Cải cách chế độ tiền lương để giáo viên yên tâm giảng dạy

(Baonghean.vn) - Đây là ý kiến được nhiều đại biểu góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức vào chiều 15/5.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Ảnh Thanh Lê
Dự và chủ trì hội nghị có các Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền và Trần Văn Mão. Ảnh Thanh Lê

Đảm bảo thu nhập cho giáo viên

Góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, vấn đề lương nhà giáo là nội dung được nhiều đại biểu kiến nghị. Theo ông Nguyễn Đông Đức - Phó trưởng Ban Dân chủ, Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng: Hiện nay lương nhà giáo nhìn chung còn thấp, đặc biệt là ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông.

Vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này. “Cần đưa vào luật nội dung sửa đổi cơ chế tiền lương trong giáo dục đảm bảo cho thầy, cô giáo sống được bằng lương” - ông Đức nói.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trọng Bé - Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nghị quyết 29-NQ/TW nêu “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”; tuy nhiên trong thực tế lương của giáo viên còn rất thấp.

“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương cho công chức, viên chức ngành sư phạm để cán bộ, công chức, viên chức có thể sống bằng lương để họ yên tâm công tác; đóng góp, cống hiến nhiều hơn”- ông Bé đề xuất giải pháp nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.
Một lớp học ở xã Bảo Nam, Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu
Một lớp học ở xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu
Các ý kiến cũng cho rằng không nên có quá nhiều bộ sách giáo khoa. Chương trình giáo dục phải đảm bảo tính hiện đại, ổn định, thống nhất, linh hoạt, thực tiễn và hợp lý; kế thừa giữa các cấp học và trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho phân luồng và liên thông.  

Xem xét lại tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học

Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Các đại biểu đề nghị luật cần quy định giao quyền tự quyết cho hội đồng trường, để hoạt động đi vào thực chất.

PGS. TS Cao Trường Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh Thanh Lê
PGS. TS Cao Trường Sinh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh Thanh Lê

Do đó, cần có quy định hội đồng trường có quyền giám sát, khi cần thiết tổ chức thanh tra các hoạt động điều hành của hiệu trưởng về chuyên môn, về xây dựng cơ sở vật chất, về các nguồn thu, chi tài chính, về quyết toán tài chính theo quy định của pháp luật.

Luật cũng cần xem xét lại các tiêu chuẩn hiệu trưởng của các trường đại học, nhất là các trường ngoài công lập; đồng thời phải có quy định cụ thể hơn về tự chủ trong các trường đại học và nên có sự thống nhất trong quy định cơ quan chủ quản của các trường đại học,…

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm cũng như chất lượng của các ý kiến đóng góp của các đại biểu. 

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp để chuyển tới tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Tin mới