Cán bộ, công chức nhận quà từ 2 triệu đồng trở lên phải nộp lại cho cơ quan, đơn vị

Xây dựng liêm chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những trụ cột quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Đây là một chế định mới được quy định trong Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Quy định này trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật hiện hành bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh (từ Điều 23 đến Điều 26).

Đáng chú ý, liên quan đến tặng quà và nhận quà tặng, Dự thảo đã quy định theo hướng: "cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình". Đồng thời, để đảm bảo phòng ngừa tham nhũng cũng như đảm bảo tính khả thi, Dự thảo quy định: Cán bộ, công chức, viên chức nếu nhận được quà tặng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì phải nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và công khai danh tính của người tặng quà. Việc quản lý, sử dụng quà tặng được nộp lại thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. (Điều 28 Dự thảo xin ý kiến thẩm định).

 

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định mới về giáo dục liêm chính và trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện giáo dục liêm chính và coi đây là nền tảng quan trọng trong việc hình thành, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó nhằm phòng ngừa tham nhũng trong xã hội (Điều 27). Trong đó, quy định rõ: “Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục về liêm chính vào chương trình giảng dạy nhằm xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống và văn hóa chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.   


Xung đột lợi ích được hiểu là tình huống mà trong đó cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hoặc không thực hiện một nhiệm vụ được giao có thể mang lại lợi ích không chính đáng cho cá nhân họ, cho người thân thích của họ. Tuy đây là một khái niệm mới nhưng trong Luật hiện hành và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng đã có quy định.

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc kiểm soát xung đột lợi ích trong phòng ngừa tham nhũng (loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng), Dự thảo Luật đã quy định thành một chế định riêng bao gồm các điều về khái niệm; trách nhiệm thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích; trách nhiệm xử lý thông tin, báo cáo; thẩm quyền quy định và thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (từ Điều 28 đến Điều 31).

Theo đó, quy định người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích thì phải báo cáo với người lãnh đạo, quản lý trực tiếp để xem xét, xử lý.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích  của cán bộ, công chức, viên chức thì có nghĩa vụ thông tin, báo cáo cho người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

Khi nhận được thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, người nhận được thông tin, báo cáo phải có biện pháp kiểm soát hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp kiểm soát như: Giám sát việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao của người có xung đột lợi ích; Giao công vụ, nhiệm vụ của người có xung đột lợi ích cho người khác thực hiện; Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang làm việc tại vị trí công tác khác; Chuyển đổi vị trí công tác của người có xung đột lợi ích…/.

Theo Dangcongsan.vn

Tin mới