Cần chú trọng ngay từ khâu sản xuất

(Baonghean) - An toàn vệ sinh thực phẩm nông sản là vấn đề luôn được quan tâm, đặc biệt vào giai đoạn sát Tết Nguyên đán, khi nhu cầu thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, quanh vấn đề này, trước nay vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Vốn là một bà nội trợ “kỹ tính”, chị Nguyễn Thị Vinh (phường Lê Mao - TP Vinh) luôn cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ngoài rau được trồng ở nhà gần như đủ ăn, mỗi khi ra chợ mua thịt, chị đều chọn hàng quen, ngoài ra mỗi tuần tranh thủ đi siêu thị vài lần, khuân về đủ thứ đồ ăn làm sẵn. Tuy nhiên, theo chị, cả nhà vẫn, thường “đòi” chị ra chợ mua thực phẩm cho “tươi sống”.

Được coi là “vựa rau” lớn của tỉnh, mỗi năm, Quỳnh Lương cung cấp hàng trăm nghìn tấn rau ra thị trường. Tuy nhiên, trong gần 200 ha rau, chỉ có chưa đầy 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được coi là rau an toàn. Theo ông Nguyễn Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND xã, thì làm rau an toàn đòi hỏi những yêu cầu cao hơn cả về đầu tư, chăm sóc, thế nhưng trên thị trường hiện vẫn chưa có một “con đường” nào cho vấn đề tiêu thụ đáp ứng yêu cầu và hấp dẫn người dân. Hiện Quỳnh Lương chỉ mới ký hợp đồng được với siêu thị Metro và BigC, nhưng lượng tiêu thụ cũng rất ít, vài trăm kg một ngày, trong khi lượng rau của toàn xã là hàng chục tấn.

Chăm sóc rau ở Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu).

Tổng diện tích sản xuất rau quả hàng năm của Nghệ An hiện nay khoảng 15.137 ha, với diện tích đó, không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn cung ứng cho nhiều địa phương trong cả nước. Theo kết quả điều tra của Chi cục BVTV, hàng năm có tới 60,8% nông dân sử dụng thuốc BVTV sai quy trình, và năm 2011, trong số 90 mẫu phân tích tồn dư thuốc BVTV trên cây rau đã có 20% số mẫu phát hiện dư lượng, 57% số mẫu phát hiện thấy có hai loại hóa chất, và số mẫu vượt mức cho phép ở các nhóm lên tới trên 61%. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hương (Phó Chi cục BVTV tỉnh) cho biết: Với trên 3 triệu dân, nền sản xuất nông nghiệp của Nghệ An tuy lớn nhưng chưa phong phú và không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, bởi vậy, chúng ta vừa sản xuất vừa phải nhập sản phẩm từ các tỉnh phía Bắc, thậm chí cả từ Thái Lan, Trung Quốc..., bởi vậy việc quản lý về ATVSTP là rất khó khăn. Thời gian qua, xác định khâu quản lý việc lưu thông, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV có tác động rất lớn đến ATVSTP trên nông sản, nên ngành BVTV đã có nhiều biện pháp nhằm “siết chặt” vấn đề này. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, tập huấn cho người dân về quy trình sản xuất an toàn, đặc biệt đối với sản xuất rau. Hàng năm, tiến hành lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm để từ đó có biện pháp quản lý hiệu quả. Đồng thời tập trung xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, mở rộng các chương trình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, SRI để nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết vấn đề kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, trong khi sự phối hợp của các địa phương rất hạn chế.

Với trên 700.000 con trâu bò, 17 triệu con gia cầm, Nghệ An được coi là một trong những tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước. Thế nhưng, theo thừa nhận của ông Bùi Văn Đoan (Trưởng phòng Kiểm dịch động vật - Chi cục Thú y tỉnh), thì dù các ban, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng, song qua kiểm tra ở các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật vẫn còn rất nhiều bất cập, cả về công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như các điều kiện về ATVSTP. Các sản phẩm không đảm bảo được tiêu thụ tự do trên thị trường, làm mất an toàn và nguy cơ lây lan dịch bệnh.  Ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ - hình thức chăn nuôi phổ biến hiện nay phần lớn sử dụng các loại văc - xin, hóa chất, kháng sinh một cách tùy tiện. Bên cạnh đó, dù được coi là biện pháp quan trọng để ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, thế nhưng hiện số gia súc gia cầm qua giết mổ tập trung mới chỉ đạt khoảng 15 - 20%, đồng nghĩa với việc có từ 80 - 85% số gia súc, gia cầm không thể kiểm soát được qua giết mổ, khả năng mất an toàn vệ sinh thú y, thậm chí đưa cả vật nuôi bị bệnh vào giết mổ, tiêu thụ là rất lớn. 

Theo ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT), thời gian qua, dù ngành Nông nghiệp cũng như các cấp ngành liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm “siết chặt” vấn đề quản lý ATVSTP trên nông sản, nhưng kết quả không đáp ứng được nhiều so với yêu cầu thực tế. Việc tuân thủ quy trình sản xuất VietGap theo hướng thực hành nông nghiệp tốt chưa nhiều, vì thế sản phẩm đưa ra thị trường còn kém chất lượng, đặc biệt là chất lượng về ATVSTP. Hầu hết người sản xuất luôn tìm cách bảo vệ năng suất bằng mọi giá, kể cả việc sử dụng các loại thuốc BVTV, thức ăn không đảm bảo an toàn một cách bừa bãi trong trồng trọt, chăn nuôi. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm việc sản phẩm mình dùng có đảm bảo an toàn không và vẫn còn tư tưởng “ham rẻ”. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung chọn lựa các loại giống phù hợp cũng như chú trọng kỹ thuật canh tác, nhân rộng diện tích cây trồng, vật nuôi vừa có năng suất, chất lượng và trong quá trình sản xuất hạn chế, né tránh được việc thâm canh cao theo hướng dùng các loại hóa chất, chế phẩm không phù hợp. Đồng thời, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ giám sát quy trình sản xuất, nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, theo ông Kim, để có được sản phẩm thực sự an toàn, quan trọng nhất là phải giám sát đầu tư đầu vào từ giống, phân bón, quản lý sâu bệnh và các kỹ thuật khác, thế nhưng vấn đề này vẫn đang hạn chế, trong khi đó, khâu giám sát sản phẩm cũng chưa thực sự hiệu quả. Cùng chung quan điểm, ông Bùi Duy Hùng (Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) nhận định: Trong khi để có một sản phẩm an toàn đòi hỏi phải có sự đảm bảo ở tất cả các khâu, thì hiện nay chúng ta đang chủ yếu tập trung kiểm soát ở khâu cuối cùng, nhiều sản phẩm đợi khi có kết quả không đảm bảo ATVSTP thì đã được tiêu thụ hết, đặc biệt trong điều kiện các đơn vị làm nhiệm vụ này đang thiếu máy móc, thiết bị cần thiết. Cả nước chỉ có một số địa chỉ được trang bị khá đầy đủ về trang thiết bị, trong khi tất cả các tỉnh, thành đều có nhu cầu. Nguyên nhân chính làm cho vấn đề VSATTP trên nông sản hiện chưa đáp ứng yêu cầu,  trước hết do nền sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ, chưa theo một chuỗi quy trình khép kín mà còn qua rất nhiều khâu, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, trong cả quá trình đó, các yếu tố gây mất ATVSTP là rất lớn. Để có thể đảm bảo ATVSTP, về lâu dài, chúng ta cần kiểm soát dần sản xuất nông hộ, giảm sản xuất nhỏ lẻ và tăng sản xuất hàng hóa.

Bài, ảnh: Phú Hương

Tin mới