Cấm cung cấp thông tin xúc phạm danh dự từ 1/7/2018

Những quy định mới được bổ sung tại Luật Tiếp cận thông tin vừa được Quốc hội thông qua...

Đại biểu bấm nút thông qua Luật Tiếp cận thông tin
Đại biểu bấm nút thông qua Luật Tiếp cận thông tin

Luật Tiếp cận thông tin vừa được Quốc hội thông qua ngày 6/4.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong qúa trình thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm cung cấp thông tin nhạy cảm liên quan đến trẻ em gái, thông tin gây kỳ thị về giới.

Theo báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút, thông tin nhạy cảm liên quan đến trẻ em gái là nạn nhân của nạn buôn người, mại dâm... là các thông tin nếu cung cấp sẽ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. 

Nội dung này đã được quy định nghiêm cấm cung cấp như quy định tại khoản 3 điều 11 của dự thảo luật.

Còn với thông tin gây kỳ thị về giới, tiếp thu ý kiến đại biểu, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung nội dung này vào điều cấm cung cấp tại điều 11.

Cụ thể, khoản 3 điều 11 nghiêm cấm: “Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức".

Phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin cũng là nội dung đươc giải trình tại báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo nêu rõ, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với các cơ quan nhà nước ngoài việc cung cấp thông tin do mình tạo ra, thì còn phải cung cấp thông tin do mình nắm giữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin.

Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là để bảo đảm tính khả thi của luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm (bắt buộc) cung cấp thông tin do mình tạo ra. 

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tiếp thu ý kiến đại biểu, uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định khuyến khích cơ quan nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Với ý kiến đề nghị cần bỏ quy định khi yêu cầu cung cấp thông tin phải nêu rõ “Lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin, Uỷ ban Thường vụ Quốc hôi chỉ giải trình mà không tiếp thu.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định công dân phải nêu lý do, mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin nhằm tăng cường trách nhiệm của công dân, hạn chế hành vi lạm dụng, lợi dụng việc tiếp cận thông tin làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan.

Đề nghị bổ sung hình thức cung cấp thông tin qua điện thoại cũng không được chấp nhận với lý do việc cung cấp qua hình thức điện thoại rất dễ bị sai lệch thông tin và không bảo đảm tính pháp lý, có thể dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này

Tiếp thu ý kiến đại biểu luật cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chi phí tiếp cận thông tin thay vì giao cho Chính phủ.

Gồm 5 chương, 36 điều, Luật Tiếp cận thông tin sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Theo Vneconomy.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới