Cách làm để đồng bào Mông ở Kỳ Sơn thôi di cư tự do

(Baonghean) - Nhiều năm qua, một số đồng bào Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn đã bán nhà cửa, trâu, bò, của cải để di cư trái phép sang Lào làm ảnh hưởng đến công tác ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi đã được chính quyền và các cấp, ngành thực hiện nhằm hạn chế di dịch cư của đồng bào, từng bước ổn định cuộc sống.

Đi tìm nguyên nhân 
Vượt chặng đường 30 km từ Thị trấn Mường Xén về trung tâm xã Huồi Tụ, một xã được xem là điểm “nóng” về tình trạng di cư trái phép sang Lào, chúng tôi gặp anh Dềnh Bá Lồng, Phó Chủ tịch UBND xã, anh cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào ở Huồi Tụ đã được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là các chính sách về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhưng xã vẫn thuộc diện nghèo. Dân số 857 hộ, 4.262 khẩu, đời sống của đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng điều kiện khí hậu, địa hình khắc nghiệt; đất đai sản xuất hạn chế, sản lượng thu hoạch kém, khiến cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người dưới 400 nghìn đồng/tháng; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,19%. Bắt đầu từ năm nay, ở Huồi Tụ mới chỉ có 2/13 bản được lắp điện sáng; khoảng 70% người dân còn thiếu nước sạch sinh hoạt…
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và sự yếu kém về phát triển đời sống, một số phần tử xấu đã kích động, xúi giục, lôi kéo đồng bào trong xã bán toàn bộ nhà cửa, trâu bò để di cư trái phép sang Lào. Bằng con đường tiểu ngạch, hoặc lợi dụng vào những dịp có phiên chợ biên được tổ chức vào ngày 15 và 30 hàng tháng ở nước bạn, sát cửa khẩu biên giới Việt - Lào, đồng bào ở hai nước có thể tự do qua lại để giao thương, đồng bào đã luồn lách qua Lào dễ dàng. Theo thống kê của Công an xã Huồi Tụ, từ  năm 2010 đến nay, toàn xã đã có 42 hộ, 245 khẩu đã di cư sang Lào, tập trung ở 3 bản Na Ni, Huồi Ức và Huồi Mú. 
Lực lượng chức năng tuyên truyền về tình trạng di cư bất hợp pháp  của đồng bào Mông sang Lào.
Lực lượng chức năng tuyên truyền về tình trạng di cư bất hợp pháp của đồng bào Mông sang Lào.
Tuy nhiên, cuộc sống ở bên Lào thực tế không phải như những gì mà đồng bào “mơ tưởng”. Theo anh Dềnh Dua Chò, ở bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ, một người từng di cư sang Lào, trở về cho biết: Trước năm 2000, nghe theo lời xúi giục, lôi kéo của một số người là sang bên Lào dễ làm ăn hơn, đất đai rộng, sản xuất được nhiều hơn, tôi bàn với vợ bán hết tài sản đưa con cái vượt biên sang Lào.
Nhưng sang đến nơi, gia đình tôi không nhà cửa, không nghề nghiệp, không đất sản xuất; bệnh tật liên tục hoành hành khiến sức khỏe mọi người trong gia đình ốm yếu. Tha phương sau nhiều năm, đến năm 2003, gia đình tôi quyết định quay trở về quê hương. Thật may mắn và xúc động, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương; sự bao bọc, che chở của bà con bản làng, đến nay gia đình tôi đã có một cuộc sống yên ấm. 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến đồng bào Mông di cư là công tác quản lý hộ khẩu của các địa phương của nước bạn Lào chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho người dân ở các vùng khác tự do qua lại, làm ăn sinh sống. Ngoài ra còn có nguyên nhân một số đối tượng vi phạm pháp luật hoặc sử dụng vốn vay ngân hàng sai mục đích, dẫn tới khả năng không thể trả nợ nên đưa cả gia đình bỏ trốn sang Lào. Qua công tác điều tra, khảo sát thực tế, số đồng bào di cư trái phép sang Lào phần lớn là làm ăn, sinh sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không được hỗ trợ mọi mặt của Chính phủ Lào. Trong khi đó, cộng đồng các bộ tộc Lào cũng không muốn cho người Mông ở Việt Nam di cư trái phép sang Lào. 
Những giải pháp đồng bộ
Kỳ Sơn là trong những huyện đặc biệt khó khăn nhất của cả nước, với 20/21 xã được hưởng Chương trình 135 giai đoạn 3 và Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,79%. Địa bàn huyện có gần 97% là đồng bào các dân tộc Mông, Thái và Khơ mú. Trong những năm qua, tình trạng đồng bào Mông ở Kỳ Sơn di cư trái phép sang địa bàn các huyện thuộc tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay, nước CHDCND Lào diễn ra phức tạp. Cụ thể, theo thống kê của UBND huyện, từ năm 2007 đến hết quý II/2015, toàn huyện đã có 513 hộ, 2.406 khẩu là người Mông di cư tự do. 
Để hạn chế tình trạng đồng bào Mông di cư trái phép sang Lào, huyện Kỳ Sơn nỗ lực huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc; đồng thời phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân không di cư trái phép. 6 tháng một lần, huyện Kỳ Sơn phối hợp với các huyện Noọng Hét, Mường Khăm, Mường Quắn và Mường Mọc của nước bạn Lào tổ chức giao ban, báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của địa phương; trong đó có việc thông báo tình hình di cư trái phép của đồng bào Mông, huyện Kỳ Sơn sang nước bạn Lào; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của nước bạn tổ chức kiểm tra chặt chẽ, trao trả công dân là người Mông đang sinh sống trái phép ở Lào về Việt Nam.
Đặc biệt, các chính sách dân tộc và chương trình ưu đãi của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Hàng nghìn ngôi nhà theo Quyết định 167 được xây dựng, dần xóa bỏ tình trạng nhà tranh tre dột nát cho đồng bào. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã hỗ trợ mua gần 4.000 con bò giống và giao tận tay các hộ gia đình. Toàn huyện cũng có 282 mô hình phát triển kinh tế. Chính sách hỗ trợ thông qua giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng để trồng rừng sản xuất được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, từ đó, độ che phủ rừng đã tăng từ 45% lên 50%. Chính sách xuất khẩu lao động thực hiện theo Quyết định 71 được thực hiện với 114 lao động đi làm việc tại Malaysia…
Tại xã Huồi Tụ, chính quyền và các đoàn thể phối hợp với già làng, trưởng bản tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng đến từng bản, từng hộ để đồng bào nhận thức rõ việc di cư trái phép là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Đồng thời, cán bộ xã thường xuyên tham gia vào các buổi sinh hoạt ở bản; trực tiếp trao đổi, nói chuyện, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc mà đồng bào đang gặp phải. Cùng đó, thông qua việc thị sát và tin báo từ nhân dân, nếu phát hiện được gia đình nào có ý định bán trâu, bò, nhà cửa để di cư sang Lào, chính quyền xã sẽ tiếp cận ngay, thông báo cho nhân dân toàn xã không được thu mua nhà cửa, trâu, bò của gia đình đó; đồng thời, liên tục tổ chức nhiều cuộc họp tuyên truyền, thuyết phục đồng bào từ bỏ ý định dẫn thân vào cuộc sống di cư khó khăn, đói khổ
Từng bước xóa bỏ tư tưởng di cư
Một lợi thế của xã Huồi Tụ là đất đai và thời tiết phù hợp, có thể phát triển được cây chè Tuyết Shan. Do vậy, tổng đội TNXP 8 đã chọn nơi đây làm vị trí trồng và chế biến chè tại chỗ. Ngoài ra, tổng đội còn tạo điều kiện giúp dân phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua chè về chế biến. Hiện nay, toàn xã đã có khoảng 200 hộ trồng hơn 370 ha, mỗi năm thu về khoảng 30 triệu đồng/ hộ.
Cùng đó, các nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng CSXH đối với người nghèo đã giúp đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Từ nguồn tín dụng ưu đãi đã giúp 3.813 hộ nghèo được vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất. Các hộ đã đầu tư mua hơn 40.000 con trâu, bò, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động địa phương; 900 học sinh, sinh viên yên tâm học tập; hộ nghèo có điều kiện xây dựng 2.423 ngôi nhà; hỗ trợ nông dân tu sửa hơn 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường…
Đơn cử như hộ anh Dềnh Dua Chò, ở bản Huồi Khả (Huồi Tụ) sau thời gian tha phương bên nước bạn Lào, năm 2003, gia đình anh quay trở về bản cũ. Được sự hỗ trợ của chính quyền, anh Chò vay thêm 2,5 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện mua 1 con bò giống. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, mỗi năm đàn bò của anh đã được nhân lên, nâng tổng số đàn bò lên 10 con. Ngoài ra, gia đình anh còn nhận trồng và chăm sóc hơn 2 ha chè để nhập cho tổng đội TNXP 8. Mỗi năm, thu về 70 - 80 triệu đồng.
Từ việc nâng cao ý thức tích cực lao động, vươn lên trong cuộc sống, gia đình anh Dềnh Dua Chò và nhiều hộ khác đã từng bước thoát nghèo bền vững. Từ thực tế đó, các cấp, ngành luôn mong muốn đồng bào tự vươn lên, chăm chỉ lao động, ổn định cuộc sống, tận dụng những lợi thế của địa phương; những chính sách ưu đãi của Nhà nước và những hỗ trợ của các đơn vị để áp dụng hiệu quả trong lao động và trong cuộc sống. Đến khi nào, đồng bào xóa bỏ hẳn tư tưởng di cư sang một vùng đất khác thì mới gây dựng được cuộc sống ổn định, ấm no, phát triển cho bản thân và con em mình./.
Vân Anh

Tin mới