Cần có giải pháp trọng tâm đánh thức tiềm năng huyện Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Đây là ý kiến nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tân Kỳ.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh Đào Tuấn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại huyện Tân Kỳ, chiều 5/6, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị, nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện các chỉ tiêu giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện và tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018.

Cùng dự có đồng chí: Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại diện Văn phòng UBND tỉnh, các Sở: Nội vụ; KH&ĐT, TN&MT, KH&CN; Công Thương; GTVT; GD&ĐT; LĐ-TB&XH; Tài chính, Xây dựng, Văn hóa; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;...

Về phía huyện Tân Kỳ có các đồng chí trong BTV Huyện ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn.

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Tân Kỳ, tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn ước đạt gần 2.700 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ, bằng 49,9% kế hoạch huyện và 50,6% kế hoạch tỉnh giao.
Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ và bằng 41,3% kế hoạch. Lĩnh vực công nghiệp xây dựng ước đạt 1.243 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ và bằng 53,2% kế hoạch. Lĩnh vực dịch vụ ước đạt 752 tỷ đồng, tăng 6,4% và bằng 52,9% kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Tổng nguồn vốn NSNN đã được bố trí đến nay là 77,5 tỷ đồng, bằng 99,1% so với cùng kỳ, đã giải ngân đến 30/5/2018 là gần 52 tỷ đồng, bằng 66,9% kế hoạch.

Tổng thu ngân sách tại địa bàn ước đạt gần 29 tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán và 59,7% dự toán tỉnh. Tổng chi ngân sách ước đạt 402 tỷ đồng. Về đầu tư xây dựng, huyện đã tổ chức khởi công dự án: xây dựng, sở hữu, kinh doanh chợ Tân Kỳ với tổng mức đầu tư 177 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư 437,2 tỷ đồng.

Công tác giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng cơ bản ổn định.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Tuy nhiên, qua báo cáo, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của huyện Tân Kỳ cũng cho thấy một số tồn tại cần sớm có giải pháp khắc phục. Đó là diện tích gieo trồng giảm 688,3ha so với cùng kỳ; diện tích mía trồng mới không đạt kế hoạch; một số mô hình kinh tế, chương trình đề án còn chậm,  việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí giao thông, trường học, thiết chế văn hóa;  Nguồn vốn đầu tư công theo tiêu chí tính điểm giảm so với năm 2017; Một số dự án chưa hoàn thành, nhưng kế hoạch trung hạn 2016-2020 đã bố trí hết...

Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Tại hội nghị lãnh đạo huyện Tân Kỳ cũng báo cáo kết quả thực hiện Thông báo số 440/TB-UBND ngày 27/7/2016 của UBND tỉnh về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường và Thông báo số 409/TB-UBND ngày 5/7/2017 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tân Kỳ; Công văn 7908/UBND.TH ngày 13/10/2017 của UBND tỉnh về chỉ đạo thực hiện Thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với BTV Huyện ủy Tân Kỳ.

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc các đại biểu đều cho rằng, Tân Kỳ là địa phương có tiềm năng về đất đai và con người. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều ngành nghề, nhất là nông, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ, khoáng sản và vật liệu xây dựng.

Thời gian qua lãnh đạo huyện cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng hiện nay huyện Tân Kỳ cần quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đó là các vấn đề về cải cách hành chính, dịch vụ công.

Căn cứ vào diện tích, địa giới hành chính và cơ cấu dân số thì nhiều xã, xóm chưa đạt theo quy định. Chính vì vậy,  huyện cần nghiên cứu bố trí hợp lý. Bên cạnh đó, Tân Kỳ cũng phải tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch, xây dựng, môi trường, vật liệu xây dựng.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đó là số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, trên địa bàn đã phát triển được 86 trang trại đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Với diện tích cây mía dao động từ 5.700 – 6.000 ha hàng năm, trong đó có 900 ha đã được sản xuất theo mô hình công nghệ cao. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cung cấp cho các nhà máy đường trên địa bàn. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có các cây trồng quan trọng khác như: lúa, sắn, keo...

Thu hoạch mía ở Tân Kỳ. Ảnh tư liệu
Thu hoạch mía ở Tân Kỳ. Ảnh tư liệu

Tuy vậy, huyện cũng phải bám sát thực tiễn nhằm thực hiện cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp hợp lý. Giải pháp là phải tập trung vào việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, tạo hành lang thông thoáng thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các ngành nghề khác.

Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật của huyện Tân Kỳ vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống đường giao thông và các công trình hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Tân Kỳ phải nỗ lực, tập trung cao cho việc thực hiện chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Muốn thực hiện được điều này, Huyện ủy, UBND huyện cần chú trọng công tác thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Về phía tỉnh sẽ có trách nhiệm hỗ trợ huyện Tân Kỳ kêu gọi nhà đầu tư vào địa phương.
Huyện cần chú trọng đưa nhanh quy trình, mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất để phát huy tiềm năng và giá trị; phát triển mạnh chăn nuôi để tranh thủ lợi thế của địa bàn, qua đó tăng thu nhập cho người dân.
Chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng. Tập trung quản lý tốt 21 xã trên địa bàn gắn với chương trình nông thôn mới. Đến nay, huyện mới có 6/21 xã và 85/269 thôn, xóm đạt tiêu chí nông thôn mới.
Đồng chí Đinh Viết Hồng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Đồng chí Đinh Viết Hồng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Kết luận buổi làm việc, sau khi ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, huyện Tân Kỳ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Tây của tỉnh. Chính vì vậy, huyện muốn đánh thức tiềm năng thế mạnh phải xác định các nội dung trọng yếu, đó là tập trung xây dựng giao thông và hạ tầng; tập trung xây dựng mô hình kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế về cả quy mô và tính chất, thực hiện tốt dồn điền đổi thửa.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo huyện Tân Kỳ phải kết hợp việc đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ đại hội, với các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, để tập trung chỉ đạo. 
Huyện cần tập trung cao cho công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; Tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác…

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường lưu ý, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần đặc biệt coi trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế, xây dựng vườn mẫu... để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Trong thu hút đầu tư, đề nghị lưu ý thu hút những dự án phát triển vật liệu xây dựng như gạch, ngói theo công nghệ mới. Bên cạnh đó , tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản.

Cùng đó, chú trọng công tác giáo dục đào tạo, lao động việc làm, giảm nghèo, phát triển văn hóa, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới. Quan tâm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Tin mới