Cải tổ IMF: Thức thời

(Baonghean) - Việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn những biện pháp cải tổ đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cuối tuần qua được xem là một động thái cần thiết trong bối cảnh những yếu tố bên trong và bên ngoài đã thay đổi. Cục diện mới yêu cầu IMF phải có những thích ứng tốt hơn dựa trên cán cân tiềm lực của các thành viên.

Sự trông đợi bị trì hoãn

Với sự cho phép, IMF đã có thể cải tổ để giành nhiều quyền hơn cho các nền kinh tế mới nổi.
Với sự cho phép, IMF đã có thể cải tổ để giành nhiều quyền hơn cho các nền kinh tế mới nổi. Ảnh: Internet.

Thực tế, chương trình cải tổ IMF vừa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn đáng ra có hiệu lực từ cách đây 3 năm. Nó đã được 188 nước thành viên được thông qua năm 2010 - 2 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và được kỳ vọng có hiệu lực vào năm 2012, thế nhưng vẫn chưa thể được triển khai vì bị ách lại tại Quốc hội Mỹ.

Mỹ - một trong những quốc gia sáng lập IMF, kiểm soát 16,7% quyền bỏ phiếu tại cơ quan này. Điều này khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới có quyền phủ quyết đáng kể đối với các sáng kiến quan trọng, bởi các nội dung cải tổ cần nhận được 85% đồng thuận để thông qua.

Nhằm củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại tổ chức tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu này, chính quyền Tổng thống Obama đã nhiều lần hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch đóng góp 63 tỷ USD cho IMF để triển khai chương trình cải tổ tổng thể, trong bối cảnh các nước thành viên còn lại của IMF đều đã thông qua kế hoạch này.

Và sau rất nhiều chờ đợi thì Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn kế hoạch, cũng là một phần trong gói dự luật chi tiêu liên bang và giảm thuế trị giá 1.800 tỷ USD lần lượt được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua và đã được Tổng thống Barack Obama ký ban hành thành luật.

Mục đích của các cải tổ IMF là cho phép các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ... có tiếng nói lớn hơn trong thể chế này. Theo đó, quyền bỏ phiếu của Trung Quốc tăng gần gấp đôi, từ 3,8% lên mức 6%. Điều tương tự cũng được giành cho Ấn Độ khi quyền bỏ phiếu của nước này cũng tăng nhẹ lên mức 2,6% từ mức 2,3%. Trong khi đó, Mỹ chấp nhận giảm 0,2% quyền bỏ phiếu của mình xuống còn 16,5%, nhưng vẫn được bảo lưu quyền phủ quyết.

Ngoài ra, cải tổ cũng yêu cầu tăng gấp đôi nguồn tài chính của IMF lên 660 tỷ USD. Những thay đổi này được xem là lần thay đổi lớn nhất trong lịch sử hơn 70 năm của IMF - tổ chức được lập ra sau Hội nghị Bretton Woods năm 1944, nhằm xác lập trật tự kinh tế thế giới hậu Chiến tranh thế giới thứ hai.

Xu thế không thể chối bỏ

Tổng giám đốc IMF bà Christine Lagarde là người tích cực thúc đẩy các cải cách bên trong tổ chức quốc tế này
Tổng giám đốc IMF bà Christine Lagarde là người tích cực thúc đẩy các cải cách bên trong tổ chức quốc tế này. Ảnh: Internet.

Không phải ngẫu nhiên mà các nghị sĩ Quốc hội Mỹ lựa chọn thời điểm này để thông qua một quyết định quan trọng đối với IMF, cũng như vai trò của Mỹ với tư cách là “đầu tàu” của nền kinh tế toàn cầu. Lý do là sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hồi tháng 6 năm nay do Trung Quốc khởi xướng và có sự tham gia của 57 nước. Thể chế mới này được thành lập trong một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tìm kiếm một vai trò tương xứng hơn với những đóng góp của mình.

AIIB dù còn đang trong giai đoạn sơ khai nhưng vẫn được coi là thách thức trực tiếp của Bắc Kinh đối với IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), hai thể chế tài chính vốn lâu nay bị xem là là “sân chơi” độc quyền của Mỹ. Và vì thế, Mỹ có lý do để mà lo lắng.

Trong khi đó, việc Chính phủ và Quốc hội Mỹ lần lữa thông qua những cải tổ IMF suốt 5 năm qua khiến cho uy tín của Mỹ cũng bị ảnh hưởng phần nào. Hồi tháng 4, trong Hội nghị thường niên của IMF, nhóm các nước đang phát triển (G24) đã chỉ trích Quốc hội Mỹ cố tình trì hoãn chương trình cấp hạn ngạch và cải tổ tổng thể IMF.

Theo G24, việc các nhà lập pháp Mỹ tiếp tục trì hoãn chương trình do IMF đưa ra từ năm 2010 làm giảm hiệu quả hoạt động cũng như hạ thấp uy tín của tổ chức cho vay lớn nhất toàn cầu này. Sự thiếu hợp tác của các nghị sĩ đồi Capitol đối với chương trình nhằm mang lại nhiều quyền lợi hơn cho các nền kinh tế mới nổi đã khiến G24 thất vọng.

Dù không muốn chấp nhận nhưng nước Mỹ đang phải đối diện với thực tế thế giới đã thay đổi. Nếu không thức thời chấp nhận và hợp tác, nước Mỹ sẽ mất nhiều hơn được trong các mối quan hệ toàn cầu và trong các lợi ích chiến lược.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự lưỡng lự của Mỹ suốt 5 năm qua là vì cường quốc số một thế giới dường như đang mắc kẹt trong hệ thống Bretton Woods với hai trụ cột là IMF và WB, luôn đặt đồng USD nằm ở trung tâm. Hệ thống Bretton Woods đã giúp xác lập và áp đặt uy quyền địa chính trị của Mỹ trong các thể chế toàn cầu và gạt cường quốc thực dân cũ là Anh ra ngoài.

Tuy nhiên, hệ thống này, với sự pha trộn của chủ nghĩa đa phương tự do và những chính sách kinh tế thị trường cũng có những lỗ hổng to lớn. Nó đã trở thành mục tiêu hứng chịu sự chỉ trích từ phần còn lại phần còn lại của thế giới như là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

dù còn đang trong giai đoạn sơ khai nhưng vẫn được coi là thách thức trực tiếp của Bắc Kinh đối với IMF
AIIB dù còn đang trong giai đoạn sơ khai nhưng vẫn được coi là thách thức trực tiếp của Bắc Kinh đối với IMF. Ảnh: Internet.

Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đã khéo léo sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng trên toàn cầu nhằm tạo ra trật tự kinh tế mới, trong đó đồng USD không còn vai trò tối cao. Và Trung Quốc bước đầu đã tạo nên những đối trọng đáng kể đối với quyền lực của Mỹ.

Sự kháng cự của Mỹ, ví dụ như phản đối gay gắt việc thành lập AIIB, hay những cáo buộc thao túng tiền tệ của Trung Quốc có thể làm xói mòn hình ảnh của nước Mỹ và gia tăng ảnh hưởng cho Bắc Kinh. Điều đó chẳng khác nào lợi bất cập hại, thậm chí có thể khiến Washington mất khả năng định hình trật tự mới.

Nước Mỹ đã và đang phải chấp nhận xu hướng chung đó là quyền lực đang lên của Trung Quốc, thông qua những thể chế như AIIB. Và vì thế, các nhà lãnh đạo IMF và WB còn muốn đi xa hơn khi khẳng định, sẵn sàng tăng cường hợp tác với thể chế non trẻ này, nhằm phát huy những tiềm năng to lớn trong khu vực.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim đánh giá, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển là rất lớn, đặc biệt tại châu Á và đây là cơ hội lớn đối với AIIB. WB với kinh nghiệm của mình, sẵn sàng trợ giúp AIIB.

Còn Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng đề xuất thành lập một thể chế tài chính chuyên biệt với sứ mệnh thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực là một gợi ý hấp dẫn. IMF ủng hộ việc các nền kinh tế mới nổi thành lập một định chế đa phương và luôn sẵn sàng hợp tác với AIIB trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội Mỹ chính thức thông qua việc cải tổ IMF cũng có thể coi là thức thời.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới