Cái chết của thiên nhiên

Khi đứng trong thánh đường nhà thờ, những mái vòm, những ô cửa sổ lấy sáng từ trên cao, những bức tranh hay tượng Chúa, tôi nghe thấy nỗi sợ vọng ra từ nội tâm mình. Nỗi sợ của một tồn tại nhỏ bé quá trong cái không gian này dù không có cùng đức tin. Đó là vì sâu thẳm bên trong, tôi mang theo nỗi bất an của giống loài yếu đuối. Con người ta cần một cộng đồng để thuộc về, vì thế nên mới có tôn giáo và đức tin.

Khi đứng trước những công trình kiến trúc tầm vóc vượt khỏi trường nhìn của mắt, tôi nghe thấy sự hưng phấn đập nhịp trong huyết quản. Từ cổ xưa giống nòi của chúng ta đã khao khát để lại dấu ấn vĩ đại dù dấu chân ta thì bé nhỏ. Kim tự tháp, Vạn lý trường thành, tượng đá khổng lồ… cho đến những tòa cao ốc chọc trời. Bàn tay con người thậm chí còn vươn ra khỏi vòm trời mình đang sống để không ngừng chạm đến tầm cao mới. Nói dễ nghe thì là lý tưởng mà nói khó nghe thì là tham vọng. Lòng khao khát trở nên to lớn hơn của con người chưa bao giờ nguội lạnh. Vực Mariana hay đỉnh Everest làm sao thâm sâu hay cao ngạo hơn lòng tham của con người được đây?

Nhưng khi đứng trước một ngọn núi, một dòng sông, ta cảm thấy gì? Còn tùy thuộc vào đó là một ngọn núi hùng vĩ phủ xanh cây hay một ngọn núi trơ trọc đất đá, hoặc bị xẻ ngang dọc để làm đường đi và khai thác khoáng sản. Còn tùy thuộc vào đó là một dòng sông ăm ắp nước hay khô kiệt vì thay đổi khí hậu, vì những mùa mưa đến muộn và chóng đi… Không phải vô cớ mà thiên nhiên đem lại cho ta cảm giác yên bình dù trong lòng ta và cuộc đời ta đang đầy giông bão. Không phải vô cớ mà người ta tìm đến những con sông hay bãi biển để quên đi đau khổ – một lựa chọn tiêu cực nhưng ít đớn đau trên một khía cạnh nào đó.

Hôm nay đây khi tôi nhìn thấy những hình ảnh về cái chết của thiên nhiên ở Australia, tôi không biết liệu cái chết đó có đáng buồn hơn đám cháy nhà thờ Đức Bà ở Paris hay một nữ thần tượng Hàn Quốc tự kết liễu do trầm cảm. Nhưng chắc chắn cái chết của thiên nhiên sẽ để lại vết sẹo lớn hơn cho sự sống của chúng ta và tất cả các sinh vật sống khác đang được thiên nhiên cõng trên lưng. Nếu trân quý sự sống của mình, có lẽ con người nên dành nhiều thời gian đối mặt với thiên nhiên, với những cánh rừng, những ngọn núi, những dòng sông và biển cả. Đến đó và nghe lời cảnh tỉnh vọng ra từ bản năng của giống nòi mình. Đến đó để thấy những công trình kiến trúc vĩ đại nhất lịch sử nhân loại nhỏ bé đến chừng nào. Đến đó để thấy những mâu thuẫn và xung đột xuất phát từ bất đồng đức tin và lý tưởng đâu còn nghĩa lý gì, khi đức tin nguyên thuỷ nhất của chúng ta là dựa dẫm vào mẹ thiên nhiên.

Thiên nhiên đang chết, bao giờ thì đến chúng ta?

Kỹ thuật: Chôm Chôm