Khoa Xây dựng - Trường Đại học Vinh:

'Cái nôi' nghiên cứu, đào tạo nhân lực ngành xây dựng

(Baonghean.vn) - Với bề dày truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, Khoa Xây dựng - Trường Đại học Vinh lưu dấu ấn biết bao thành tích đáng tự hào về nghiên cứu khoa học và đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư xây dựng. Thực hiện sứ mệnh “trồng người”, khoa nỗ lực phấn đấu trở thành trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân lực ngành Xây dựng của cả nước.

Bề dày truyền thống

Khoa Xây dựng - Trường Đại học Vinh tiền thân là Khoa Công nghệ, được thành lập năm 2002 - ngành ngoài sư phạm được thành lập đầu tiên, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới đa ngành, đa lĩnh vực của Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 2010 là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển mới của khoa khi tách Khoa Công nghệ và thành lập Khoa Xây dựng.

Quy mô đào tạo của Khoa Xây dựng tăng lên hàng năm. Ảnh: P.V
Quy mô đào tạo của Khoa Xây dựng tăng lên hàng năm. Ảnh: P.V

Hành trình xây dựng, phát triển khoa trải qua nhiều khó khăn, từ những ngày đầu thành lập mới chỉ 9 cán bộ, công chức, Ban Chủ nhiệm khoa mới chỉ có 1 đồng chí, tập thể cán bộ, giảng viên quyết tâm cao, đoàn kết chung sức, đồng lòng vượt khó để hoàn thành mục tiêu xây dựng khoa theo hướng đa dạng hóa chuyên ngành đào tạo và phát triển nhanh, nhằm đáp ứng đòi hỏi về nguồn nhân lực và yêu cầu xã hội.

Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên luôn được Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm khoa xác định là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự thành bại trong sự nghiệp đào tạo. Đội ngũ cán bộ gồm 45 giảng viên, 2 cán bộ hành chính. Đội ngũ giảng viên phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng với 1 giảng viên đạt học hàm PGS, 16 TS (35%) và 100% giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên. Đây là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận đối với khối ngành kỹ thuật. Nhiều cán bộ của khoa xây dựng đã có mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học thường xuyên với các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Một trong những nét truyền thống của Khoa Xây dựng là gắn chặt công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với việc bồi dưỡng cán bộ. Trong suốt hành trình phát triển, thầy và trò của Khoa Xây dựng luôn say mê với công tác nghiên cứu khoa học, minh chứng là đã có hơn 400 công trình công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế. Hàng năm, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp trường do cán bộ của khoa chủ trì đều được triển khai thành công, nghiệm thu xếp loại tốt. Nhiều cán bộ trẻ và sinh viên giỏi của khoa đã được cử đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở các trường đại học nước ngoài. 

Sinh viên thực hành tại phòng thực hành của Khoa. Ảnh: PV
Sinh viên thực hành tại phòng thực hành của khoa. Ảnh: P.V

Cùng với chú trọng bồi dưỡng đội ngũ, Ban Chủ nhiệm khoa còn đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học. Khoa đã xây dựng phòng thực hành 1.500 m2, với quy mô chuyên nghiệp, gồm các khu thí nghiệm vật liệu xây dựng, cơ nền móng, thí nghiệm công trình, thực tập nghề và các xưởng thiết kế. Đồng thời, khoa không ngừng đổi mới chương trình đào tạo và liên kết đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ sư xây dựng.

Bên cạnh đó, khoa “bắt tay” hợp tác với nhiều đơn vị đầu mối về đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hiện dự án, như: Khoa Xây dựng - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông vận tải… cùng các trường đại học đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Autralia… Khoa còn được sự hỗ trợ và phối hợp đào tạo từ các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Trung Bộ, như: Công ty CP Tư vấn Quản lý dự án xây dựng Miền Trung (TVMT), Công ty CP Tây An; Công ty CPĐT Xây dựng và Thương mại trẻ; Công ty Đầu tư thương mại và Xây dựng 389; Công ty CP TV Quảng Bình; Công ty TNHH Xây dựng Công nghiệp CIC.

Khoa ký kết phối hợp với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ trong công tác đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên.
Khoa ký kết phối hợp với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ công tác đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên.Ảnh: P.V

Đây chính là các doanh nghiệp “vệ tinh” hỗ trợ khoa trong việc đào tạo kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên và là các địa chỉ làm việc tin cậy của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, khoa cũng đã thành lập Quỹ “Dự án học tập”, với mục đích là cung cấp cho Dự án “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.

Phương pháp đào tạo trọng tâm của khoa là lấy sinh viên làm trung tâm, chú trọng xây dựng các kỹ năng mềm, đồng thời, đào tạo gắn kết với doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp xã hội. Khoa còn liên kết đào tạo với các trường đại học trong hệ thống như: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải… Trong thời gian qua, khoa đã có nhiều lần phát triển chương trình, đặc biệt là chương trình đào tạo “Xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến theo định hướng nghề nghiệp”, lần thay đổi thứ 2 là tiếp cận CDIO, với phương pháp này, người học được tiếp cận với thực tế hiện trường, công trường. Khoa còn tạo điều kiện cho các sinh viên năm cuối thực tập nghề nghiệp tại các cơ quan, doanh nghiệp; từ đó nâng cao năng lực chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn làm hành trang vững chắc phục vụ công việc tương lai.

PGS.TS Trần Ngọc Long - Trưởng Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh

Nhìn lại chặng đường đã qua, từ một chuyên ngành kỹ thuật xây dựng, Khoa Xây dựng đã có bước phát triển rực rỡ cùng với sự phát triển chung của Trường Đại học Vinh, đến nay, quy mô đào tạo của khoa được mở rộng với 4 ngành đào tạo trình độ đại học (Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kinh tế xây dựng và Kỹ thuật công trình thủy), 1 ngành đào tạo thạc sĩ, đã đáp ứng đủ điều kiện để đào tạo tiến sỹ. Khoa trở thành một trong những khoa có số sinh viên đông đảo trong mái nhà chung Trường Đại học Vinh; với tổng số sinh viên của 2 hệ chính quy và vừa học vừa làm và học viên cao học là hơn 1.000 sinh viên và quy mô đào tạo tăng lên từng năm.

Với những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy - học, chất lượng đào tạo của khoa ngày càng được khẳng định. Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm định giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên Khoa Xây dựng có việc làm trong 6 tháng đầu sau khi tốt nghiệp đạt 95,5%, sinh viên có việc làm phù hợp với chương trình đào tạo là 85,1%; thu nhập bình quân 9,4 triệu đồng/tháng.

Sinh viên Khoa Xây dựng - Trường Đại học Vinh thực tế tại các công trường xây dựng. Ảnh: P.V
Sinh viên Khoa Xây dựng - Trường Đại học Vinh thực tế tại các công trường xây dựng. Ảnh: P.V

Dấu ấn 20 năm - những thành tích đáng tự hào

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Khoa Xây dựng gặt hái được nhiều “quả ngọt” đáng tự hào là các thầy, trò của khoa trở thành nhà khoa học, nhà chuyên môn có uy tín, nhà lãnh đạo, quản lý giỏi của đất nước, cùng với hơn 5.000 kỹ sư xây dựng và 150 thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng có tay nghề cao đang công tác trong các cơ quan Trung ương, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước.

Những nỗ lực cùng đóng góp ý nghĩa của tập thể Khoa Xây dựng trong suốt 2 thập niên qua, được ghi nhận bằng những Bằng khen, giải thưởng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng 5 Bằng khen cho tập thể và cá nhân; Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng 2 Bằng khen; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng 3 Bằng khen; Đảng bộ Khoa Xây dựng liên tục được công nhận danh hiệu Đơn vị vững mạnh; Khoa nhiều năm được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

Sinh viên của khoa cũng đã tạo được những dấu ấn thành tích đáng tự hào khi 2 sinh viên đạt giải cao trong Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đội tuyển Olympic sinh viên Khoa Xây dựng đã đạt được tổng cộng 20 giải (trong đó, có 2 giải Nhất) trong các kỳ thi Olympic cơ học sinh viên toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Cơ học Việt Nam đồng tổ chức từ năm 2014 đến năm 2020.

Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Xây dựng - Trường Đại học Vinh.Ảnh: P.V
Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Xây dựng - Trường Đại học Vinh.Ảnh: P.V

Trải qua những tháng ngày gian khó, thành quả đạt được hôm nay in đậm quyết tâm và nỗ lực trong công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ Trường Đại học Vinh, của công lao phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, Ban Chủ nhiệm khoa và tập thể Khoa Xây dựng trong suốt 2 thập niên qua. Từ nền tảng vững chắc ấy, hành trình xây dựng Khoa Xây dựng thời gian tới, được thế hệ thầy và trò của khoa viết tiếp với những định hướng trọng tâm: Xây dựng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển quy mô đào tạo ở một tầm cao mới, mở rộng hợp tác trong nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường học tập của sinh viên tích cực thân thiện; phấn đấu phát triển toàn diện, xứng tầm địa chỉ hàng đầu trong đào tạo cán bộ, kỹ sư xây dựng của cả nước./.

Tin mới