Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Đại hội XII của Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách đồng bộ và toàn diện, trong đó, đương nhiên có lĩnh vực chính trị.

Đó là một chủ trương đúng, cần được thực hiện một cách tích cực và chắc chắn.

Để công cuộc đổi mới đi đúng hướng, cần xác định những căn cứ làm chỗ dựa, theo đó mà đi. Trong đó, quan trọng bậc nhất là giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tất nhiên đó chưa phải là tất cả, nhưng nếu rời xa giá trị ấy thì trước sau gì cũng sẽ sai lầm.

Giá trị văn hóa trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh như chúng ta đã biết từ lâu, tưởng như đã hiểu hết rồi, nhưng trên thực tế thì đã làm sai không ít.

Các giá trị văn hóa ấy đã có từ lâu, nhưng nó không cũ, không lạc hậu, mà vẫn còn rất mới, còn giá trị lâu dài, có tầm xa và chiều sâu, có ý nghĩa lớn lao và bền vững cho hiện tại và tương lai.

Vì lẽ ấy, nó là căn cứ quan trọng bậc nhất cho công cuộc đổi mới, trước nhất là trên lĩnh vực chính trị và văn hóa xã hội.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Trước tiên, cần trao đổi xem giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là gì? Và nó làm căn cứ cho công cuộc đổi mới hiện nay như thế nào?

Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tôi, tiêu biểu nhất, cốt lõi nhất, đó là: “Dân là gốc”. Đạo đức Hồ Chí Minh là: “Vì Dân”. Phong cách Hồ Chí Minh là: “Trọng Dân”. Cả tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một thể thống nhất về “nhân dân” và mối quan hệ với nhân dân, cô đọng đến cùng trong một chữ “Dân” viết hoa.

Trong tư tưởng của Người, có nhiều giá trị, trên hầu hết các lĩnh vực, tương đối toàn diện, nhưng giá trị quan trọng và cốt lõi nhất, chắc lọc và cô đọng đến cùng, theo tôi, như đã nói, đó là “dân là gốc”.

Quan điểm, tư tưởng về “dân là gốc”, “dân vi bản” thì ở nước ta đã có từ lâu. Thời nhà Lý, nhà Trần đã có, dù là mới sơ khai; thời nhà Hậu Lê với tư tưởng của Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ ràng hơn. Nhưng “dân là gốc” thời quân chủ, phong kiến và thời Hồ Chí Minh chỉ giống nhau về cách gọi, về hình thức, còn về bản chất thì khác nhau căn bản. Thời phong kiến, “dân vi bản” nhưng trong chế độ Quân chủ, đó là “thần dân”, là dân của vua, “thần dân của trẫm”, yêu nước là phải trung với vua, trung quân là ái quốc, vua bảo chết là phải chết, trái ý vua là phạm thượng, bị tội khinh quân. Còn trong tư duy của Hồ Chí Minh, cũng dân là gốc, nhưng trong chế độ dân chủ, không có vua, dân là người làm chủ, là ông chủ, mọi quyền lực đều là của dân, mọi quyền lợi đều thuộc về nhân dân, cán bộ là công bộc của dân, chứ không phải là quan cai trị, không được đè đầu cưỡi cổ dân.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Xuất phát từ tình yêu nhân dân lầm than trong hoàn cảnh bị mất nước phải làm nô lệ, Bác Hồ đã đi khắp năm châu để tìm con đường cứu dân tộc. Lúc đó, Người đã quyết định chọn quốc tế ba để tham gia cũng là vì quốc tế ấy bênh vực cho phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa.

Khi khởi đầu cách mạng, Người đã xác định mục tiêu dân tộc và dân chủ , nhằm giành độc lập-tự do cho dân tộc và đòi quyền dân chủ cho nhân dân. Khi cách mạng thành công, Người đứng ra thành lập nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á – Nhà nước VN dân chủ cộng hòa - Độc lập, tự do, hạnh phúc. Ngày ấy trong tiêu đề tên nước đã thể hiện bốn thành tố đều từ chữ dân. Đó là : dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc (độc lập là dân tộc, tự do là dân quyền, hạnh phúc là dân sinh). Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, ngay phần đầu, Người đã nhấn mạnh vấn đề dân chủ, dân quyền và dân tộc. Trong những ngày đầu tiên của chính quyền dân chủ, Người đã chủ trương về diệt “giặc dốt”, tức là thêm một chữ dân nữa, đó là dân trí. Dân là gốc của nước, là hồn của nước. Nước là nước của dân.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Trong thời gian lãnh đạo đất nước, Người đã nêu mục tiêu phải làm sao cho nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc và ai cũng được học hành, tức là dân sinh và dân trí. Người nói nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì, cũng lại nhấn mạnh vấn đề dân chủ, dân quyền và dân sinh – coi đó là mục tiêu cao nhất của cuộc cách mạng và của việc xây dựng chế độ mới. Tự do là mục tiêu cao cả, cũng là thứ hạnh phúc bậc nhất của con người, của dân sinh. Tất nhiên tự do phải luôn gắn với tất yếu, với trách nhiệm xã hội. Tự do của một người nằm trong giới hạn bởi tự do của người khác và an toàn cho cộng đồng.

Không có tự do sẽ không có sáng tạo. Không có sáng tạo sẽ không có phát triển. Không có phát triển sẽ không bảo vệ được độc lập dân tộc và không có CNXH. Và sẽ không có tự do nếu không có dân chủ. Người nói, dân chủ trước tiên là để dân mở miệng, cũng tức là tự do ngôn luận. Quan tham cũng là vì dân chưa mở miệng.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc xây dựng nhà nước của dân là một trọng tâm hàng đầu. Người nói mọi quyền hành đều là của dân, mọi lợi ích cũng là để cho dân, thuộc về dân. Nếu thật lòng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì không lúc nào được lãng quên điều ấy.

Nhà nước của dân phải là một nhà nước bảo vệ và phục vụ nhân dân, không vô cảm với dân, không sợ dân, không đối phó với dân, không được thắng - thua với dân, những việc quan trọng nhất phải trưng cầu dân ý. Kiến tạo một đất nước phát triển cũng là vì nhân dân, để bảo vệ và phục vụ nhân dân tốt hơn. Khi dân không làm chủ thì nhà nước không còn là của dân, và trước sau gì cũng sẽ tha hóa.

Trên thực tế, Đảng cũng từ dân mà sinh ra, được nhân dân đùm bọc, bảo vệ.

Khi mọi người thảo luận về vị trí lãnh đạo và tiên phong của Đảng thì Bác Hồ còn lưu ý thêm rằng Đảng phải là con nòi của dân tộc. Tôi xin nhắc lại là con chứ không phải là cấp trên, là quan, càng không phải là người cai trị.

Năm 1960, trong một bài thơ viết về Đảng, nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện lại tư tưởng đó khi nói về nguyên nhân thắng lợi của Đảng với câu thơ “Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”. Trong thực tế cuộc sống, chẳng có tình yêu nào mà sâu nặng, mà bản chất, có thể hy sinh tất cả cho con, hết lòng, trong sáng, bền chắc và thiêng liêng như tình mẹ yêu con. Bác Hồ đã nhiều lần nói rằng Đảng không có lợi quyền riêng, mà chỉ hết lòng phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu hy sinh. Bản chất quan trọng nhất của Đảng là Đảng vì dân, trung hiếu với dân. Phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Khi dân không tin thì Đảng không còn sức mạnh và sẽ mất sức sống.

Suốt trong quá trình lãnh đạo đất nước và dân tộc, về phương pháp và động lực của cách mạng, thì Người luôn nhấn mạnh phải dựa vào dân, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, “việc dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Những tháng năm cuối đời, trong di chúc, Người dặn sau chiến tranh phải hết sức chăm lo đời sống nhân dân, đó là việc đầu tiên cần làm. Người nhắc lại lần cuối trước lúc đi xa, rằng điều mong muốn cuối cùng của Bác là một nước VN “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Tư tưởng dân là gốc ở Hồ Chí Minh không dừng lại ở những suy nghĩ, những lời đã nói, đã viết ra, mà nó đã thấm đượm và thể hiện sâu sắc trong đạo đức và phong cách của Người.

Giá trị cốt lõi trong đạo đức Hồ Chí Minh là gì ? Đó là đạo đức vì dân. Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Tôi hiến đời tôi cho dân tộc tôi.

Khi Bác qua đời, một nhà thơ lớn đã xúc động viết lời thơ:

Hành trang Bác chẳng có gì
Một đôi dép mỏng đã lì chông gai
Cho con núi rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm
Cho con những ánh trăng rằm…

Người giáo dục cán bộ đảng viên phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì nhất quyết phải tránh.

Phong cách Hồ Chí Minh nổi bật là tin dân, gần dân, dựa vào dân và nhất là trọng dân. Người giáo dục cán bộ đảng viên phải là đầy tớ, là công bộc của dân, phải giản dị, khiêm tốn, biết học hỏi nhân dân, luôn sống gương mẫu và gắn bó với dân, không làm quan cách mạng, không được đè đầu cởi cổ dân, phải kính trọng và lễ phép với nhân dân.

Căn cứ cho đổi mới trong chính trị

Như vậy, ta thấy xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một chữ DÂN viết hoa, in đậm, giản dị và dễ hiểu, như một chân lý cho muôn đời. Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết. Lòng tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng nhất.

Đổi mới là để phát triển. Mục tiêu phát triển là vì dân. Mục đích của đổi mới không phải để làm khác, mà là để làm đúng, khi cần phải làm khác cũng là vì để cho đúng. Cho nên, đổi mới còn là để điều chỉnh những việc làm chưa đúng, trở về với lẽ đúng bền chắc, trở về với cái gốc, với dân, với Hồ Chí Minh.

Với cách suy nghĩ đó, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là cơ sở, là căn cứ quan trọng hàng đầu làm nền, làm chỗ dựa cho công cuộc đổi mới.

Bài: Vũ Ngọc Hoàng
(Nguyên UVTW Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban
Thường trực Ban Tuyên giáo TW)
Thiết kế: Hà Giang
Kỹ thuật: Ngọc Quý