Cái tát

Sự việc một cô giáo dạy lớp 6 ở Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng NinhQuảng Bình lệnh cho học sinh (HS) trong lớp tát vào mặt một HS vi phạm kỷ luật vào ngày 19/11/ 2018 là điều không mới. Bằng chứng là chỉ cần gõ mấy chữ “tát vào mặt học sinh” ở công cụ tìm kiếm Google thì chỉ trong 0,37 giây đã cho ra 9.460.000 kết quả. Chỉ cần lướt qua, chúng ta thấy rất đa dạng các đối tượng thực hiện hành vi: “thầy giáo tát”, “cô giáo tát”, “các học sinh trong lớp tát”, “học sinh tự tát”… và cũng rất phong phú các kiểu tát, nào là “tát lật mặt”, nào là “tát bôm bốp”, nào là “tát xối xả”…

Điều mới gây phẫn nộ trong dư luận có lẽ là, số lượng mà mỗi HS phải tát vào mặt bạn theo lệnh mà thực ra là lời đe của cô: “Mỗi em phải tát đủ 10 cái, bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị N. tát lại gấp đôi”. Và cô giáo là người bồi nhát cuối cùng đủ 231 cái tát để kết thúc một vụ hành hình tập thể trước sự chứng kiến của 23 học sinh ở độ tuổi 12, tuổi teen.

Khi những vụ việc như thế này được đưa lên báo, chủ thể thực hiện hành vi hoặc ra lệnh thực hiện hành vi là giáo viên thường giải thích và tìm nguyên nhân đổ lỗi. Nào là do giận quá mất khôn, nào là bức xúc không kiềm chế được, nào là bản thân đang chịu nhiều áp lực, gia đình có chuyện không vui …, còn lần này, với giáo viên ở Trường THCS Duy Ninh là đổ do áp lực về thành tích, Trường đang xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 mà lớp do cô chủ nhiệm còn có một số học sinh nghịch ngợm, các tiêu chí đặt ra không đạt được nên rất áp lực.

Nguyên nhân trực tiếp cô giáo và cả Hiệu trưởng của Trường nêu ra có tên là “bệnh thành tích” mà ngành giáo dục nhiễm đã lâu, hiện chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ta cũng không lạ gì những lúc, những nơi mà lớp học biến thành sân khấu. Giáo viên thành diễn viên, học sinh bất đắc dĩ cũng phải tham gia vào vở diễn bi hài kịch. Để có giờ thao giảng tốt, để có kết quả cuối năm đẹp, để địa phương này ngẩng cao đầu với địa phương kia, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã dùng những biện pháp phản giáo dục.

Vì sao “bệnh thành tích” không thuyên giảm? Mặc dù ngay từ năm 2006, khi vừa nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạoNguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trào “Hai không: Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”. Người ta không chịu chữa có phải bởi nó gắn liền với lợi ích của nhiều người? Mỗi một đối tượng trong hoạt động giáo dục có thể vừa là nạn nhân, lại vừa hưởng lợi. Thiệt hại cuối cùng là xã hội, là quốc gia khi phải dùng sản phẩm kém chất lượng hoặc tệ hơn là chẳng biết chất lượng thực hư thế nào đằng sau các bằng cấp, chứng chỉ, các bảng kết quả. Vụ việc gian lận điểm thi vào đại học do cán bộ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang thực hiện làm chấn động cả nước ngay đầu năm học là cú sốc mới khủng khiếp hơn so với cú sốc Trường THPT Phú Xuyên A năm 2006 và Trường THPT dân lập Đồi Ngô năm 2012 gây ra, cùng nhiều vụ việc khác khiến xã hội mất lòng tin vào các loại giấy chứng nhận của ngành giáo dục nước nhà.

Nguyên nhân của việc sử dụng bạo lực do áp lực thi đua, chạy theo thành tích là có thật, nhưng có thể đó chỉ là một cách ngụy biện. Trong trường hợp cụ thể của Trường THCS Duy Ninh theo báo chí phản ánh thì em N. vốn ban đầu không phạm lỗi gì liên quan đến thi đua cả. Em ấy chỉ nhắc tên tác giả bài hát khi thấy cô giáo ghi trên bảng, HS ngồi cạnh cho rằng N. có ý chửi tên mẹ bạn ấy nên mách cô giáo. Không điều tra thực hư thế nào, không xử lý để giải quyết mâu thuẫn giữa hai HS, lập tức, cô Thủy ra lệnh cho lớp, sau giờ học mỗi bạn phải tát N. 10 cái, bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị N. tát lại gấp đôi. Khi bạn cuối cùng kết thúc, quá uất ức, N. có chửi tục một câu, ngay lập tức cô Thủy bồi thêm một tát nữa khiến N. phải nhập viện cấp cứu. Việc đội Cờ đỏ nghe N. chửi tục và ghi tên lúc ra chơi ở sân trường là chi tiết khi thuật lại sự việc có báo viết, có báo không (bởi cho rằng đội Cờ đỏ có ghi một số lỗi của lớp nhưng không phải trường hợp của N. khiến cô giáo đã sẵn bức xúc).

Suy cho cùng, nguyên nhân là ở “chất lượng người” và chất lượng nghề của giáo viên. Giáo viên này, được biết không phải lần đầu thực hiện việc bắt HS tát vào mặt. Giáo viên này thiếu nhân tâm với trẻ nhỏ. Giáo viên này không có năng lực xử lý tình huống trong lớp học. Giáo viên này không có khả năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực, dấu hiệu của người chưa trưởng thành. Giáo viên này không đủ tiêu chuẩn đứng trên bục giảng. Phòng Giáo dục và đào tạo huyện đã có hành động kịp thời là chỉ đạo Trường THCS Duy Ninh đình chỉ công tác giáo dục đối với giáo viên này. Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình, ông Đinh Quý Nhân cũng phát biểu với báo chí ngay trong cuộc họp chiều thứ 7 (24/11) là vụ cô giáo phạt học sinh 231 cái tát là rất nghiêm trọng vi phạm đạo đức nhà giáo và sẽ có hình thức xử lý để đảm bảo không bao giờ xảy ra trường hợp tương tự. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, bà Nguyễn Thị Nghĩa cũng yêu cầu Sở sớm có báo cáo kết luận về vụ việc.

Việc tát vào mặt HS dù đã xảy ra nhiều năm nay, hậu quả là rất lớn và lâu dài với thể chất, đặc biệt là tâm lý và sự hình thành nhân cách của HS, cũng như bản thân giáo viên phải nhận những hình thức kỷ luật thích đáng, nhất là bản kỷ luật của lương tâm. Ngay trong thời gian này Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục, đặc biệt có nhiều quy định liên quan đến chuẩn mực, đạo đức nhà giáo. Tất cả các lỗi như chửi, xúc phạm, đánh học sinh… đều bị quy thành tiền, “đánh” trực tiếp vào túi tiền của giáo viên nếu vi phạm. Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Ngoài ra, nếu vi phạm, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng.

Lẽ nào giáo viên không biết những quy định này?

Bạo lực học đường, hồi chuông đã vang rền mà sao có những giáo viên vẫn giả như không nghe thấy?

Lý luận và thực tiễn giáo dục đều cho thấy, giáo dục chỉ thành công khi người dạy thực sự yêu thương và tôn trọng người học.

Lỗ hổng con người do vét điểm sàn trong tuyển sinh những năm qua, do không khảo sát lý do chọn nghề, do không được trang bị đủ kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, thiếu kiến thức tâm lý, kiến thức pháp luật, do thu nhập thấp… đang là thách thức lớn nhất của ngành trước công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.