Cái giá phải trả của người đàn bà mê cờ bạc, 21 năm vào tù ra tội

(Baonghean.vn) -Vướng lao lý từ năm 21 tuổi, từ đó đến nay, Phạm Thị Phú liên tục ăn “cơm tù" nhưng “của thiên trả địa”, tất cả tài sản, tiền bạc bất hợp pháp mà Phú kiếm được đều tiêu tan.

42 tuổi, nhưng Phạm Thị Phú, trú phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) đã có 21 năm sống trong cảnh vào tù, ra tội.

Một nửa số tuổi của đời người hành nghề trộm cắp nhưng cho đến bây giờ, Phú vẫn chưa có tài sản gì trong tay, kể cả một mái ấm nhỏ, khi đã bắt đầu bước qua bên kia sườn dốc cuộc đời.

Tài sản duy nhất mà thị có là một đứa con chưa đầy 6 tháng tuổi. Phú hồn nhiên “khoe” đứa con ấy đã cứu bản thân tạm hoãn xét xử một vụ trộm cắp tài sản.

Phạm Thị Phú tại tòa. Ảnh
Bị cáo Phạm Thị Phú tại tòa. Ảnh: Trần Vũ
Trước khi bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản vào một ngày giữa tháng 5 năm 2019, Phạm Thị Phú từng có 7 tiền án liên quan đến tội danh này. Năm 2013, Phú bị tuyên phạt mức án 5 năm tù cũng vì tội danh trên. Ra tù chưa lâu, máu bài bạc vẫn cồn cào trong người đàn bà này. Không nghề nghiệp, không tiền bạc, Phú tiếp tục ngựa quen đường cũ.

Lần này, Phú chọn thời điểm giữa đêm khuya để đi tìm “con mồi”. Đó là vào 0h30 phút, ngày 10/11/2018, Phú bắt xe taxi từ nhà lên TP Vinh, tìm đến các nhà nghỉ, khách sạn để “hành nghề”.

Sau khi đột nhập vào một khách sạn trên Đại lộ Lê Nin, Phú đi lên tầng 5, lẻn vào phòng nghỉ của vị khách ngoại quốc lấy đi một số ngoại tệ gồm: 500 USD, 700 EURO, 10.000 Bath Thái và 2,8  triệu đồng. Tổng số tiền mà Phú lấy trộm của người đàn ông nước ngoài gần 40 triệu đồng. Để không bị người khác nghi ngờ, Phú chia nhỏ số tiền trên, mang đi đổi sang tiền Việt Nam cho nhiều người không quen biết, tại các địa điểm khác nhau.

Tòa hỏi bị cáo: “Tiền trộm được bị cáo sử dụng vào mục đích gì?” Phú khai “đi đánh bạc”. Nữ chủ tọa nghiêm giọng: “Bị cáo có biết đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật không? Hơn nữa, bị cáo đã nhiều lần ngồi tù, bị cáo xem thường pháp luật à?”. Đến lúc này, Phú cúi mặt xuống lí nhí “bị cáo trộm cắp để nuôi con”.

Tuy nhiên, Tòa phân tích, bị cáo phạm tội từ năm 1998. Sau đó liên tục tái phạm dù từng phải chịu nhiều mức án khác nhau. Do vậy, việc bị cáo nói đi ăn trộm để nuôi con là không hoàn toàn đúng vì con của bị cáo hiện mới 6 tháng tuổi. Bị cáo suy nghĩ thế nào về việc làm của mình?

Đến đây, Phú nhận lỗi và xin tòa giảm nhẹ để về với con. “Con của bị cáo còn nhỏ, bị cáo chỉ sợ trong thời gian ngồi tù con không được ai chăm sóc, dạy bảo sẽ hư hỏng”, Phú trình bày. Tòa nói: Nếu bị cáo biết nghĩ đến con, tại sao lại cứ trộm cắp như vậy? Lúc này, Phú lí nhí: “bị cáo biết mình sai rồi”.

Rồi Phú trần tình trước HĐXX: “Bị cáo nghĩ rồi, khi nào phải đi thi hành án, bị cáo sẽ gửi con vào trại trẻ mồ côi. Ra tù, bị cáo sẽ nhận lại con, kiếm cái nghề gì đó lương thiện để nuôi con”.

Trong quá trình xét xử thỉnh thoảng bị cáo ngoái lại phía sau tìm người thân. Ảnh: Trần Vũ
Trong quá trình xét xử thỉnh thoảng bị cáo ngoái lại phía sau tìm người thân. Ảnh: Trần Vũ

Bên hành lang tòa, Phú cho biết đứa con nhỏ là “thành quả” của cuộc tình với người đàn ông tuổi ít hơn Phú 2 con giáp. Cả hai quen nhau trong những lần Phú nhờ người đó chở đi công việc. Nghĩ đã có tuổi, Phú quyết định tìm cho mình đứa con nương tựa tuổi già. Và đứa trẻ ấy đã chào đời...

Sau khi biết chuyện, nam thanh niên trẻ tuổi ấy có tìm đến xin nhận cha con, nhưng Phú không cho. “Đơn giản vì không muốn ràng buộc gì, hơn nữa mình án chồng án, nghề ngỗng không có nên không muốn trở nên gánh nặng cho họ”, Phú nói về quyết định nuôi con một mình.

Nhắc đến con, đôi mắt người đàn bà này lại ánh lên rạng ngời. “Vì con, tôi sẽ thay đổi”, Phú hứa.

Với tội “Trộm cắp tài sản” có tình tiết tăng nặng là tái phạm, HĐXX tuyên phạt Phạm Thị Phú 2 năm tù. Sau khi nghe mức án, mặt Phú thoáng chút đăm chiêu “Tôi đi tù nhiều rồi, cũng đã quen nhưng nghĩ thương con. Mẹ tôi đã già rồi, anh trai đã mất, bố đứa trẻ hiện đang đi XKLĐ ở Đài Loan. Chỉ thương đứa con nhỏ không có ai chăm sóc...”.

Tin mới