Cam Xã Đoài đứng trước nguy cơ thất truyền?

(Baonghean) - Những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa thông tin về việc cam Xã Đoài có giá 70 - 100 nghìn đồng/quả. Chúng tôi đã tìm về xã Nghi Diên (Nghi Lộc) - “thủ phủ” của giống cam Xã Đoài để “mục sở thị” loài nông sản nức tiếng đất Nghệ An bấy lâu.
Không phải ai ở Nghệ An hay thậm chí là ở huyện Nghi Lộc cũng từng một lần trong đời được nếm thử vị ngọt sánh và mùi hương đặc trưng của cam Xã Đoài. Đơn giản vì diện tích cam Xã Đoài “gốc” đã thu hẹp rất nhiều, thậm chí đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Cũng vì quý hiếm, nên thay vì bán bằng cân, những người trồng cam Xã Đoài còn lại bán và tính giá trên quả. Giá đắt, song cam Xã Đoài chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu khách mua.
Bà Nguyễn Thị Hòa (giữa) đếm cam giao cho khách mua.
Bà Nguyễn Thị Hòa (giữa) đếm cam giao cho khách mua.
Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Nguyễn Duy Hảo và bà Nguyễn Thị Hòa (xóm 9 - Nghi Diên) khi ông, bà đang bán hơn 100 quả cam cho khách hàng mua làm quà biếu. Vườn cam của gia đình ông Nguyễn Duy Hảo có 70 gốc cam giống Xã Đoài, gốc cam già nhất có “tuổi đời” 30 năm (từ năm 1974). Ông Hảo cho hay, vườn cam của gia đình có từ lâu đời, được chuyển giao từ đời ông nội, đến đời bố, nay đến đời ông và các con. Ông cũng khẳng định, chỉ có cam Xã Đoài trồng tại xã Nghi Diên mới sở hữu những giá trị đặc trưng riêng nhờ giống cam này “gắn” với thổ nhưỡng, chất đất và nguồn nước bản địa. Đã có nhiều người về Xã Đoài lấy giống đi trồng những nơi khác, nhưng chất lượng không thể bằng cam trồng tại bản xứ. Cũng có người thực hiện chiết ghép giống cam Xã Đoài và trồng ngay tại đây, nhưng cũng không đạt chất lượng như giống cam gốc. Cam Xã Đoài ngọt thơm còn là bởi không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chăm cây cam Xã Đoài trong thực tế cũng rất kỳ công. Ấy thế mà mỗi năm bình quân một gốc cam Xã Đoài nhiều nhất cũng chỉ “chịu” cho từ 40 – 50 quả. 
Hiện cam Xã Đoài giống “gốc” đang dần mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền. Cả vùng đất Xã Đoài ở xã Nghi Diên chỉ còn một vài hộ còn giữ được vườn cam đặc sản, còn nữa chỉ vài gốc/hộ. Nguyên nhân đầu tiên được xác định là nguồn đất vườn của các gia đình đang hạn hẹp dần, và người dân thì chưa mạnh dạn đầu tư đưa cam ra trồng ngoài đồng. Trong khi đó, theo trao đổi của ông Nguyễn Duy Hảo thì, Nghi Diên là vùng đất bán nông nghiệp, lớp trẻ hiện nay thường theo xu thế tìm kiếm việc làm thu tiền ngay; làm nông nghiệp, nhất là trồng cam e là khó theo đuổi, vì cây cam phải 3 – 4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch!
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghi Diên còn lại 3 vườn cam Xã Đoài chính gốc (ngoài vườn cam của gia đình ông Nguyễn Duy Hảo, còn có vườn cam của ông Phan Công Hưởng và trang trại của ông Nguyễn Quốc Tuấn). Được biết, đã từng có dự án phục tráng giống cam Xã Đoài, song không thực hiện được. Mặt khác, thương hiệu Cam Xã Đoài chính gốc chưa bao giờ được đăng ký bảo hộ, vì không đủ số lượng để đăng ký và không có để đưa ra bán rộng rãi trên thị trường. 
Nguồn lợi từ cam Xã Đoài đặc sản thì có thể tính toán rõ, nhưng để bảo tồn, phát triển giống cam này đang là bài toán khó đối với chính quyền xã Nghi Diên và người dân. Việc phục tráng giống cam quý này bây giờ cũng đã được coi là muộn. Tuy nhiên, muộn còn hơn không; vậy nên yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kích thích sự năng động của người dân, mạnh dạn đầu tư khôi phục vùng cam Xã Đoài đặc sản, nếu không trong tương lai không xa loại cam quý này chỉ còn là ký ức.
Tuấn Đào

Tin mới