Cách phòng trừ bệnh đạo ôn

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ trên mạ và lúa cấy vụ xuân tại một số địa phương. Toàn tỉnh hiện có trên 6 ha nhiễm bệnh, trong đó gần 1 ha nhiễm nặng.

1. Triệu chứng bệnh

Bệnh đạo ôn có thể phát sinh từ thời kỳ mạ đến lúa chín và có thể gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt.
- Bệnh trên mạ: Vết bệnh trên lá mạ lúc đầu hình bầu dục nhỏ sau tạo thành hình thoi hoặc dạng tương tự hình thoi, màu nâu hồng hoặc nâu vàng. Khi bệnh nặng từng đám vết bệnh kế tiếp nhau làm cây mạ có thể héo khô hoặc chết.
-Vết bệnh trên lá lúa: Trên thân và cổ bông bắt đầu vết bệnh là một chấm nhỏ màu đen về sau lớn dần bao quanh thân, làm cho thân thắt lại. Trên cổ bông làm cho bông bạc gẫy. Trên hạt ít bị tấn công.
Lúa bệnh Lúa bệnh
Lúa khỏe Lúa khỏe
Thông thường vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh hoặc mờ vết dầu, sau chuyển sang màu xám nhạt,  trên các giống lúa mẫn cảm các vết bệnh to, hình thoi, dày, màu nâu nhạt, có khi có quầng màu vàng nhạt, phần giữa vết bệnh có màu nâu xám.
2 - Biện pháp phòng trừ 
Để phòng trừ tốt bệnh đạo ôn trên lúa xuân, đối với những diện tích mạ đã xuất hiện bệnh cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như Tricyclazole, fenoxanil... trước khi đem ra ruộng cấy. Không sử dụng mạ đang nhiễm bệnh đạo ôn nặng để cấy.
-  Để bệnh không lây lan gây hại nặng trên diện rộng, cần bám sát đồng ruộng để  phát hiện bệnh kịp thời, từ đó có biện pháp xử lý hiệu quả. Nếu thời tiết ẩm độ cao mà lại kết hợp bón phân thúc thì sẽ rất thuận lợi cho bệnh phát triển, nếu bệnh nặng có thể gây cháy lá làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây lúa. Bởi vậy, nếu phát hiện lúa đã nhiễm bệnh, cần dừng ngay việc bón thúc đạm, giữ đủ nước trên ruộng, không được để khô để hạn chế bốc đạm, giúp lúa sinh trưởng phát triển khỏe, tăng sức đề kháng chống bệnh.
Theo ông Trịnh Thạch Lam, trưởng Phòng BVTV, Chi cục BVTV tỉnh: Nếu bị bệnh nhẹ thì chỉ cần bón thêm vôi và tiếp tục theo dõi. Khi tỷ lệ nhiễm bệnh từ 3- 5% thì  tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc như Katana 20SC, Beam 75WP, Filia 525SE, Vista 72,5 WP, Bump 650WP, Kabim 30WP, Ensino 40 SC, … theo lượng khuyến cáo, sau một tuần kiểm tra lại nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh cần phun lại lần 2 sau phun lần 1 từ  5 - 7 ngày, khi bệnh ngừng phát triển mới tiến hành chăm bón trở lại. 
 Phú Hương - Nghiêm Viễn
 

Tin mới