Cái kệ tĩnh tâm

CÁI KỆ TĨNH TÂM

Tôi có người bạn vốn không phải là người quá duy tâm, thế mà hôm nọ đến nhà chơi thấy đang loay hoay đóng bàn thờ. Tôi không khỏi ngạc nhiên thì bạn tôi đã giải thích:

– Đây không phải bàn thờ đâu, bàn thờ gia tiên ở nhà bố mẹ tôi, tôi cũng không thờ thần Phật. Cậu cứ nghĩ đây là cái kệ tĩnh tâm cũng được!

Không giải thích thì còn đỡ, càng giải thích tôi càng thấy rối rắm. Sao bàn thờ lại không thờ ai, nói thế khác gì báng bổ tâm linh? Chẳng phải người ta thờ cúng gia tiên hay thần Phật là để thể hiện lòng thành kính, để được chở che khỏi những thứ bất trắc, nhận về những gì tốt đẹp hay sao?

– Tôi lại không nghĩ thế. Những điều may mắn, tốt đẹp đến với chúng ta trong cuộc sống không phải do đấng thần linh hay tổ tiên nào chứng giám ban cho, mà là kết quả của nhân sinh quan của mình, do chính mình mang đến.

Bạn tôi vừa khoan tường để đóng “kệ tĩnh tâm”, vừa thản nhiên trả lời.

– Người ta hay nói “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” theo cách hiểu là nhân quả có sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đời cha mẹ làm những chuyện không tốt thì đời con cái phải chịu quả báo, nói nôm na là “nghiệp quật”. Hoặc ngược lại, “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con” được hiểu là cha mẹ sống tốt sẽ để lại cho con cái quả ngọt về sau. Nhìn chung những quan điểm này có vẻ đúng trong thực tế, nhưng thật ra chúng ta lại đang hiểu sai bản chất vấn đề. Cái gọi là “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” thực chất là đời cha ăn mặn thì đời con cũng ăn mặn, khát nước là do chính mình cũng ăn mặn mà thôi. Nhân quả có thật, nhưng chúng ta xác định sai cái nhân nào dẫn đến cái quả trước mắt. Nghiệp ai người nấy chịu, những bất trắc hay may mắn đến với ta trong cuộc đời hữu hạn này là kết quả của một chuỗi hành động phản ánh nhân sinh quan của ta trước đây, bây giờ và mai sau. Nhân sinh quan đúng đắn thì cây đời cho quả ngọt, nhân sinh quan lệch lạc thì cho quả đắng. Mà nhân sinh quan của con cái lại hay bị ảnh hưởng, chi phối và kế thừa từ nhân sinh quan của cha mẹ. Thế nên nói bố mẹ để đức cho con cũng không có sai, nhưng là nguyên nhân gián tiếp chứ không trực tiếp như ta vẫn nghĩ.

Nói nghe cũng có lý! Nhưng tôi lại thắc mắc, chuyện này liên quan gì đến việc tự nhiên bạn tôi lập bàn thờ, à nhầm, “kệ tĩnh tâm”?

– Bàn thờ cũng được, kệ tĩnh tâm cũng được. Nhìn vào giống nhau, trong lòng mỗi người lại khác. Có người lập bàn thờ để thể hiện lòng thành kính với gia tiên, thần Phật. Có người lập bàn thờ để mưu cầu lợi ích. Còn tôi không thờ thực thể nào, tôi “thờ” bản ngã của chính mình. Thường nói đường chỉ tay phản ánh vận mệnh, mở tay ra nhìn thấy cả cuộc đời, nắm tay lại chẳng phải cuộc đời vẫn nằm trong lòng bàn tay ta đó sao? Có cái góc này để tạo cho mình một thói quen, một sự ràng buộc, một thứ trách nhiệm. Để một tháng có hai ngày đối diện với chính mình, gác bỏ mọi thứ lại mà tự vấn. Bởi ngay cả người kiên định nhất cũng có lúc quên mất bản ngã của mình.

Tôi im lặng không hỏi gì nữa, vì tôi cũng đang chờ câu trả lời cho chính mình.