Cái 'bẫy' việc làm và 'mánh' chiếm đoạt tiền tỉ của người phụ nữ tàn tật

(Baonghean.vn) - Nắm bắt nhu cầu xin việc của nhiều người, Mạc Thị Lệ Quyên đã lên kế hoạch giăng "bẫy” nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Khi vụ việc vỡ lở, các nạn nhân mới hay mình đã mất tiền cho một người đàn bà chuyên “buôn thuốc nổ”.

Chiêu “bán nước bọt” chiếm đoạt tiền tỉ của cán bộ Sở Nội vụ “rởm”

Bị tật nguyền từ nhỏ với đôi chân teo tóp không thể tự đi lại nhưng Mạc Thị Lệ Quyên (SN 1984, quê xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) được xem là một tấm gương vượt hoàn cảnh. Lớn lên, Quyên không cam phận mà tìm cách “xuống núi” mưu sinh. Số phận thêm một lần nữa không mỉm cười với Quyên, người phụ nữ này sinh và nuôi con một mình.

Nhờ có chút vốn liếng tin học, Quyên mở một cửa hiệu photocopy kiếm sống. Thời gian này Quyên chung sống không giá thú với một người đàn ông và có thêm một người con. Tính Quyên xởi lởi lại hoạt ngôn, cũng bởi cô tật nguyền nuôi con nhỏ nên nhiều người thương cảm, không ngần ngại giúp đỡ mỗi khi được nhờ.

Khi Quyên làm được một căn nhà khang trang ở xóm 6, xã Nghi Kim (TP Vinh), nhiều người vui mừng và khâm phục nghị lực vượt hoàn cảnh của người phụ nữ tật nguyền này. Bởi vậy, khi Quyên bị bắt giữ vì lừa đảo chạy việc, chiếm đoạt tiền tỉ, khiến nhiều người dân hết sức ngỡ ngàng.

Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại phiên tòa. Ảnh: Như Bình
Bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên tại phiên tòa. Ảnh: Như Bình

Cơ quan công an làm rõ, từ năm 2015 - 2019, Mạc Thị Lệ Quyên đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt ít nhất 60 triệu đồng, người nhiều nhất 330 triệu đồng. Thủ đoạn của Quyên là "nổ" bản thân làm cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An và khoe khoang quen biết nhiều lãnh đạo các sở ngành, có thể “chạy việc” vào biên chế ngành y tế, giáo dục... hay xin vào các công trình thủy điện trên địa bàn.

Chỉ bằng khả năng “buôn nước bọt”, Quyên khiến 20 người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh sập bẫy. Để các bị hại thêm phần tin tưởng, Quyên hứa hẹn thời gian hoàn tất công việc, thời điểm nhận quyết định tuyển dụng, thông báo tiếp nhận để đi làm.

Trên thực tế, khi bị các nạn nhân hối thúc, với kinh nghiệm tin học của mình, Quyên sử dụng các văn bản chính thống đăng tải trên mạng cắt ghép chữ ký, con dấu của các cơ quan, tổ chức chèn vào quyết định tuyển dụng hay thông báo tiếp nhận công tác rồi in ra cho các bị hại.

Biết anh Thái D.T. (SN 1989, trú huyện Yên Thành) có nhu cầu xin vào biên chế, nên Quyên đặt vấn đề sẽ xin cho anh này vào làm việc tại UBND huyện Nghi Lộc, chi phí 280 triệu đồng, đặt cọc 80 triệu. Người phụ nữ này thuê một tài xế xe ôm gọi điện cho anh T. tự nhận là Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, thông báo đã tiếp nhận hồ sơ xin việc của anh này và dặn “cứ yên tâm”.

Nhận được điện thoại của đích thân “chủ tịch huyện”, nên khi Quyên yêu cầu đóng hết số tiền đã thỏa thuận, anh T. không mảy may nghi ngờ. Được Quyên trao thông báo trúng tuyển công chức có con dấu, chữ ký của Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc mang tên mình, dù là bản photo nhưng anh T. cũng hết sức vui mừng mà không biết đây chỉ là tờ giấy lộn. Bởi vậy, khi Quyên đòi thêm 30 triệu để “cảm ơn” lãnh đạo, người đàn ông này dù cạn sạch tiền vẫn cố vay mượn, đưa trước cho Quyên 15 triệu, xin nợ số tiền còn lại.

Tương tự, chị Vi Thị D. bị mất cho Quyên 160 triệu đồng để “chạy” cho con vào biên chế một trường học trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Chỉ khi con gái chị D. cầm thông báo tiếp nhận công tác có con dấu và chữ ký của lãnh đạo Sở GD&ĐT đến trường học để nhận công tác, mới ngã ngửa khi nhà trường khẳng định không nhận được bất kỳ quyết định nào của cơ quan chức năng về tiếp nhận giáo viên có tên như trên. Lúc này màn kịch lừa đảo của “nữ cán bộ Sở Nội vụ” mới bị bại lộ.

Người cha nghèo mất 130 triệu chạy cho con... làm phụ hồ

Ông Lô Văn Q. (trú xã Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An) có con trai là Lô Văn Th. (SN 1992), tốt nghiệp chuyên ngành về điện nhưng mãi không xin được việc làm. Một ngày năm 2015, trong một lần tình cờ đến chơi nhà người dì ruột ở TP Vinh, anh Th. gặp Mạc Thị Lệ Quyên. Biết Th. đang có nhu cầu xin việc, Quyên tự giới thiệu mình là cán bộ Sở Nội vụ, quen biết rộng, “vì nể là người quen” nên hứa sẽ xin vào làm việc tại tổ vận hành thủy điện bản Ang (Tương Dương, Nghệ An) với chi phí 130 triệu đồng.

Thời điểm này thủy điện Bản Ang đang trong quá trình hoàn thiện. Nghĩ mất một khoản tiền nhưng đổi lại có công việc ổn định, thu nhập khá nên anh Th. bàn với bố mẹ nhờ Quyên “giúp”. Theo yêu cầu của Quyên, trong vòng 1 ngày gia đình ông Q. vay mượn đủ 130 triệu đồng giao cho “nữ cán bộ Sở Nội vụ” này.

Quyên không dám ngẩng mặt lên khi nghe người nhà nạn nhân đề nghị tòa án xử lý nghiêm và buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Ảnh: Như Bình
Quyên không dám ngẩng mặt lên khi nghe người nhà nạn nhân đề nghị tòa án xử lý nghiêm và buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Ảnh: Như Bình

Cầm tờ giấy biên nhận kèm lời hứa như đinh đóng cột của Quyên, ông Q. yên tâm rằng con mình sắp có việc làm, chẳng chóng thì chầy sẽ trả hết nợ. Một thời gian ngắn sau, anh Th. được Quyên nhắn đến nhà máy thủy điện Bản Ang nhận việc. Theo lời Quyên, do nhà máy chưa hoàn thiện nên trước mắt anh Th. làm phụ hồ, chờ được cử đi học vận hành để về làm việc chính thức.

“Con trai tôi ngày ngày phụ hồ, làm những công việc nặng nhọc khác để nuôi hy vọng được nhận vào tổ vận hành thủy điện. Thế nhưng khi những người khác đã được cử đi học vận hành, về làm việc rồi thì con trai tôi vẫn chưa được cử đi học như lời Quyên nói”, ông Q. kể.

Ông Q. thắc mắc thì Quyên nói do chậm chân nên không còn suất đi học vận hành nữa và gợi ý chuyển sang xin việc tại nhà máy thủy điện Xoóng Con (cũng ở huyện Tương Dương), cam đoan 3 tháng sau là có quyết định đi làm. Tuy nhiên, đợi mòn đợi mỏi cũng chẳng được đi học vận hành như thỏa thuận ban đầu, trái lại anh Th. vẫn phải làm việc phụ hồ. Nghi ngờ dính phải bẫy lừa chạy việc làm, ông Q. đến gặp Quyên đòi lại số tiền đã đưa nhưng người phụ nữ này vẫn tiếp tục hứa hẹn.

“Tiền vay phải trả lãi nên khi biết Quyên không phải cán bộ Sở Nội vụ như giới thiệu, không có khả năng xin việc nên chúng tôi kiên quyết đòi lại tiền. Sau nhiều lần gây áp lực, Quyên chỉ trả cho tôi 10 triệu đồng. Tưởng cô ta là cán bộ Sở Nội vụ thật, có thể xin được việc làm, ai ngờ tôi mất 130 triệu mà con chỉ được đi phụ hồ”, ông Q. chua chát nói.

Người đàn ông này đề nghị HĐXX xử phạt nghiêm hành vi phạm tội của Quyên và yêu cầu người phụ nữ này phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Tuy nhiên, Mạc Thị Lê Quyên mới chỉ đền bù được cho các bị hại một phần nhỏ, phần lớn số tiền chiếm đoạt Quyên đã tiêu xài hết, không còn để hoàn trả.

HĐXX nhận định trong vụ án này các bị hại cũng có một phần lỗi. Còn Mạc Thị Lệ Quyên không có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn trong bố trí công việc cho người khác nhưng đã có hành vi gian dối giới thiệu bản thân làm việc ở Sở Nội vụ Nghệ An, quen biết lãnh đạo các sở, ngành nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu xin việc làm.

Hành vi của Mạc Thị Lệ Quyên đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Mạc Thị Lệ Quyên 20 năm tù; buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các nạn nhân.

Hành vi sử dụng con dấu, chữ ký của cơ quan chức năng chèn vào các thông báo tiếp nhận, quyết định tuyển dụng, danh sách... của Mạc Thị Lệ Quyên là nhằm làm cho bị hại tin tưởng để giao tiền. Do vậy, không có căn cứ xử lý Mạc Thị Lệ Quyên về tội “Sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức”.

Tin mới