Cái giá của Brexit cứng

(Baonghean.vn) - Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến ngày 31/12, thời điểm mà Vương quốc Anh theo kế hoạch phải rời thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU). Ấy vậy mà các cuộc đàm phán xoay quanh chủ đề xứ sương mù rời ngôi nhà chung (Brexit) lại vừa một lần nữa rơi vào bế tắc. Cả 2 nền kinh tế - Anh và EU - đều sẽ phải lường trước những biến động thăng trầm đón đợi họ nếu kịch bản “ra đi không thỏa thuận” được hiện thực hóa.

THIỆT CẢ ĐÔI BÊN

Sau tuần lễ đàm phán nước rút đầy căng thẳng, Vương quốc Anh và EU vẫn chưa thể đi đến thống nhất về một bản thỏa thuận thương mại hậu Brexit do còn chưa thể hóa giải khúc mắc ở một số vấn đề, chẳng hạn như các quy định đánh bắt cá. Nếu tình trạng này tiếp diễn đến hết năm 2020 thì Anh sẽ nói lời chia tay với thị trường chung và liên minh thuế quan của EU mà không “dắt túi” thỏa thuận đẹp lòng đôi bên, kéo theo đó có thể sẽ là những xáo trộn ngoài mong đợi.

Anh và EU vẫn chưa thể đi đến thống nhất về một bản thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Anh và EU vẫn chưa thể đi đến thống nhất về một bản thỏa thuận thương mại hậu Brexit.

Cần phải hiểu rằng, khi còn là thành viên EU, Anh là một phần của hệ thống thương mại liền mạch, bao gồm một thị trường chung quy mô 450 triệu người tiêu dùng châu Âu. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm khoảng 43% kim ngạch xuất khẩu của Anh. Nếu không đạt được thỏa thuận mới, tính từ ngày 1/1/2021, thương mại giữa Anh và EU sẽ trở lại tuân theo sự điều chỉnh của các quy định và các mức thuế quan được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thiết lập năm 1995. Anh sẽ phải bắt đầu trả thuế cho hàng nhập từ EU và ngược lại. Tăng thuế đánh vào thực phẩm có thể sẽ đẩy giá lương thực lên cho người tiêu dùng ở Anh.

Theo Tập đoàn Bán lẻ nước Anh, các siêu thị có thể phải chịu khoản chi phí bổ sung 3,1 tỷ bảng, tương đương 4,1 tỷ USD mỗi năm, do khoảng 85% thực phẩm nhập từ EU bị đánh thuế tối thiểu 5%. Hàng may mặc, động vật và các sản phẩm từ động vật, cùng thực phẩm và đồ uống nằm trong số những danh mục hàng nhập khẩu dự kiến giá cả sẽ tăng cao nhất, thậm chí được dự báo tăng tối thiểu 20%. Các nhà sản xuất ô tô của Anh sẽ đối diện với khoản thuế 10% đánh vào toàn bộ ô tô xuất khẩu sang khối nước EU, tương ứng với 6,92 tỷ USD mỗi năm, trong khi đó, các nhà xuất khẩu sản phẩm sữa tại Anh đang nghiên cứu khoản thuế 35,4% đánh vào các hàng hóa của họ.

Không chỉ vậy, xứ sương mù sẽ bị gián đoạn một số thị trường. Đơn cử ngành dịch vụ của Anh, vốn chiếm khoảng 80% GDP của nước này, sẽ mất đi quyền phục vụ các khách hàng EU. Để duy trì quyền tiếp cận với thị trường nà, các công ty có thể buộc phải thành lập các văn phòng tại EU, và thực tế là một số đơn vị đã làm như vậy. Nhiều doanh nghiệp khác có thể sẽ phải nhờ đến các cơ quan chức năng trong EU đánh giá và công nhận lại các phẩm chất nghề nghiệp nếu còn muốn tiếp tục hoạt động tại thị trường sinh lợi ấy.

Anh cũng sẽ bị tách khỏi thị trường năng lượng của EU. Nhà cung cấp các dịch vụ tài chính có trụ sở tại Đức là Allianz dự báo Anh sẽ phải chịu mức tăng giá cả nhập khẩu nói chung khoảng 15%, mà nguyên nhân là do các khoản thuế suất cao hơn, cùng với đó là dự báo giá trị đồng bảng Anh giảm 10%, các rào cản hành chính và chuỗi cung ứng gia tăng… Các chuyên gia phân tích dự báo GDP của Anh sẽ giảm 5% và tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 15%.

Ông Boris Johnson và bà Ursula von der Leyen sẽ tiếp tục đàm phán do vẫn còn nhiều bất đồng song phương. Ảnh: Reuters
Ông Boris Johnson và bà Ursula von der Leyen sẽ tiếp tục đàm phán do vẫn còn nhiều bất đồng song phương. Ảnh: Reuters

Dĩ nhiên, khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến một phía. Brexit không thỏa thuận sẽ tách EU khỏi một thị trường khoảng 65 triệu người tiêu dùng Anh, khiến khối nước thiệt hại kim ngạch xuất khẩu thường niên lên đến 33 tỷ euro. Trong đó, những quốc gia tổn thất nhiều nhất phải kể đến Đức (8,2 tỷ euro), Hà Lan (4,8 tỷ euro) và Pháp (3,6 tỷ euro), mỗi nước này chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Anh.

Kịch bản Brexit “cứng” cũng mang lại câu trả lời tiêu cực đối với câu hỏi liệu EU có được phép tiếp tục tiếp cận các vùng đánh bắt cá của Anh nữa không. Dù những ảnh hưởng về thương mại nói chung có thể không lớn, song việc này sẽ đe dọa đến sinh kế của những cộng đồng duyên hải châu Âu vốn dĩ phụ thuộc vào nghề cá.

Các nền kinh tế Đông Âu như Ba Lan, trước nay xuất khẩu sang Anh nhiều sẽ phải chịu cú sốc nặng nề. Những diễn biến này sẽ đặt ra nhiều dấu hỏi về năng lực của các nhà lãnh đạo EU để ứng phó với tình trạng khó khăn. Động thái hỗ trợ giảm nhẹ tác động về kinh tế cho những thị trường bị ảnh hưởng sẽ đòi hỏi phải có sự đồng thuận từ 27 nước thành viên, mà điều này trên thực tế lại chẳng dễ dàng gì, minh chứng là những nỗ lực chưa thành nhằm thông qua quỹ giảm nhẹ tác động của chủng mới virus Corona vừa qua.

CƠ HỘI 50-50?

Các nhà đàm phán của EU và Anh đã nối lại các cuộc đối thoại, trong nỗ lực “giờ chót” hòng đưa ra được một thỏa thuận trước khi quãng thời gian chuyển tiếp kết thúc vào cuối tháng 12 này. Trưởng phái đoàn đàm phán của Vương quốc Anh David Frost đã tới Brussels để gặp gỡ người đồng cấp EU Michel Barnier, dù trong vài tuần lễ trở lại đây, cả 2 bên đều không chịu đưa ra chút nhượng bộ nào. Thế trận giằng co căng như dây đàn, đến độ kịch bản tươi sáng nhất được Thủ tướng Ireland Michael Martin dự đoán hồi cuối tuần qua rằng, bản thân ông nghĩ khả năng đạt được thỏa thuận Anh-EU hiện là 50-50.

Nước Anh và EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận Brexit. Ảnh minh họa Reuters
Nước Anh và EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận Brexit. Ảnh minh họa Reuters

Quỹ thời gian còn lại không nhiều, có lẽ bởi vậy mà trước những diễn biến mới nhất, thứ Hai tuần này Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cùng bước vào các cuộc đối thoại kéo dài trong thời gian ít nhất 1,5 giờ đồng hồ. Khoảng 1 giờ sau đó, 2 bên đưa ra tuyên bố chung, tiết lộ rằng vẫn chưa đạt các điều kiện cho một thỏa thuận: “Chúng tôi nhất trí rằng các điều kiện để chốt một thỏa thuận vẫn chưa hiện hữu do vẫn còn nhiều khác biệt lớn trong 3 vấn đề hệ trọng: sân chơi công bằng, quản trị và ngư nghiệp”.

Dẫu vậy, cánh cửa cơ hội vẫn chưa đóng hẳn, bởi 2 bên cũng cho biết thêm rằng, họ đã “yêu cầu các trưởng đoàn đàm phán cùng các ê kíp chuẩn bị xem xét lại những bất đồng còn tồn tại để đem ra bàn thảo trong một cuộc họp trực tiếp tại Brussels trong vài ngày tới”.

Hôm nay (9/12) có lẽ sẽ là ngày được dư luận dành nhiều sự chú ý cho câu chuyện Brexit, khi mà chuyên gia đàm phán của EU Michel Barnier đã nói với các đại biểu Nghị viện châu Âu rằng thời điểm quyết định để đạt thỏa thuận là trong vòng 2 ngày. Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU cuối cùng của năm 2020 này sẽ diễn ra tại Brussels trong 2 ngày 10 và 11/12. Trước “những bất đồng đáng kể” còn hiện hữu sau cuộc điện đàm giữa người đứng đầu xứ sương mù và khối nước 27 thành viên, liệu rằng họ có đẩy nhanh được quá trình đàm phán, khi mà tốc độ là chìa khóa quyết định vì bản dự thảo thỏa thuận cần phải được toàn bộ 27 thành viên EU đồng thuận, và được các nghị viện tương ứng cùng nghị viện Anh phê chuẩn. Trong trường hợp 2 bên đạt được thỏa thuận, thì thực tế là cơ hội chính thức hoàn thành quá trình này trước khi khép lại năm 2020 cũng rất mong manh.

Tin mới