Cái đáng lo nhất

(Baonghean) - Nói là chuyện cũ, chuyện xưa nhưng thật ra cũng chỉ mới cách đây vài ba chục năm. Lúc đó, người viết bài này là học sinh cấp 2 mà gọi theo kiểu bây giờ là trung học cơ sở.
Còn nhớ, bất cứ bài tập làm văn nào, chúng tôi cũng đều có đoạn kết như nhau: được học tập dưới mái trường chủ nghĩa xã hội chúng em nguyện phấn đấu, rèn luyện để mai này trở thành con người mới chủ nghĩa xã hội. Mặc dù, lúc đó chúng tôi thật sự không hiểu chủ nghĩa xã hội là gì, con người mới xã hội chủ nghĩa cụ thể là như thế nào. Mà chỉ biết áng chừng đó là một xã hội tốt với những con người tốt. Tin tưởng một cách ngây thơ, trong sáng thế. Nhưng cái cách người ta rèn nhau để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa thì thấm, thì nhớ lắm.
Thấm và nhớ vì đó là những việc rất cụ thể, không hô hào chung chung. Trẻ con cấp 1 thì vào đội nhi đồng của thôn, cấp 2 thì vào đội thiếu niên tiền phong. Chiều thứ bảy nào cũng vậy, dù là chăn trâu, thả diều hay nhổ mạ, đào khoai trên đồng cùng bố mẹ thì đều cữ năm giờ chiều là vác chổi tụ tập ở sân kho hợp tác xã tuần tự quét dọn đường ngang, ngõ tắt, lối trên, lối dưới trong xóm. Ai đến muộn một chút dĩ nhiên là bị anh chị phụ trách nhắc nhở ngay tại trận. Chưa kể,  tối sinh hoạt đội cuối tuần còn phải đứng lên nhận lỗi trước toàn chi đội.
Buổi sinh hoạt chi đội cuối thật sự là một buổi tu dưỡng, rèn luyện đúng nghĩa. Ai học tốt, làm tốt được biểu dương và khen thưởng bằng một tràng vỗ tay. Ai để trâu, bò ăn lúa của hợp tác xã, đùa nghịch quá trớn như ném vào kẻng của xóm, hái trộm ổi, trộm bưởi, hỗn láo, cãi lại bố mẹ hay trêu chọc, đánh nhau… đều bị đưa ra kiểm điểm nghiêm khắc. Chớm đông là tiến hành nhặt củi khô trên đồi ủng hộ các gia đình thương binh, liệt sỹ hay người già neo đơn, người tàn tật có củi sưởi vào những ngày giá rét… Chúng  tôi, những đứa trẻ tít tận miền Tây xứ Nghệ hẻo lánh, xa xôi cứ rèn nhau như vậy. Và chúng tôi yêu quê, nhớ quê từ những công việc nhỏ nhoi như thế. Mà sau này, như nhà thơ Bùi Hoàng Tám nói, đó là những con người biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, biết gắn bó thương yêu gia đình, bè bạn và cộng đồng. Đó là những con người biết “mình vì mọi người, mọi người vì mình”…
Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet
Sở dĩ nói lại chuyện cũ như vậy là muốn “ôn cố nhi tri tân”. Nhắc lại cái cũ để mà hiểu, mà cắt nghĩa cái mới. Nhưng  việc mới, chuyện mới lại vô cùng khó hiểu, khó mà cắt nghĩa được.
Như chuyện các cô giáo nuôi dạy trẻ ở Cao Bằng đã nhốt trẻ nhỏ ở ngoài phòng học như một cách trừng phạt. Để rồi các em tự bốc rác ăn để giải khuây. Và gần đây nhất là “những cô giáo như mẹ hiền” ở trường mầm non Sơn Ca, Quảng Bình đã hè nhau trói tay, chân và nhét giẻ vào mồm một trẻ để bé khỏi quấy rối. Để rồi, người mẹ của bé phải thốt lên đau đớn trên phây-búc của mình rằng ."Cô L. đang cho con ăn. Cô véo tai con mấy lần vì con không chịu ăn. Con khóc. Mẹ xót xa lắm. 10h57 cô H. kéo con vào góc lấy thìa inox (thìa vẫn đút cho các bé ăn) lôi con vào góc (có lẽ cô nghĩ góc này camera không tới được) đánh liên tục vào 2 tay con, đánh liên tục vào 2 má con. Mẹ chua xót. Mẹ khóc điện thoại ba con về ngay để lên làm việc với hiệu trưởng.
Có lẽ mẹ đã hiểu ra lý do vì sao con hốt hoảng khi ngủ. 12h30 mẹ lên tới lớp con, quá nóng giận mẹ đẩy cửa vào không gõ cửa."Trời ơi!" Mẹ hét lên: "Chúng mày làm gì thế này". Con bị đè xuống sàn nhà, hai tay hai chân trói chặt về phía sau, cô Anh đang nhét khăn vào miệng còn còn cô Linh và 1 cô nữa đang giữ con. Nét mặt vật vã của con lúc đó làm mẹ đau tới tận tim gan. Mẹ lao vào ôm lấy con. 3 cô kia kéo mẹ ra để tháo dây buộc tay và chân con. Mẹ hét lên:" Tránh xa con tôi ra". Ba đi sau mẹ chạy lại giữ lấy con. Mẹ ôm con xuống sân. Mẹ đau đớn. Người con nhiều vết thâm, con khóc, con ôm chặt lấy mẹ, mẹ đau đớn tới quặn thắt".Ba điện thoại cho cô hiệu trưởng lên làm việc. Ba mẹ chụp lại toàn cảnh bị buộc tay chân của con và video 3 cô nhận đã buộc và đánh con như thế nào. Công an phường Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình đã vào cuộc. Mẹ hi vọng pháp luật sẽ trừng trị thích đáng những con người không khác gì quỷ dữ. Họ là phụ nữ, người đã là mẹ, người sẽ là mẹ. Nhưng họ không hiểu được nỗi đau này của mẹ, nỗi đau mà tới giờ nghĩ lại mẹ vẫn thấy thật kinh hoàng, mẹ sẽ không thể nào quên. Còn con liệu có cách nào để xóa đi được những tổn thương mà họ đã gây ra...".
Thật là trùng hợp ngẫu nhiên, khi trong ngày xảy ra chuyện đau lòng này, báo chí lại đăng tải bài viết của người con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong đó nói rõ: cái mà chúng ta chưa làm được lớn nhất, đáng lo nhất trong thời gian vừa qua không phải là ở kinh tế, mà ở việc xây dựng con người! Có lẽ đúng là như vậy, trong việc xây dựng con người chúng ta đã có những thất bại nhất định. Chúng ta cần dũng cảm nhìn nhận để đứng lên từ thất bại này một cách sớm nhất.
Bụt Sơn