Cái bắt tay giá 500 tỷ đồng giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm

Hai cựu chủ tịch của hai ngân hàng thương mại này không chỉ có liên quan đến nhau trong thương vụ mua bán Ngân hàng Xây dựng - VNCB, mà còn có những hợp đồng vay mượn tại Oceanbank.

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
 

Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) chủ mưu trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại hội đồng xét xử TAND TP.HCM sáng 19/7/2016. Ảnh: Hữu Khoa
Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) chủ mưu trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại hội đồng xét xử TAND TP.HCM sáng 19/7/2016. Ảnh: Hữu Khoa

Tham vọng sáp nhập 2 ngân hàng

Bản án của TAND TP.HCM cho thấy Phạm Công Danh nhận cơ cấu Ngân hàng Đại Tín khi không đủ khả năng, không có nguồn vốn như cam kết với Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến hàng loạt vi phạm.

Phạm Công Danh bị tuyên mức án 30 năm tù cho tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Một nhân vật được nhắc đến nhiều trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm là Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank. Phiên tòa không có mặt ông Hà Văn Thắm nhưng các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều khai có sự góp tay của ông Hà Văn Thắm trong thương vụ chuyển nhượng này.

Đồng thời, cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Hà Văn Thắm với 3 tội danh: vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong quá trình quản lý, điều hành đối với Oceanbank.

Trong các hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố có hành vi cho Công ty Trung Dung của Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng để tái cơ cấu VNCB. Liên quan đến Đại Tín (tiền thân của VNCB), cáo trạng cũng xác định rõ vai trò của Hà Văn Thắm trong việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng này.

Theo đó, hồ sơ xác định vào đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng về Oceanbank nên Hà Văn Thắm đã gặp bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín cho Thắm.

Thắm đưa ra những sai phạm trong việc quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín để yêu cầu bà Phấn chuyển nhượng ngân hàng.

Ngày 23/2/2012, bà Phấn cho Ngô Thị Kim Huệ, phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, ký hợp đồng kinh tế với Hà Văn Thắm để bán hơn 254.000 cổ phần (tương đương 84,9% vốn điều lệ) với giá 4,4 tỉ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và sở hữu tài sản đảm bảo là các khoản vay với trị giá 3.553 tỉ đồng, khoản đầu tư 920 tỉ đồng và một số nghĩa vụ khác.

Thỏa thuận mua 4,4 tỉ, bán 4.600 tỉ

Ông Hà Văn Thắm - Nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank.
Ông Hà Văn Thắm - Nguyên chủ tịch HĐQT Oceanbank.

Sau khi ký hợp đồng, Hà Văn Thắm đã cho người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín và thực hiện việc sáp nhập vào Oceanbank, nhưng không thực hiện việc thanh toán 4,4 tỉ đồng cho bà Phấn. Bà Phấn nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng Thắm không trả.

Sau khi đưa người vào quản lý ngân hàng, Thắm nhận thấy Đại Tín có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi nên nảy ra ý định chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín.

Thông qua môi giới, Hà Văn Thắm gặp Phạm Công Danh để chuyển nhượng cổ phần Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh. Hai bên thống nhất nếu Danh tiếp nhận Đại Tín thành công thì trả cho Thắm 800 tỉ đồng tiền môi giới. Số tiền mà hai bên thỏa thuận chuyển nhượng hơn 252.000 cổ phần là hơn 4.600 tỉ đồng.

Bản án xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm cho thấy Phạm Công Danh khai rằng Danh và nhóm cổ đông của mình đã trả cho bà Hứa Thị Phấn 3.600 tỉ đồng, số tiền này được xác định lấy từ nguồn vốn vay của chính VNCB.

Số tiền mà bà Hứa Thị Phấn được Phạm Công Danh trả đã được dùng tất toán các khoản vay của bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín.

Tuy nhiên ngoài các khoản tiền trên, Hà Văn Thắm còn cho Phạm Công Danh (sử dụng pháp nhân là Công ty Trung Dung của Tập đoàn Thiên Thanh) vay 500 tỉ đồng. Số tiền này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp không đủ điều kiện (tổng giá trị chỉ là 482 tỉ đồng), nên đến nay Oceanbank không thu hồi được số tiền này.

Cáo trạng cho rằng mặc dù Phạm Công Danh có sai phạm trong việc lập hồ sơ vay vốn và đưa nhóm tài sản không đủ giá trị vào thế chấp khoản vay, tuy nhiên Hà Văn Thắm mới là người biết rõ về những sai phạm này nhưng vẫn thống nhất cho vay.

Do đó, cáo trạng xác định hành vi gian dối của Phạm Công Danh và nhóm nhân viên của Danh chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới