Cách chọn gà cúng Giao thừa mang đến điều tốt cho gia chủ

(Baonghean.vn) - Chọn gà cúng Giao thừa đem lại may mắn và tài lộc trong năm mới cho gia chủ là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

1. Ý nghĩa về 5 đức tính tốt của gà trống trong phong tục Việt Nam

Theo phong tục Việt Nam thì gà trống có đủ 5 đức tính mẫu mực mà người đàn ông đặc biệt cần phát huy. Cúng gà trống là cầu mong con cháu sau này được hưởng những cái đức tính đó.

5 đức tính tốt của gà trống.
Gà trống tơ.

1. Văn: Mào con gà trống và hai cái mào ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ biểu tượng cho Văn.

2. Võ: Cựa gà là vũ khí biểu tượng cho Võ.


3. Dũng: Con gà trống trong đàn luôn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình và sẵn sàng chí tử đến chết biểu tượng cho Dũng khí.


4. Nhân: Con gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi bầy của mình đến rồi mới thủng thẳng ăn cùng mà không bao giờ ăn một mình biểu tượng cho Nhân.


5. Tín: Con gà trống luôn gáy đúng giờ bất kể bốn mùa biểu tượng cho chữ Tín. Đó là ý nghĩa của việc tại sao ngày xưa các cụ chọn gà trống để cúng chứ không bao giờ chọn gà mái.

2. Cách chọn gà cúng

Gà được chọn để cúng lễ nhất thiết phải là gà trống tơ khỏe mạnh, mào lớn màu cờ, mình gà vàng đầy đặn, chân vàng, chưa đạp mái.

Gà trống hoa mơ (chân cao, màu vàng hoặc trắng), rồi tới gà trống tía, trống đen, trống lông tạp, gà ri (màu mận, vàng sẫm, mào cờ 5 khía, chân nhỏ, chưa nhú cựa, da và chân màu vàng) cũng rất được chuộng để cúng tế.

3. Cách làm gà cúng đẹp

Để có con gà cúng đẹp, người ta cần mổ moi, làm sạch sẽ bổ miệng, cứa khớp để hai chân quặp vào bụng phía sau (khéo cứa chân để gà không bị co về phía trước - là tư thế gà bực tức, co chân chuẩn bị đá song phi). Đặt con gà nằm nghiêng trong nồi nước lạnh, đầu ngửa ra phía lưng, chân quặp phía sau bụng, hai cánh co tự nhiên (tốt nhất là buộc dáng trước khi bỏ vào nồi). Khi luộc cần lật đều hai bên để gà không bị vẹo.

Gà cúng Giao thừa phải là gà trống non, dâng cúng là chính.
Gà cúng Giao thừa phải là gà trống non, dâng cúng là chính.

Muốn gà cúng ngon, đẹp làm gà xong cần rửa sạch tiết để nước không bị đục. Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà (không cho gà vào nước nóng vì da gà bị nóng đột ngột sẽ co lại, dễ bị rách), đun lửa tới sôi lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt bỏ bọt và cứ để thế khoảng 7- 8 phút. 

Nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập giập bỏ vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp (5 phút nếu là gà non để cúng Giao thừa, 10 phút với gà luộc để ăn). Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút. Muốn da gà giòn khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh. Sau đó tháo dây buộc gà, bày ra đĩa, mỏ gà cài bông hoa hồng đỏ rực (hoặc hoa tỉa từ củ hành lá xanh cũng đẹp mắt), tiết, lòng gà nhét lại vào bụng gà.

4. Đặt gà lên bàn thờ thế nào là đúng?

Cách đặt gà cúng.
Cách đặt gà cúng.

Truyền thuyết cho rằng, mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom việc hạ giới. Cúng Giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và đón quan quân cai quản năm mới.

Riêng gà đặt cúng trên ban thờ, quan niệm chung thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà “không chịu chầu”. Bày gà cúng nếu đặt đầu quay ra phía ngoài sẽ đẹp mắt hơn. Còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Nhưng đó chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì.

Kim Ngọc

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới