Cái giá nếu Mỹ leo thang quân sự ở Syria

(Baonghean) - Những hình ảnh đang choán chỗ các trang tin của Mỹ trông chẳng khác gì cơn ác mộng. Những đứa trẻ thoi thóp, lồng ngực phập phồng đầy đau đớn, bọt mép sùi ra… đây là hình ảnh xuất phát từ Douma, một trong những thành trì cuối cùng của phe nổi dậy đối lập phản đối chính quyền Tổng thống Assad chiếm lại lãnh thổ Syria.
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Và rồi, như thể hợp xướng, những tiếng than khóc chát chúa ngập tràn khắp các kênh tin tức chính thống của Mỹ, cùng với giọng điệu tự cho mình là chính đáng trong những bài viết dài lê thê, nhất nhất kêu gọi phát động một cuộc chiến mới Syria với “vỏ bọc” là cơn giận về đạo đức nhưng với mục đích sau chót là thay đổi chế độ.

Ngày 9/4, tức chỉ vài hôm sau tuyên bố Mỹ sẽ rút quân khỏi “sân khấu” Syria, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Bashar al-Assad tại Syria cùng các đồng minh Nga và Iran, đồng thời hứa hẹn sẽ đáp trả quân sự nhanh và mạnh mẽ trước vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học mới xảy ra.

Cùng thời điểm, văn phòng Michael Cohen - luật sư riêng của ông Trump bị Cục điều tra liên bang (FBI) khám xét. Trong lúc đó, máy bay của Israel lại tấn công căn cứ T4 của các lực lượng Syria và Nga, còn Pháp và Anh lại tỏ ra hưởng ứng lời kêu gọi chiến tranh.

Theo trang AsiaTimes, chính trong những thời khắc như vậy, khi màn sương mù cảm xúc bị các lực lượng chính trị và truyền thông đầy quyền lực cố sức chăng mắc hòng tạo được sự đồng thuận từ công chúng, điều cốt yếu là phải lùi lại và phân tích câu chuyện đang được đưa đẩy và kiểm chứng chính xác những lợi ích của Mỹ khi tham chiến một lần nữa tại Trung Đông.

Nhìn trước tương lai?

Rõ ràng chuỗi những sự kiện gần đây gần như giống hệt trường hợp các vụ tấn công trước đó vốn bị quy trách nhiệm Assad hồi năm 2017 tại Khan Shaykhun và trước nữa vào năm 2013 tại Ghouta.

Trong mỗi sự kiện, Assad đều lập tức bị quy kết là bên có tội trước khi chứng minh được bất kỳ sự thật nào, và thực tế còn đi ngược lại mọi động cơ lô gích từ vị trí của ông ta.

Dĩ nhiên, cùng với sự “phán xét” ấy là một trường khúc kêu gọi can thiệp quân sự quy mô và ngay lập tức nhằm tước bỏ quyền lực của Assad.

Tuy nhiên, dù sức ép không hề nhỏ buộc Nhà Trắng phải đưa ra sự đáp trả diều hâu, thì cả Barack Obama và Trump trong 2 sự kiện trước đó đều cố ngăn Mỹ lún sâu hơn vào cuộc xung đột.

Một em bé phải thở qua mặt nạ oxy sau vụ tấn công tại thành phố Douma, gần Damascus, Syria. Ảnh: AP
Một em bé phải thở qua mặt nạ oxy sau vụ tấn công tại thành phố Douma, gần Damascus, Syria. Ảnh: AP

Hành động của họ đã được chứng minh là đúng vài tháng sau đó, khi kết quả mà nhóm điều tra của Liên Hợp quốc trong cả 2 sự việc đều kết luận rằng không tồn tại bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Assad đã triển khai vũ khí hạt nhân, từ đó củng cố các cáo buộc rằng những vụ tấn công ấy là chiến dịch “cờ giả” của các lực lượng nổi dậy hòng tranh thủ sự ủng hộ quân sự của phương Tây.

Chính quyền Assad cùng đồng minh Nga đã có nhiều nỗ lực lớn trong vài năm trở lại đây để giành chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài ở Syria. Tại Douma, phe đối lập đã bị bao vây và đang yếu ớt kháng cự lần cuối trước khi chiến thắng gõ cửa chính Syria.

Trong bối cảnh đó, một vụ tấn công hóa học do Assad chủ mưu, sẽ chỉ mở đường cho sự trừng phạt quân sự của phương Tây, và chẳng khác nào tự sát chính trị, đi ngược lại mọi động cơ lô gích.

Những giọng điệu châm ngòi chiến tranh hoàn toàn phớt lờ lô gích đơn giản này, mà thay vào đó khăng khăng biến Assad thành quỷ dữ. Tuy nhiên, ngay cả quỷ dữ cũng muốn chiến thắng, và một vụ tấn công hóa học do Assad chủ mưu vào lúc này chỉ đe dọa chiến thắng đang tới gần của ông.

Hiển nhiên là không có chút động cơ thuyết phục nào để Assad phải viện đến thứ vũ khí chết chóc ấy.

Giờ đây tại Washington người ta đang phải đối diện với tình huống chưa từng có, khi Trump - lúc còn là ứng viên tổng thống từng chỉ trích mọi dạng can thiệp quân sự mà nay ông lại ủng hộ, đang đối mặt với thách thức vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đặt ra cho văn phòng của mình bởi chính những cơ quan chính phủ mà theo lý ông có quyền điều hành.

Tổng thống Syria đến động viên quân lính tại Đông. Ảnh: EPA
Tổng thống Syria Assad đến động viên quân lính tại Đông Ghouta. Ảnh: EPA
Vốn đã bị suy yếu trước hàng loạt bê bối gắn với các cáo buộc thông đồng với Nga cũng như chi tiết về quá khứ tình dục chẳng mấy hay ho, thì nay cuộc vây ráp mới đây nhằm vào văn phòng của Michael Cohen và vi phạm các đặc quyền của luật sư-khách hàng đã mở toang cánh cửa để có thể luận tội Trump.

Những sự việc này cũng trùng khớp với động thái cất nhắc John Bolton, một kẻ diều hâu khét tiếng bị ám ảnh bởi những cuộc xung đột không hồi kết, vào chiếc ghế cố vấn an ninh quốc gia. Do vậy, có thể nói đã có đủ nền tảng cho sự leo thang can thiệp quân sự lâu dài của Mỹ tại chiến trường Syria.

Mỹ không hưởng lợi

Đây là thời điểm mà mỗi người Mỹ nên tự hỏi, chính xác thì họ được lợi gì trong cuộc chiến tại Syria? Liệu an ninh của nước Mỹ, hay đúng hơn là an ninh của phương Tây có được cải thiện bằng sự leo thang quân sự tại Syria?

Rõ ràng, bằng chứng của nhiều năm trước khi rối ren tại Syria tạo ra làn sóng di cư vào châu Âu theo mệnh lệnh của Thủ tướng Đức đã chứng tỏ điều ngược lại.

Lịch sử gần đây cho thấy, chiến tranh sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều người di cư, nhiều mớ hỗn độn, nhiều chủ nghĩa cấp tiến và nhiều cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố hơn mà thôi.

Liệu lật đổ chế độ của Assad có cải thiện hòa bình trong khu vực? Một lần nữa, bằng chứng lại cho thấy không như vậy. Dù có những sai lầm nhất định, song chính quyền của Assad lại là một lực lượng ủng hộ chủ nghĩa thế tục trong một khu vực mà chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang hoành hành.

Một đất nước Syria vắng bóng Assad sẽ giống như một sân khấu hỗn độn, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những kẻ cực Hồi giáo khác sẽ lấp đầy khoảng trống quyền lực, biến nước này thành nơi đào tạo các phần tử khủng bố tương lai - những kẻ rồi đây có thể sẽ đến và gây ám ảnh cho Mỹ cũng như các nước phương Tây.

Thực tế, chúng ta đã chứng kiến vòng tròn quy luật này vô số lần trước đây, tại Afghanistan, Iraq và Libya, và giờ đây điều cần thiết là chớ tái diễn sai lầm.

Cuộc chiến tại Syria có tăng sự thịnh vượng của Mỹ? Một lần nữa, Mỹ phải tự nhắc mình rằng trong số 6 nghìn tỷ USD mà họ đã bỏ ra trong cuộc chiến Iraq có thể là một trong những sai lầm địa chính trị lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Theo ngân sách liên bang Mỹ 2017, chi tiêu cho chăm sóc y tế và sức khỏe hết 1,17 nghìn tỷ USD, vận tải là 109 tỷ USD, giáo dục 85 tỷ USD và khoa học 32 tỷ USD. Những con số này bị nuốt chửng khi đặt cạnh con số chi cho cuộc chiến Iraq.

Báo Asia Times

Chừng ấy tiền đáng lẽ đã có thể chi cho bảo hiểm y tế phổ cập, một hệ thống đường sắt cao tốc quốc gia, cải tiến hệ thống giáo dục và tăng sự hỗ trợ của chính phủ cho hoạt động nghiên cứu khoa học thêm nhiều lần.

Sự kiêu ngạo của một đế chế

Trong giai đoạn nợ công của Mỹ vượt 21 nghìn tỷ USD, kinh tế ngày một bất ổn giữa lúc mức sống tăng lên và sự chia rẽ kinh tế và xã hội chưa từng có xảy ra, gây thách thức với xã hội Mỹ, một cuộc chiến Syria không nên có mặt trong danh sách ưu tiên của nước này.

Thêm một cuộc chiến tại Trung Đông, để Mỹ lật đổ thêm một chính quyền thế tục nhằm tạo khoảng trống quyền lực cho các phần tử Hồi giáo cực đoan, sẽ không cải thiện an ninh cho dân chúng Mỹ, mà ngược lại còn gây nhiều tổn hại.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman đã rời căn cứ Norfolk ở Virginia và đang trên đường đến Trung Đông.
Tàu sân bay USS Harry S. Truman đã rời căn cứ Norfolk ở Virginia và đang trên đường đến Trung Đông.
Thêm một cuộc chiến Trung Đông sẽ không tăng thịnh vượng cho Mỹ mà cũng chỉ đem lại nhiều tổn thất. Nó sẽ tăng đáng kể nợ công của Mỹ, giảm các nguồn lực giá trị đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng yếu vốn dĩ cần thiết để duy trì sự cạnh tranh kinh tế.

Thêm một cuộc chiến Trung Đông sẽ đưa Mỹ vào thế đối diện với bờ vực chiến tranh với Nga, một cường quốc hạt nhân, để được điều gì? Để Mỹ có thể sắm vai phân xử và chọn người lãnh đạo trong những cuộc tranh đấu địa chính trị không dứt giữa Iran, Saudi Arabia và Israel, ở khu vực cách xứ cờ hoa hàng nghìn kilomet?

Lịch sử chứng minh rằng đế chế càng kiêu căng, ngạo nghễ càng dễ sụp đổ. Bằng việc bành trướng sức mạnh thái quá và chủ nghĩa mạo hiểm liều lĩnh vốn thường được giới tinh hoa thao túng bằng những màn sương mờ của cảm xúc và cơn giận để khích động công chúng ủng hộ những mục đích xa hơn của mình, các đế chế đã đặt chân vào cuộc hành trình dài dẫn đến sự sụp đổ.

Trong thời đại thông tin như hiện nay, chẳng có lý do gì biện bạch cho sự thiếu hiểu biết. Không gì có thể biện minh cho một công dân ủng hộ nỗ lực quốc gia nhưng đe dọa lợi ích của chính họ.

Cuộc chiến Syria rõ ràng không đem lại lợi lộc gì cho Mỹ, và một sự leo thang quân sự lớn sẽ chỉ dẫn tới những hậu quả thảm khốc.

Tin mới