Cách làm hay ở Yên Thành để tránh bảo kê máy gặt

(Baonghean.vn) - Nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân và tránh tình trạng mất an ninh, trật tự trong quá trình thu hoạch lúa, các địa phương trên địa bàn huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) đã có giải pháp quản lý dịch vụ máy gặt một cách chặt chẽ với các chủ máy.
Giá dịch vụ máy gặt dựa vào chân ruộng
Trước đây, cứ đến vụ thu hoạch lúa, thường xảy ra tình trạng các chủ máy tranh giành nhau địa bàn hoạt động; nạn bảo kê máy gặt, gây mất an ninh, trật tự; cùng đó, bà con nông dân bức xúc bởi giá cả không đồng nhất và không thu hoạch hết diện tích lúa cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Vượng - Trưởng ban Văn hóa xã Trung Thành hàng ngày đọc thông báo kế hoạch thu hoạch lúa xuân trên hệ thống loa truyền thanh. Ảnh: Quang An
Ông Nguyễn Văn Vượng - Trưởng ban Văn hóa xã Trung Thành hàng ngày đọc thông báo kế hoạch thu hoạch lúa xuân trên hệ thống loa truyền thanh. Ảnh: Quang An

Trước thực trạng đó, trước khi bước vào thu hoạch lúa vụ xuân này, UBND huyện Yên Thành đã chỉ đạo các địa phương có phương án quản lý máy gặt chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên là nông dân và chủ máy.

Xã Trung Thành là địa phương có hơn 400 ha lúa vụ xuân, những ngày trung tuần tháng 5 này, bà con nông dân bắt đầu ra đồng thu hoạch, với niềm vui được mùa.
Một bản cam kết của chủ máy gặt về đảm bảo dịch vụ máy gặt thu hoạch lúa với chính quyền xã Trung Thành. Ảnh: Quang An
Một bản cam kết của chủ máy gặt về đảm bảo dịch vụ máy gặt thu hoạch lúa với chính quyền xã Trung Thành. Ảnh: Quang An

Ông Trần Thường Hoàn - Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân và chủ máy gặt, trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa, xã chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp thông báo đến toàn thể người dân về việc đăng ký làm dịch vụ máy gặt lúa. Căn cứ vào diện tích lúa hiện có, HTX xã thống nhất đưa 12 máy gặt vào phục vụ bà con nông dân suốt cả vụ. Theo đó, các chủ máy ký cam kết với chính quyền xã phục vụ bà con nông dân đến nơi, đến chốn, khi nào thu hoạch hết lúa mới được rút máy. Đặc biệt, giá dịch vụ máy gặt cũng được các bên bàn bạc thống nhất với 3 mức giá khác nhau.

Theo đó, đối với vùng đồng sâu sục bùn, thu với giá 220.000 - 240.000 đồng/sào; vùng ruộng mưng thu với giá 180.000 - 220.000 đồng/sào; vùng ruộng nông, thu với giá 160.000 - 180.000 đồng/sào. Với giá dịch vụ này là cao hơn các năm trước từ 10 - 15%, bởi giá dầu năm nay tăng cao, bà con nông dân cũng đã chấp nhận. Trong quá trình thu hoạch, nếu chủ máy nào không thực hiện đúng như cam kết thì công an xã sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.
Vụ xuân này các địa phương trên địa bàn huyện Yên Thành đều thực hiện tốt khâu quản lý dịch vụ máy gặt ngay từ đầu vụ. Ảnh: Xuân Hoàng
Vụ xuân này các địa phương trên địa bàn huyện Yên Thành đều thực hiện tốt khâu quản lý dịch vụ máy gặt ngay từ đầu vụ. Ảnh: Xuân Hoàng

Tương tự như vậy, xã Bắc Thành đã hợp đồng 13 máy gặt về phục vụ bà con thu hoạch lúa trong vụ xuân này. Ông Trần Kim Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Thành cho hay, xã giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp xây dựng kế hoạch. Theo đó, mức giá đã được thống nhất: Đồng sâu 190.000 đồng/sào; đồng cao 180.000 đồng/sào.

Để có sự ràng buộc của chủ máy gặt, trước khi hoạt động dịch vụ thu hoạch lúa trên địa bàn xã, mỗi máy nộp tiền cọc cho HTX 2 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong, nếu chủ máy thực hiện đúng như cam kết thì xã trả lại toàn bộ số tiền cho chủ máy.
Xã Lăng Thành là địa phương có nhiều chân ruộng sản xuất lúa, sâu sục có, bậc thang có... vì vậy, vụ xuân này chính quyền địa phương cũng giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với các chủ máy để phục vụ bà con một cách công bằng.
Ông Trần Văn Hiền - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lăng Thành cho biết: Do đặc thù ruộng đồng của địa phương nên HTX đã hợp đồng 15 máy gặt về phục vụ bà con trong vụ xuân này. Khác với các năm trước, vụ xuân này bà con nông dân yên tâm hơn, bởi HTX thành lập ban chỉ đạo thu hoạch lúa, giao cho các thành viên phụ trách từng xứ đồng để trực tiếp chỉ đạo máy gặt, đảm bảo 100% diện tích được thu hoạch bằng máy và giá dịch vụ được thu theo quy định. Tuy nhiên, có một số diện tích bất khả kháng, máy không thể vào được thì HTX lập biên bản thống nhất để gia đình tự thu hoạch.
Theo quy định, trước khi vào hoạt động, do hầu hết chủ máy là người ngoài địa phương, nên đều phải thực hiện việc tạm trú, tạm vắng với công an xã. Cùng đó, mỗi chủ máy trước khi vào hoạt động dịch vụ máy gặt còn phải nộp tiền cọc cho HTX 5 triệu đồng, sau khi thu hoạch xong, HTX sẽ nghiệm thu hợp đồng, nếu đảm bảo toàn bộ quy trình thu hoạch như đã cam kết thì trả lại toàn bộ tiền cọc cho chủ máy. 
Theo cam kết giữa chủ máy với chính quyền xã, thì toàn bộ diện tích lúa của bà con đều được thu hoạch hết bằng máy. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo cam kết giữa chủ máy với chính quyền xã, thì toàn bộ diện tích lúa của bà con đều được thu hoạch hết bằng máy. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ý kiến của đại diện người dân với các chủ máy và HTX đã thống nhất các mức giá: Vùng sâu sục ở khu vực Vếch Bắc trở xuống, thu với mức giá từ 200.000 - 220.000 đồng/sào; vùng đồng cao như ở xóm Đồng Bàn thu với giá 150.000 đồng/sào; vùng ruộng bậc thang ở xóm Phú Sơn là 160.000 đồng/sào. Trong quá trình thu hoạch, HTX giao nhiệm vụ cho các thành viên trực tiếp chỉ đạo khâu thu hoạch, nhằm phục vụ bà con một cách tốt nhất. 

"Các năm trước mặc dù HTX đưa máy về phục vụ bà con nhưng không có kế hoạch cụ thể, năm nay HTX bắt buộc các chủ máy ký cam kết một cách cụ thể về giá cả, cách thực hiện. Với hình thức quản lý như thế này là đảm bảo quyền lợi và công bằng cho cả đôi bên là nông dân và chủ máy".

Ông Trần Văn Hiền - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lăng Thành

Đảm bảo quyền lợi cho các bên
Ông Trần Văn Uyên - chủ máy gặt lúa ở xóm Trại Bùi, xã Trung Thành cho rằng, năm nay xã quản lý máy một cách cụ thể, chặt chẽ như thế này là chủ máy như chúng tôi hài lòng, bởi đảm bảo quyền lợi cho chủ máy và chủ ruộng. Bởi trước đây cứ vào vụ thu hoạch lúa là xảy ra tình trạng cạnh tranh nhau địa bàn hoạt động, những diện tích lúa sâu sục chủ máy nào cũng không muốn gặt; tình trạng dân khai không đúng diện tích... nạn cò bảo kê máy gặt, dẫn đến chủ máy thua thiệt. Do vậy, trước khi bước vào vụ thu hoạch bản thân tôi đã được xã mời lên quán triệt và ký cam kết đảm bảo hoạt động thu hoạch máy gặt lúa trên địa bàn xã.
Đa phần người dân đồng tình với các mức giá dịch vụ máy gặt mà xã đã thông báo và các chủ máy thực hiện như cam kết. Ảnh: Quang An
Đa phần người dân đồng tình với các mức giá dịch vụ máy gặt mà xã đã thông báo và các chủ máy thực hiện như cam kết. Ảnh: Quang An

Bà Nguyễn Thị Hải - nông dân ở xóm 3, xã Bắc Thành chia sẻ, năm nay các chủ máy và xã thống nhất các mức giá đối với dịch vụ máy gặt là hợp lý, mặc dù có cao hơn các năm trước, nhưng bà con vẫn chấp nhận, vì giá dầu tăng cao. Mong rằng, với sự vào cuộc chặt chẽ của xã, bà con nông dân không còn lo chủ máy gây khó dễ đối với bà con, dẫn đến tình trạng ép thu hoạch lúa xanh và bỏ ruộng.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Ngay trước khi bước vào thu hoạch lúa vụ xuân này, UBND huyện chỉ đạo các xã, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổ chức kêu gọi máy gặt về địa phương với số lượng phù hợp, nhằm tránh hiện tượng tranh giành trong quá trình thu hoạch cũng như ép giá.
Theo đó, các xã phải phân vùng theo khu vực đồng ruộng nhằm thuận lợi cho máy hoạt động và thu hoạch không bỏ diện tích. Bên cạnh đó, giao cho công an xã nắm bắt tình hình thu hoạch trên địa phương cho máy vào hoạt động thuận lợi nhất và không để hiện tượng bảo kê máy gặt trong quá trình thu hoạch lúa, dẫn đến chậm thời vụ của nông dân. Trong quá trình thu hoạch, HTX và công an xã cũng phải giám sát giá cả, tránh tình trạng đẩy giá lên quá cao và ép giá người dân. Tuy nhiên, mức giá dịch vụ thu hoạch lúa phụ thuộc vào cụ thể của từng địa phương, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân và chủ máy, trong điều kiện giá dầu tăng cao.
Vụ xuân này huyện Yên Thành gieo cấy gần 13.000 ha lúa. Từ trung tuần tháng 5, bà con nông dân ra đồng thu hoạch lúa, mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi trong quá trình chăm sóc, nhưng lúa vẫn đạt năng suất cao, nhiều nơi đạt trên 75 tạ/ha./.

Tin mới