Cách giảm thiểu tai nạn cháy nổ khi trẻ học online

Học online kéo dài nhiều giờ trên điện thoại, máy tính khi thiết bị không đảm bảo an toàn hoặc vừa dùng vừa cắm sạc dễ dẫn đến tai nạn do cháy, nổ, điện giật.

Theo Thạc sĩ Lê Thành Thới (phụ trách Khoa Công nghệ Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM) nguyên nhân các tai nạn gồm: Nguồn pin của thiết bị nóng lên bất thường, bộ sạc và dây sạc không đảm bảo an toàn về cách ly với nguồn điện, pin không rõ xuất xứ, nguồn gốc hoặc linh kiện trong thiết bị hỏng, làm thiết bị nóng lên.

Tai nạn cũng có thể xảy ra nếu đồ ăn, nước uống đổ vào thiết bị làm chạm mạch, học sinh dùng các các vật dụng bằng kim loại chọc, chích vào thiết bị, nguồn điện gây ngắn mạch. Khi thời gian học trực tuyến kéo dài, dung lượng pin của thiết bị không đủ, học sinh thường có thói quen vừa học vừa sạc. Việc này khiến nguồn pin nóng lên, có thể dẫn tới cháy, nổ thiết bị.

Hiện nhiều người có thói quen dùng bộ sạc đa năng. Sự không tương thích giữa bộ sạc và thiết bị hoặc dây sạc bị gập gãy, vỏ bị bong tróc cũng có thể dẫn đến các vụ tai nạn về điện.

Theo ông Thới, để an toàn khi sử dụng các thiết bị, nhất là điện thoại thông minh và máy tính bảng, phụ huynh cần nhắc con sạc đầy pin trước giờ vào học, tránh vừa học vừa sạc.

Các chuyên gia khuyến cáo không nên vừa dùng điện thoại, vừa sạc pin. Ảnh: Mạnh Tùng
Các chuyên gia khuyến cáo không nên vừa dùng điện thoại, vừa sạc pin. Ảnh: Mạnh Tùng

Nếu pin hết, học sinh có thể tranh thủ sạc trong giờ giải lao khi đã dừng sử dụng máy. Học sinh không nên dùng ốp lưng cho các thiết bị, không dùng chế độ sạc nhanh. Khi đang học trực tuyến, các em không nên chơi game hoặc xem phim. Với laptop, nhờ có tính năng bảo vệ nguồn pin, học sinh có thể vừa cắm sạc vừa sử dụng nhưng cần hạn chế tối đa.

Theo thạc sĩ Thới, mỗi ngày, phụ huynh cần rà soát thường xuyên thiết bị học tập của con, nắm những dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn, thiết bị khi đang dùng có nhiệt độ tăng bất thường, cần tắt các ứng dụng đang chạy, chờ một lúc dùng lại. Tất cả thiết bị được sạc ở nơi khô ráo, thoáng, tránh môi trường nóng. Nếu thiết bị nóng trong lúc sạc, phải lập tức ngắt nguồn.

Trong quá trình sử dụng, các phụ kiện như pin, bộ sạc có thể hỏng, dây nguồn, dây sạc khi bị bong tróc, rạn nứt cần được thay thế. Khi mua phụ kiện, phụ huynh cần chọn hàng chính hãng, có kiểm định chất lượng và tương thích với thiết bị.

Phụ huynh cũng có thể lắp CB chống giật cho hệ thống điện gia đình để đảm bảo an toàn cho mọi người khi xảy ra sự cố ngắn mạch. Khi con học xong, cha mẹ cần nhắc con tắt hết thiết bị hoặc có thể thu hồi máy lại.

Phía nhà trường cũng có thể hạn chế nguy cơ tai nạn bằng cách sắp xếp các buổi học không quá dài.

Theo đó, mỗi buổi học không quá 3 tiết, có giờ giải lao để thiết bị của học sinh có thời gian "nghỉ ngơi". Trong giờ học, thầy cô nên nhắc nhở các em không được vừa học, vừa dùng các ứng dụng khác. Điều này rất quan trọng, nhất là với học sinh tiểu học vốn kém tập trung, nhiều em ham chơi.

Tin mới