Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Trang sử vàng chói lọi của lịch sử dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhận thức về ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đi vào đời sống, đi vào thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hồng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022).

P.V: Ông có thể cho biết rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với dân tộc Việt Nam?

Ông Nguyễn Quốc Hồng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang vàng chói lọi trong lịch sử; một dấu mốc lớn, bước nhảy vọt về chất trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa . Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa . Ảnh tư liệu

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại. Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám đã chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế ngót nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân, vì dân; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Thứ hai, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một mặt, đã góp phần đánh bại tàn dư của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít ở Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã chọc thủng một khâu quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở đầu thời kỳ suy sụp và tan rã không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cống hiến lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trên thế giới.

Thứ ba, Cách mạng Tháng Tám khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ điển hình do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lần đầu tiên giành thắng lợi ở một nước thuộc địa.

Thứ tư, Cách mạng Tháng Tám đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chất trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập tự do hướng tới chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo bước ngoặt cách mạng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ năm, Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác - Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á…

P.V: Giá trị nào từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được trao truyền, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau?

Ông Nguyễn Quốc Hồng: Nhận thức về ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với thế hệ trẻ sẽ góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đi vào đời sống, đi vào thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Khi giá trị truyền thống đã đi vào con tim, khối óc của thế hệ trẻ, tất yếu nó sẽ là sức mạnh tinh thần, là động lực nội sinh để họ tự tin tiến lên phía trước, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào thực hiện mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hồng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An chia sẻ về những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Thành Cường
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hồng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An chia sẻ về những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Thành Cường

Giáo dục giá trị để cho các thế hệ Việt Nam về Cách mạng Tháng Tám là một trọng trách to lớn đối với lịch sử. Những giá trị truyền thống, bất diệt của Cách mạng Tháng Tám mà các thế hệ trước có trách nhiệm trao truyền cho thế hệ trẻ - những người viết tiếp truyền thống “con Lạc, cháu Hồng”, đó là: Sự kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - Đây là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, trong đó Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được xem là điểm xuất phát của một thời kỳ cách mạng mới đấu tranh cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc. Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống đoàn kết dân tộc, lao động sáng tạo của con người Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã cho thấy những giá trị của tinh thần đoàn kết dân tộc, khắc phục khó khăn, cần cù sáng tạo, đồng tâm hiệp lực để đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Trong Cách mạng Tháng Tám, ở thời điểm khó khăn nhất, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong toàn quốc.

Giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần nhân văn, nhân đạo, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo về phương pháp cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phản ánh sâu sắc bản chất nhân văn của con người Việt Nam. Đây là bài học lớn cho thế hệ trẻ hôm nay, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế cần ứng xử, giải quyết hài hòa các mối quan hệ với các nước và cộng đồng quốc tế.

P.V: Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Tám có thể áp dụng trong công cuộc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công nghệ 4.0 hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hồng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, làm phong phú thêm hệ thống lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang ra sức thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghệ 4.0 một cách mạnh mẽ, thì những bài học từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị.

Phát lệnh Tổng khởi nghĩa năm 1945. Ảnh tư liệu
Phát lệnh Tổng khởi nghĩa năm 1945. Ảnh tư liệu

Trước hết, đó là bài học về sự đoàn kết. Như chúng ta đã biết, Đảng đã xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, động viên toàn dân tổng khởi nghĩa thắng lợi. Trong thời điểm hiện tại, tinh thần đại đoàn kết cần phải tiếp tục phát huy. Để đạt được điều đó, thì trên dưới phải cùng đồng lòng, thống nhất quan điểm để tạo thành một khối vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sức mạnh của đại đoàn kết đã là “bảo bối” giúp chúng ta đứng vững qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thì nay sẽ giúp dân tộc, đất nước có thêm sức mạnh để đối mặt với những thách thức về dịch bệnh, khó khăn về kinh tế… Sự gắn kết, tin tưởng, đồng lòng giữa Đảng và nhân dân là vô vùng quan trọng và cần thiết. Sự đoàn kết còn mở rộng ra trong mối quan hệ quốc tế. Đó chính là việc tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn, gắn với thực tiễn của Việt Nam.

Đó là bài học về việc chọn đúng thời cơ. Trong cuộc cách mạng 4.0 này, nếu chúng ta không muốn bị lỡ nhịp thì phải chọn thời điểm thích hợp để có hành động kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta không được nóng vội mà từ trước đó cần có sự tập hợp lực lượng để chuẩn bị, xác định được cơ sở để thực hiện. Đó là sự chuẩn bị các yếu tố con người, tiềm lực, cơ sở vật chất, đặc biệt là phát huy tiềm lực trí tuệ. Trong thời kỳ phát triển này, có nhiều cơ hội được mở ra, chúng ta không bỏ qua nhưng cũng không chờ đợi từ bất cứ ai, từ bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Để không bỏ lỡ thời cơ thì chúng ta cần tăng cường hội nhập, hợp tác, phát huy lợi thế cạnh tranh, nắm rõ vị thế của đất nước để vận dụng và khẳng định mình với toàn thế giới.

Bài học từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi. Từ bài học này chúng ta sẽ thấy rõ, Đảng ta cũng cần phải tiếp tục không ngừng rèn luyện, xây dựng để trong sạch, vững mạnh; từ đó tiếp tục lãnh đạo đất nước vượt qua các khó khăn, hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu luôn phải có cái tâm, xứng tầm và nói phải đi đôi với làm; thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm vì lợi ích hướng đến nhân dân.

P.V: Rõ ràng, để có sự thành công thì những bài học kinh nghiệm lịch sử là rất quan trọng. Ông suy nghĩ như thế nào về việc giảng dạy, học các kiến thức lịch sử của dân tộc nhằm bồi dưỡng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay và mai sau?

Ông Nguyễn Quốc Hồng: Theo quan điểm của cá nhân tôi, không chỉ riêng với nước Việt Nam chúng ta, mà ở bất cứ quốc gia nào thì việc hiểu biết về lịch sử của dân tộc là một việc hết sức quan trọng và cần thiết. Dù sinh ra ở đâu, thì chúng ta đều phải hiểu về lịch sử, nguồn gốc của mình nên việc học lịch sử nó gần như là một yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách. Học lịch sử không chỉ giúp cho mỗi cá nhân biết nguồn gốc của dân tộc, đất nước mình mà còn giúp đào tạo nên cốt cách con người và rèn giũa đạo đức.

Hội thi Nghi thức Đội ở huyện Yên Thành vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám hàng năm. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn
Hội thi Nghi thức Đội ở huyện Yên Thành vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám hàng năm. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn

Để lịch sử trở thành cội nguồn sức mạnh cho tương lai thì việc giảng dạy, học các kiến thức lịch sử phải đúng cách. Trước hết, lịch sử chính là sự thật, những thứ được đưa vào sách vở để giảng dạy cần phải là sự thật về những gì mà dân tộc, đất nước đã trải qua. Tiếp đến, là phương pháp tiến bộ trong giảng dạy. Chúng ta cần giảng dạy theo phương pháp trực quan sinh động nhiều hơn như tham quan, ngoại khóa, thảo luận. Chính điều này sẽ giúp tư duy thế hệ phát triển toàn diện hơn.

Cuối cùng, trong giảng dạy cần đưa vào những nội dung thiết yếu nhất, tránh sự quá ôm đồm về khối lượng kiến thức. Ví dụ như với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì chúng ta cần chú trọng 3 nội dung, đó là bối cảnh chuẩn bị cho cách mạng; khái quát diễn biến quan trọng và những bài học kinh nghiệm được rút ra… Nội dung có trọng tâm thì sẽ giúp cho thế hệ trẻ dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ nhớ hơn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Tin mới