Cán bộ biết rõ...

(Baonghean.vn) - Mới đây tại một huyện miền núi tỉnh ta đã tiến hành bàn giao hơn 7.000 ha rừng về cho dân sản xuất. Diện tích đất rừng này được thu hồi từ các nông, lâm trường.

Thực ra điều này không mới, rải rác nhiều năm qua, Nhà nước cũng đã có các chính sách thu hồi đất lâm nghiệp, đất rừng của các doanh nghiệp đưa về giao cho chính quyền địa phương, sau đó giao lại cho dân sản xuất. Chính sách này có khiến cho người dân mừng không? Mừng chứ. Bởi lẽ như dân bản mình đã nhiều năm nay chẳng được nhờ gì từ rừng cả.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc bàn giao các diện tích rừng về cho nhân dân chăm sóc và sản xuất. Ảnh tư liệu: Thu Hường
Lực lượng chức năng kiểm tra việc bàn giao các diện tích rừng về cho nhân dân chăm sóc và sản xuất. Ảnh tư liệu: Thu Hường

Xưa kia, người dân dựa hẳn vào rừng để tồn tại, mưu sinh. Từ cây gỗ dựng nhà, từ tấm ván đóng quan tài cho đến cây măng, cây rau đều trông cậy cả vào rừng núi. Về sau vì rừng và đất lâm nghiệp bị tàn phá mạnh quá nên Nhà nước siết chặt công tác quản lý, bảo vệ và khai thác. Mọi hoạt động liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp đều được điều chỉnh bằng các bộ luật. Cá nhân, tổ chức nào vi phạm đều bị xử lý. Tuy nhiên, nhiều người trong bản mình đều cho rằng, đối tượng phá rừng chủ yếu là đám lâm tặc dưới xuôi lên chứ người dân bản địa không có mấy người.

Khi Nhà nước quản lý, bảo vệ rừng nghiêm ngặt thì rất tốt cho hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ được lá phổi xanh cho rừng và chính con người. Tuy vậy, người dân miền núi như bản mình xưa nay sống nhờ vào nguồn lâm sản phụ cũng mất đi chỗ bấu víu quan trọng. Khi Nhà nước có các chính sách giao khoán rừng cho dân bảo vệ hoặc chi trả dịch vụ môi trường rừng, thì chẳng được là bao. Không nhà nào sống được bằng nguồn này. Dân bản mong được Nhà nước giao đất rừng để sản xuất, qua đó có thêm sinh kế ổn định cuộc sống, hạn chế bớt sự phụ thuộc vào các chính sách cứu trợ.

Và rồi ở nhiều địa phương, chính quyền và các công ty lâm nghiệp cũng đã bàn giao lại một số diện tích rừng để dân sản xuất. Tuy nhiên, những nơi mà nông, lâm trường trả lại thường là khu vực cằn cỗi, địa hình cheo leo núi đá, “hốc chõ”, xa khu vực sinh sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp lâm nghiệp biết là chỗ này, chỗ kia không quản lý được hoặc chẳng mang lại hiệu quả kinh tế nên “mạnh dạn bàn giao” cho địa phương. Tất nhiên, với những khu vực như thế chẳng mấy ai dám nhận. Nhận chẳng khác gì đâm đầu vào vách núi. Điều dân đã biết thì chắc hẳn cán bộ càng biết rõ hơn.