Cách xử lý khi ôtô bị ngập nước để tránh mất thêm tiền

(Baonghean.vn) - Thời tiết mưa nhiều, đường xá ngập lụt gây cản trở cho việc lưu thông của các phương tiện. Để phòng tránh thiệt hại đáng tiếc, lái xe nên nắm rõ cách xử lý khi ô tô bị ngập nước với những thao tác nhanh chóng, hiệu quả dưới đây.

1. Không khởi động lại xe

Nếu nước đã lọt vào động cơ, hộp số hoặc hệ thống nhiên liệu, việc khởi động lại xe sẽ chỉ khiến việc hư hỏng trầm trọng thêm. Thay vào đó, hãy đẩy xe lên chỗ cao hoặc cố nâng gầm xe bằng thiết bị nâng thường dùng để thay lốp.

2. Tháo đầu cáp cực âm của ắc quy

Việc ngắt kết nối cực âm của ắc-quy một mặt giúp tránh hiện tượng đoản mạch, mặt khác giúp bảo vệ ECU hoặc hộp máy tính khỏi bị hư hỏng.

3. Tìm dấu vết của mực nước

Điều này sẽ dễ dàng nếu nước ngập nhiều bùn hay rác bẩn. Nhưng nước sạch không để lại dấu vết. Tìm nước bên trong cửa xe và đèn hậu, sự ẩm ướt ở thảm xe và nội thất... Biết rõ mực nước ngập rất quan trọng, tránh cho bạn phải làm sạch hay sửa những chỗ không cần thiết.

4. Kiểm tra thăm dầu động cơ và hộp số

Nếu có giọt nước bám ở đuôi que thăm, bạn phải thay dầu và lọc dầu. Nếu nước ngập nhiều bùn thì nên tháo bồn dầu và làm sạch dầu... Một số xe đời cũ có thể nước sẽ vào hệ thống xăng nếu ngâm lâu và sâu trong nước. Lúc này cần hút xăng ra bình chứa, quan sát xem có bị lẫn nước. nếu tìm thấy nước trong xăng nên đưa xe đến xưởng để làm sạch.

5. Bỏ phanh tay

Với xe số sàn, hãy về số 1; với xe số tự động, hãy về P, để tránh dính phanh. Điều này đặc biệt quan trọng với xe dùng phanh tang trống.

6. Làm khô nội thất

Nếu nước lọt vào nội thất, khả năng phá hủy sẽ rất nhanh. Vì vậy, sau khi đưa xe thoát khỏi nơi ngập nước, hãy mở hết tất cả các cửa để nước thoát ra ngoài. Dùng các dụng cụ có thể, kể cả khăn thấm hết số nước đọng còn lại. Sau đó dùng quạt, máy sấy lớn để làm khô nội thất cơ bản trước khi cứu hộ tới đưa về garage.

7. Đưa xe đến thợ chuyên nghiệp kiểm tra

Nếu bạn thấy nước chỉ ngập dưới trục bánh xe thì có thể yên tâm 90% là an toàn. Tuy nhiên, vẫn nên hong khô nội thất, tháo hết thảm đem phơi. Trên các xe đời mới, nhiều dây điện và một số bộ phận máy tính nằm dưới thảm sàn và hộp điều khiển trung tâm, nên ngay cả trong trường hợp khoang động cơ không bị ngập nước, hệ thống điện vẫn có thể trục trặc.

* Hậu quả của xe bị ngập nước

- Nước có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến...

- Nước là kẻ thù số 1 của động cơ. Nếu nước ngập đến nắp capo, thông qua ống hút gió, nước tràn vào làm máy hỏng và chết máy đột ngột. Đây gọi là hiện tượng thủy kích.

- Hệ thống điện cũng nhạy cảm với nước. Sự cố do chập mạch, hỏng hệ thống điều khiển trên xe xảy ra khi nước xâm nhập từ gầm lên sàn xe. Dẫn đến hiện tượng báo lỗi các bộ phận hoặc nhiều chức năng của ôtô có thể hoạt động sai. Xe càng ngập sâu và ngâm lâu trong nước, hệ thống điện càng dễ hư hỏng.

- Trường hợp nước chỉ tràn vào xy-lanh cũng nguy hiểm. Lúc này lòng xy- lanh có thể bị gỉ và sau đó chiếc xe sẽ "uống xăng như uống nước".

- Xe bị thủy kích. Khi đã bị thủy kích, nhẹ thì chỉ phải thay tay biên, nặng thì có thể phải thay cả hệ thống động cơ, hệ thống điện với chi phí không hề nhẹ.

Tin mới