Cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động tín dụng chính sách ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tăng trưởng dư nợ, nâng cao chất lượng tín dụng, hoàn thành mục tiêu kép.
Huy động tăng trưởng mạnh
Những năm qua, Ngân hàng CSXH Nam Đàn là một trong những điểm tựa vững chắc cho nhiều gia đình nghèo, cận nghèo và nhiều đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Để có nguồn vốn cho đối tượng chính sách, công tác huy động nguồn được đơn vị đặc biệt chú trọng. Riêng năm 2020, tổng huy động gần 100 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm có số dư 109 tỷ đồng, hoàn thành 114,3% kế hoạch cả năm. Nếu tính 6 tháng thì hoàn thành 228,6% kế hoạch. 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trên tất cả các kênh và thông qua ủy thác các tổ chức chính trị xã hội, mọi người dân biết đến Ngân hàng CSXH Nam Đàn và đặc biệt từ tháng 3 năm 2021, đơn vị đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động phong trào huy động tiền gửi tiết kiệm với tiêu đề “Tiết kiệm vì người nghèo”, trong 3 tháng huy động hơn 3 tỷ đồng... 6 tháng đầu năm 2021, tổng dư nợ là 407 tỷ đồng, hoàn thành 100% dư nợ cả năm, đạt tốc độ tăng trưởng 10,37%, cao hơn Nghị quyết Ban đại diện và Chi bộ đề ra. Chất lượng tín dụng luôn được đơn vị quan tâm, tỷ lệ nợ quá hạn hiện chỉ ở mức 0,039%.
Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, năm 2020 huyện Nam Đàn đã trích ngân sách hoàn thành 600/kế hoạch 500 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2021, UBND huyện đã trích 500 triệu đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao cả năm.
Cơ sở may của anh Nguyễn Văn Thế xóm 1, xã Nam Nghĩa (Nam Đàn). Ảnh: Thu Huyền
Cơ sở may của anh Nguyễn Văn Thế xóm 1, xã Nam Nghĩa (Nam Đàn). Ảnh: Thu Huyền

Ngoài việc huy động vốn, Ngân hàng CSXH Nam Đàn còn trăn trở với tăng trưởng dư nợ và đảm bảo chất lượng tín dụng. Ngay từ đầu năm, bám vào văn bản chỉ đạo của huyện, đơn vị đã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn điều tra khảo sát, bổ sung hộ nghèo, cận nghèo đa chiều theo Thông tư 17/TT-BLĐTBXH để cung cấp danh sách hộ nghèo, cận nghèo đa chiều cho Ngân hàng CSXH kịp thời để xét duyệt vay vốn. Với sự phối hợp trách nhiệm đó, 6 tháng đầu năm đơn vị đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ của cả năm, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%, đồng thời bảo đảm an toàn sử dụng vốn và chất lượng tín dụng.

Nguồn vốn huy động được tiếp tục đầu tư cho vay phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo, trọng tâm là các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội chiếm 95% tổng doanh số cho vay, với gần 10.000 khách hàng được vay vốn. 

Ông Vương Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Nam Đàn

Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng. Hoạt động tín dụng chính sách đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, xã hội của huyện, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và ổn định, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương (tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 giảm xuống còn 1,01%; đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và một số xã nông thôn mới kiểu mẫu) - Ông Vương Hồng Thái cho biết thêm.

Chú thích
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, các hộ dân trên địa bàn huyện Nam Đàn đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhiều mô hình sản xuất tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Huyền

Những cách làm hay

Để đạt kết quả nói trên, ông Nguyễn Sỹ Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH Nam Đàn cho biết: Đặc thù hoạt động của chúng tôi là ngoài hệ thống còn có các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong hoạt động tín dụng chính sách. Từ thuận lợi đó, chúng tôi kịp thời tham mưu cho UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, lãnh đạo từ huyện, tới Chủ tịch UBND xã, thị trấn là những thành viên Ban đại diện HĐQT, lại là chủ chốt của các đơn vị các cấp cần phải phát huy, nên thông qua các kỳ họp, đơn vị đã phân tích cụ thể từng địa bàn về hoạt động tín dụng chính sách để trưởng ban nắm và chỉ đạo đối với những xã còn tồn tại để khắc phục, những xã tốt để biểu dương khen thưởng.
Đối với huy động vốn tiết kiệm thị trường và tiết kiệm thông qua tổ TK&VV, xác định không thể theo lãi suất thị trường, không thể cạnh tranh với các Ngân hàng thương mại khác trên địa bàn; nhưng với lợi thế của Ngân hàng CSXH là thông qua ủy thác vay vốn của các tổ chức chính trị xã hội, có mạng lưới và đội ngũ cán bộ nhận ủy thác sâu rộng tới các địa bàn khối, xóm nên thông qua đó để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng CSXH ngoài được hưởng lãi suất theo Chính phủ quy định còn chung tay giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để phát triển kinh tế thoát nghèo một cách bền vững. Và ngay tại buổi giao ban các tổ chức hội cấp huyện theo định kỳ, đầu tháng 3/2021 đơn vị đã phối hợp với 4 tổ chức chính trị xã hội huyện đưa ra các giải pháp huy động tiền gửi tiết kiệm thị trường. 
Cán bộ làm việc có tấm kính trong ngăn cách với khách hàng, khẩu trang và kính chắn giọt bắn, khách hàng được đo thân nhiệt. Ảnh: Thu Huyền
Cán bộ NHCS thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình thực hiện giao dịch. Ảnh: Thu Huyền

Để triển khai huy động vốn hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng đề án “Tiết kiệm vì người nghèo” thông qua các chi hội phụ nữ các khối, xóm tuyên truyền đến mọi người dân chung tay gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng CSXH bằng hình thức tiết kiệm gửi góp tại điểm giao dịch xã, người có nhiều gửi nhiều, người có ít gửi ít nhằm để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, lấy mốc ngày 19/5 sơ kết để báo công với Bác. 

Với sự linh hoạt đó, kết thúc 3 tháng triển khai, kết quả đạt được ngoài sự mong đợi. Đã có hàng ngàn khách hàng tham gia gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng CSXH Nam Đàn tại các điểm giao dịch xã. Người thấp nhất 200 ngàn đồng, người cao nhất hàng trăm triệu đồng với tổng số tiền huy động được gần 4 tỷ đồng, bổ sung nguồn vốn giúp cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ vay vốn phát triển sản xuất chăn nuôi thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Việc làm đó đã có sức lan tỏa tới mọi người dân, được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, hiện mô hình này đã được nhân rộng trong toàn tỉnh, một số huyện khác cũng đã áp dụng và phát huy hiệu quả. Đây là một giải pháp hay và sáng tạo linh hoạt trong khâu điều hành của lãnh đạo ngân hàng.
Với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Ngân hàng CSXH. Đặc thù mở điểm giao dịch tại UBND các xã, thị trấn hàng tháng giao dịch tiếp xúc rất nhiều người, nhưng dưới sự năng động, linh hoạt của lãnh đạo đơn vị nên năm 2020, Ngân hàng CSXH Nam Đàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Hội đồng thi đua xét trình Chủ tịch HĐQT - Ngân hàng CSXH Trung ương tặng Bằng khen; 6 tháng đầu năm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đạt giải Nhất thi đua toàn tỉnh.

Tin mới