Cách làm ‘ngon, bổ, rẻ’ của nông dân Đô Lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn)-  Nhiều năm qua, ông Nguyễn Trọng Quang ở xóm 1, xã Tân Sơn (Đô Lương) đảm nhận cả 2 vai trò bí thư kiêm xóm trưởng. Không chỉ uy tín với bà con, ông còn tự tay xây dựng hệ thống gia trại chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập cao theo hướng hữu cơ sạch từ nhà ra đồng, đáp ứng cả 3 tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”.

Cán bộ UBND xã Tân Sơn và lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Đô Lương cho biết, hiện nay mô hình gia trại của ông Nguyễn Trọng Quang - Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm 1, xã Tân Sơn đang được nhiều hộ dân nơi đây học tập. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, lại cho năng suất cao và thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ con người.

Ông Nguyễn Trọng Quang thu hoạch dưa chuột vụ đông. Ảnh: Hoài Thu
Ông Nguyễn Trọng Quang thu hoạch dưa chuột vụ đông. Ảnh: Hoài Thu

Quả thực, khi được tham quan gia trại của người cán bộ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, được nghe ông tâm sự “tôi mong muốn bà con ngày càng có nhiều người làm nông nghiệp hữu cơ, chỉ có làm cách này thì mới phát triển bền vững”, chúng tôi thực sự khâm phục sự kiên trì và đam mê lối sống xanh của gia đình ông.

Nhà ở xóm 1, nhưng để tiện cho chăm sóc cây trồng, vật nuôi, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Quang thuê một căn nhà nhỏ ở ngay cạnh đồng ruộng của mình. Căn nhà nhỏ trở thành nơi để vật tư, công cụ lao động và là nơi tập kết nông sản trước lúc xuất bán ra thị trường.

Những ngày đầu tháng 11/2022, người dân đang bước vào cao điểm thu hoạch dưa chuột vụ đông. Trồng dưa chuột vụ đông trên đất lúa đã đem lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa cho người dân nơi đây. Đối với gia đình ông Quang cũng vậy. Vợ chồng ông trồng gần 1 ha dưa chuột vụ đông, mỗi ngày cho thu nhập bình quân khoảng 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều đặc biệt đối với ruộng dưa chuột của gia đình ông là được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ do tự tay vợ chồng ông ủ từ nguồn phân trâu, bò. “Từ lúc trồng cho đến thu hoạch, tôi không sử dụng bất kỳ một sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón vô cơ nào cả, nhưng cây vẫn cho năng suất cao và không bị sâu bệnh. Tôi đã áp dụng cách làm này nhiều năm nay, và không chỉ với cây dưa chuột mà cả với lúa, ngô, khoai, cây ăn quả và cả chăn nuôi bò, nuôi cá” – ông Quang cho biết.

Mô hình nuôi giun quế của ông Quang cho thu nhập trung bình 1 triệu đồng mỗi tháng và cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ảnh: Hoài Thu
Mô hình nuôi giun quế của ông Quang cho thu nhập trung bình 1 triệu đồng mỗi tháng và cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ảnh: Hoài Thu

Nói rồi, ông Quang chỉ vào gốc 3 cây bưởi Diễn chi chít quả và nói “diện tích đất dưới gốc các loại cây ăn quả là những “ruộng” chăn nuôi giun quế cho thu nhập 700.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi lứa thu hoạch.

Bà Đào Thị Hạnh, vợ ông Quang cho biết thêm, nuôi giun quế bán với giá 70.000 đồng/kg; mỗi tháng xuất bán 1 lần được khoảng 10 kg; vừa bán giun vừa lấy đất để bón cho cây trồng. Nguồn thức ăn cho giun chính là phân bò, phân gà, vịt của gia đình tự chăn nuôi. Đôi lúc nguồn phân hữu cơ của vật nuôi thải ra chưa đủ cho giun thì vợ chồng ông tranh thủ góp nhặt thêm trong những lúc đi làm đồng.

Ngoài dùng phân trâu, bò nuôi giun quế, ông Quang còn dùng nguồn nguyên liệu này bón cho cây hoa lan để nhập cho các khách hàng chủ yếu ở huyện Anh Sơn. Phân bò được ủ cùng với rơm rạ, các loại rác thải từ thực vật đến hoai mục, vừa tạo được nguồn dinh dưỡng cho cây, vừa diệt được các mầm sâu bệnh. Sau khi thu hoạch giun quế, lớp đất mùn mà giun đã phân hủy lại là nguồn phân bón giá trị dinh dưỡng cao và an toàn cho cây trồng, từ lúa, ngô cho đến rau màu vụ đông và làm thức ăn cho cá.

Bên cạnh nuôi giun quế, sản xuất phân bón cho hoa, vợ chồng ông Quang còn trồng lúa, cây hoa màu, cây ăn quả, chăn nuôi bò, nuôi cá. Riêng ao cá khoảng 3.000 m2 mỗi năm cho thu hoạch 2 lứa, chủ yếu là nuôi cá trắm với sản lượng 1,5 tấn cá/lứa, cho thu về hơn 100 triệu đồng/năm.

Nông dân tự ủ phân bón hữu cơ vừa đảm bảo cung cấp giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Hoài Thu

Nông dân tự ủ phân bón hữu cơ vừa đảm bảo cung cấp giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Hoài Thu

Những phụ phẩm, rác thải hữu cơ sẽ được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Rồi chất thải của vật nuôi lại được dùng làm phân bón cho cây. Với cách làm này sẽ tạo được "vòng quay sạch" khép kín từ khâu nguyên liệu đến vật tư phân bón cho cây trồng, thức ăn cho vật nuôi, giảm được rất nhiều chi phí.

Ông Nguyễn Trọng Quang bày tỏ, cũng là nông dân, mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao ngày càng có nhiều bà con cùng thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Nhiều năm nay, người dân sử dụng phân vô cơ quá nhiều trong gieo trồng, sản xuất nông nghiệp khiến đất đai dần dần bị cằn cỗi, giảm sút độ tơi xốp. Kèm theo đó là sâu bệnh trên cây trồng ngày càng nhiều.

“Nếu bà con tăng cường sử dụng phân hữu cơ thì sẽ giảm thiểu được những hạn chế này, lại tiết kiệm được kinh phí và cho năng suất cao, đảm bảo được cả 3 lợi ích là "ngon, bổ, rẻ"; và cách làm cũng rất đơn giản. Nếu muốn nông nghiệp phát triển bền vững, tốt cho sức khỏe con người thì nhất định phải sản xuất theo hướng hữu cơ. Đối với gia đình tôi, ngay cả nguồn đạm bón cho cây trồng tôi cũng tận dụng nguồn đạm thực vật, động vật có trong vườn nhà, cho năng suất không hề kém so với đạm vô cơ, song lại có hiệu quả vượt trội về môi trường và an toàn cho sức khỏe” – ông Nguyễn Trọng Quang nói.

Cách làm nông của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Quang mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp phải bỏ ra lại rất thấp do “quay vòng” được nguồn nguyên liệu hữu cơ từ chính cây trồng, vật nuôi. Hơn thế nữa, cách làm này mang lại sự an toàn cho môi trường và sức khỏe con người, là hướng sản xuất nông nghiệp xanh mà hiện nay thế giới đang tích cực hướng đến.

Tin mới