'Cán bộ thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng.

Sáng 27/10, thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận) cho biết, có cán bộ từng tâm sự với ông là "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cùng một vấn đề, khi áp dụng luật này để thực hiện thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì lại thành sai. Tại thời điểm này thì có thể đúng, nhưng đến khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai.

Theo ông Thông, vấn đề dễ sai nhất là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất hầu như bằng yếu tố giả định nên khó đảm bảo chính xác. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng từng nói, phương pháp xác định giá đất hiện nay không chính xác, cần sửa đổi. Trong khi đó, nhiều địa phương có dự án lớn mà chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. "Nếu Chính phủ không tháo gỡ được vấn đề này thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023", ông Thông nói.

Nguyên nhân thứ hai khiến cán bộ bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm, theo vị đại biểu Bình Thuận là dù Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng chủ trương đúng đắn này chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật. Cán bộ chỉ làm cầm chừng, không dám đột phá. Vì vậy, ông Thông đề nghị các bộ, ngành thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh cho đồng bộ, sát thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Hoàng Phong

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, nếu chỉ nêu nguyên nhân do vướng mắc về pháp luật thì chưa đủ, mà "nguyên nhân chính là con người, công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu".

Theo ông Hạ, có 3 trường hợp cán bộ không dám làm. Thứ nhất, là cán bộ năng lực hạn chế nên sợ làm sẽ sai. Thứ hai, là cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần hạn chế, nên họ chỉ nghe ngóng, né tránh. Thứ ba, là nhóm cán bộ sợ làm sẽ phát sinh vấn đề do không khớp với chỉ đạo của những người tiền nhiệm.

"Tôi đặt câu hỏi vì sao Luật Đất đai và Luật Đấu thầu đều được ban hành năm 2013, nhưng trước đây không thấy nêu nhiều vướng mắc như hiện nay? Một số người thẳng thắn nói rằng, trước đây làm ẩu, làm không đúng, thiếu trách nhiệm, nên nếu bây giờ làm đúng thì sẽ phát sinh các vấn đề, do đó, họ chỉ làm cầm chừng, né tránh", ông Hạ nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ có giải pháp để giải quyết thực trạng bên trên thì Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, họp ngày, họp đêm, nhưng ở dưới lại có tư tưởng cầm chừng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ. Ảnh: Hoàng Phong

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ. Ảnh: Hoàng Phong

Công chức thôi việc đặt ra yêu cầu hoàn thiện quản trị

Lo ngại về tình trạng gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc trong 2,5 năm qua, đại biểu Tô Văn Tám (Thường trực Ủy ban Pháp luật) cho rằng, vấn đề này là cơ hội để Chính phủ đánh giá, hoàn thiện hoạt động quản trị.

Theo ông Tám, cán bộ rời khu vực công sang tư không chỉ là xu hướng ở Việt Nam mà còn nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Những người này, khi sang khu vực tư vẫn cống hiến cho đất nước và xã hội. Nguyên nhân khiến họ dịch chuyển là do lương khu vực công thấp, thường phản ứng chậm, có độ trễ trước yêu cầu tăng thu nhập của thực tiễn bởi ràng buộc về pháp lý. Nhiều người cũng rời khu vực công vì áp lực công việc quá lớn, hoặc ưu tiên phát triển bản thân hơn là ngồi ổn định một chỗ.

"Khu vực công và tư đều yêu cầu tri thức, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hiệu quả. Nhưng khu vực công còn yêu cầu trách nhiệm trước nhân dân, nên cần hài hòa về thu nhập để cán bộ làm công bộc của dân", ông Tám nói.

Đại biểu tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ thực hiện lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc theo thứ bậc hành chính. Vấn đề biên chế, tổ chức bộ máy cần hợp lý; bổ sung cơ chế giải quyết công việc, môi trường làm việc, cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng, minh bạch.

Cạnh đó, Chính phủ cũng phải hoàn thiện quy định hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và tuyển chọn lãnh đạo quản lý. Thu nhập của cán bộ, công chức phải được quan tâm đúng mức, bằng cơ chế lương thích hợp, linh hoạt, dựa trên giá trị lao động, tri thức và hiệu quả công việc. Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm phải được luật hóa.

Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) phản ánh thực trạng đời sống người lao động, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cơ sở. Nguyên nhân là từ tháng 7/2019 đến nay lương cơ sở chưa được tăng, trong khi hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng 4%, làm cho tiền lương thực tế và đời sống giảm tương ứng. "Đây cũng là nguyên nhân chuyển dịch lao động, cán bộ, công chức có tay nghề cao từ công sang tư", ông nói.

Để khắc phục, ông Phương đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát để tạo tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cho cán bộ, công chức trên cả nước.

Quốc hội sẽ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại Hội trường Diên Hồng trong 2 ngày (27 và 28/10).

Tin mới