Cán bộ xã, phường kỳ vọng vào cuộc gặp mặt với Thường trực Tỉnh ủy

(Baonghean.vn) - Chương trình Gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy và những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ lần đầu tiên diễn ra vào ngày 25/5. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Nâng phụ cấp cho những cán bộ không chuyên trách

Đây là một trong những ý kiến mà ông Hoàng Đình Lạc – Bí thư Đảng ủy xã Thái Sơn (Đô Lương) đề cập nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm 7, xã Thái Sơn, Đô Lương Cao Xuân Anh (bìa phải) trao đổi về hiệu quả nghề mộc tại xóm. Ảnh: Thành Duy
Bí thư kiêm Xóm trưởng xóm 7, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương Cao Xuân Anh (bìa phải) trao đổi về hiệu quả nghề mộc tại xóm. Ảnh: Thành Duy

Ông Lạc cho biết, một trong những vấn đề mà xã Thái Sơn chú trọng trong những năm qua là đã thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Xã đã sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế bằng việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác và nhất thể hóa các chức danh tại cơ sở. Cụ thể: Công chức Văn phòng – Thống kê có 2 người thì 1 người được phân công kiêm công tác nội vụ, thi đua – khen thưởng; 1 xã đội phó kiêm phụ trách công tác tôn giáo; 1 Phó Bí thư Đoàn xã kiêm xã đội phó; Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm cán bộ khuyến nông…

Đối với các xóm, Thái Sơn có 11 chi bộ nông thôn, tính đến nay có 10/11 xóm thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng. Qua việc thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm xóm trưởng cho thấy, vừa giảm được số lượng cán bộ, vừa nâng cao được trách nhiệm cán bộ kiêm nhiệm, cũng là giải pháp để nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhất là cán bộ không chuyên trách.

Ông Hoàng Đình Lạc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thái Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Duy
Ông Hoàng Đình Lạc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thái Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Duy

“Tôi đề nghị bên cạnh việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ không chuyên trách theo hướng tăng cường kiêm nhiệm, giảm số lượng người làm việc không chuyên trách thì có giải pháp để có thể nâng mức phụ cấp cho những cán bộ không chuyên trách như: cán bộ cấp phó, thường trực của các hội… để họ yên tâm công tác. Ví dụ chế độ cho Phó trưởng Công an xã còn thấp, trong khi đây là nghề đặc thù, công việc vất vả, thậm chí nguy hiểm, không kể thời gian nhưng với mức phụ cấp như hiện nay nên thật khó để họ yên tâm công tác” – Bí thư Đảng ủy xã Thái Sơn kiến nghị.

Theo thống kê của huyện Đô Lương, số bí thư chi bộ kiêm xóm, khối trưởng là 264/367 người (71,93%); phó bí thư chi bộ kiêm xóm, khối trưởng 30/367 người (8,17%); chi ủy viên kiêm xóm, khối trưởng 5/367 người (1,36%); đảng viên không phải là chi ủy làm xóm trưởng 2/367 người (0,55%);  xóm trưởng chưa phải là đảng viên có 66/367 người(17,98%).

Một góc xã Quỳnh Long. Ảnh: Nhật Lân
Một góc xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nhật Lân
Phát triển đảng viên trong các tổ, đội sản xuất, khai thác trên biển

Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đã chia sẻ vấn đề này khi đề cập đến việc gắn vai trò của đảng viên trong quá trình ngư dân tham gia khai thác đánh bắt trên biển. Trong khi đó, xã Quỳnh Long hiện có đội tàu đánh bắt xa bờ thuộc tốp mạnh nhất tỉnh với gần 100 phương tiện, công suất từ 400 - 900CV.

Ông Trần Quang Vệ chia sẻ thực tế từ cơ sở.

Ông Trần Quang Vệ cho biết, trong công tác phát triển đảng viên trẻ ở xã Quỳnh Long nói riêng và các xã phát triển nghề cá nói chung hiện tồn tại nhiều khó khăn. Ý chí phấn đấu của thanh niên hiện nay đã theo một xu hướng mới. Theo đó, đầu tiên với thanh niên là phải giải quyết được vấn đề kinh tế, đời sống của họ, sau mới đến việc tham gia các tổ chức chính trị, xã hội.

Hiện tại, việc giải quyết bài toán kinh tế đang có những khó khăn, cộng thêm việc hoạt động của các tổ, đội sản xuất có những bất cập đối với việc sinh hoạt đảng của đảng viên.

Ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển. Ảnh Xuân Hoàng (TL)
Ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển. Ảnh Xuân Hoàng (TL)
“Tổ chức sản xuất nghề biển hiện nay theo mô hình tư nhân chứ không theo tập thể như trước đây. Chính vì vậy việc tạo ra điều kiện, môi trường chính trị dành cho tuổi trẻ tham gia tại các xã có nghề khai thác thủy hải sản vẫn đang lúng túng, chưa có một sự định hình cụ thể nên gặp rất nhiều khó khăn” - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho hay.
Ngư dân Quỳnh Long kiểm tra ngư cụ trước chuyến khơi. Ảnh: Nhật Lân
Ngư dân Quỳnh Long vá lưới, kiểm tra ngư cụ trước chuyến ra khơi. Ảnh: Nhật Lân

Ông Trần Quang Vệ cũng cho biết, để giải quyết những băn khoăn về phát triển đảng viên trẻ trong các tổ, đội khai thác, sản xuất trên biển, trước mắt xã tăng cường công tác tư tưởng, tuyên truyền, giúp cho thanh niên thấy rằng việc vào Đảng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất.

Nếu một đảng viên có nhận thức đầy đủ về cuộc sống, về trách nhiệm thì ý thức của họ trong sản xuất sẽ tốt hơn, nhờ đó sẽ giải quyết mọi quan hệ tốt hơn. Chính vì vậy, các tổ chức nghề nghiệp, chủ phương tiện sử dụng lao động phải tạo điều kiện về thời gian để đảng viên được tham gia sinh hoạt chính trị.   

Coi trọng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh biên giới

Một góc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh Hữu Vi
Một góc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ảnh Hữu Vi

Mỹ Lý là một trong những xã nghèo nhất huyện Kỳ Sơn, đây còn là xã biên giới. Nhiệm vụ đặt ra là phát triển kinh tế - xã hội từng bước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo song song với nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội.

Mỹ Lý là xã biên giới với diện tích tự nhiên hơn 27.000 ­­­­­­­­­­­ha, có đường biên giới với nước bạn Lào dài 43 km, trong đó có 20km biên giới trên sông. Xã có 1.248 hộ,  hộ nghèo chiếm 73,30%.
Ông Lô Văn Liệu – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn cho biết, điều mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở là làm thế nào để một xã nghèo vùng biên giới có thể vươn lên về mọi mặt, trong khi điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt cả về địa hình, khí hậu, cùng với tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, dân cư chủ yếu là các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế về nhận thức, hiểu biết pháp luật, đời sống; và là địa bàn có đường biên giới quốc gia chạy qua. 
"Được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác ở địa phương với lãnh đạo tỉnh tôi rất vui vì đây là cơ hội để bày tỏ những trăn trở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bản thân cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên của một xã đặc thù như Mỹ Lý..." - ông  Lô Văn Liệu tâm sự

Chương trình gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy và những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn dự kiến diễn ra từ chiều 25/5 đến hết sáng ngày 26/5 tại TP. Vinh với sự tham gia của 1.075 đại biểu 21 huyện, thành, thị, 480 xã, phường, thị trấn.

Tin mới