêu cầu đặt ra là xây dựng ngành du lịch của tỉnh phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, mang lại nguồn thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống. Trên cơ sở đó, cần nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Đề án Phát triển một số sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 – 2025 nhằm khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh, thu hút nhiều lao động tham gia làm nghề, tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Tạo ra sản phẩm có độ tinh xảo và chất lượng cao, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách nhằm tăng doanh thu bán hàng, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm làng nghề.
Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Phó Giám đốc Sở Công thương báo cáo Đề án. Ảnh: Công Kiên
Đồng chí Nguyễn Hữu Cương - Phó Giám đốc Sở Công thương báo cáo Đề án. Ảnh: Công Kiên

Từ đó, huy động mọi tầng lớp nhân dân và thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng môi trường du lịch, tranh thủ sự đóng góp về trí lực, vật lực của các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp và các hội nghề ở địa phương, góp phần đưa Nghệ An trở thành trung tâm du lịch khu vực Bắc Trung Bộ và là trọng điểm du lịch của cả nước.

Tiêu chuẩn hóa 100% số sản phẩm hàng hóa lưu niệm

Trên cơ sở thực trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn, Đề án đặt ra mục tiêu tiêu chuẩn hóa 100% số sản phẩm hàng hóa lưu niệm; xây dựng thành công 2-3 mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với sản xuất các sản phẩm lưu niệm;  góp phần đưa doanh thu của ngành du lịch tăng từ 18 – 20% /năm, tỷ trọng sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giữ ở mức ổn định từ 8 – 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh…

Sản phẩm đan lát của bà con bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên
Sản phẩm đan lát của bà con bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên

Định hướng xây dựng bộ sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách gồm các nhóm: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản, thực phẩm; hải sản chế biến; đồ uống, thảo dược; trang sức, phục sức.

Mỗi nhóm sản phẩm này được bố trí định hướng sản xuất, định hướng phát triển hệ thống tiêu thụ và các giải pháp thực hiện. Kinh phí thực hiện Đề án một phần do Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách và phần còn lại từ nguồn xã hội hóa.

Góp ý xây dựng Đề án, đại biểu các sở, ngành tập trung bổ sung thêm một số danh mục sản phẩm lưu niệm, địa điểm trưng bày các loại sản phẩm đặc trưng của từng địa phương và các giải pháp thực hiện đề án. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ trong việc xây dựng các gian hàng, nhà trưng bày sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường tuyên truyền, quảng bá...

Đồng chí Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch
Đồng chí Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch góp ý bổ sung một số sản phẩm vào danh mục các sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Ảnh: Công Kiên

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định: Đề án cần được xây dựng trên tinh thần cơ chế mở, nghĩa là không giới hạn về thời gian và không gian. Đồng thời, cần bổ sung vào Đề án nội dung đào tạo nguồn nhân lực; các loại sản phẩm gắn liền với từng tour, tuyến du lịch, sản phẩm có tính gia truyền; bổ sung thêm một số sản phẩm đặc trưng của các địa phương.

Nghiên cứu xây dựng yêu cầu kiểm định chất lượng sản phẩm; tiếp tục nghiên cứu tiếp các giải pháp; đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương tiếp tục chỉnh sửa các đề mục theo góp ý của các sở, ngành, bổ sung, hoàn thiện Đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành.

Tin mới