Cần làm rõ một cán bộ xã có dấu hiệu sai phạm ở Con Cuông

(Baonghean) - Lợi dụng chính sách vay phân bón trả chậm cho người dân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Ngàn (Con Cuông)  ký hợp đồng mua hàng trăm tấn mỗi năm để bán cho những cửa hàng và người dân xã khác nhằm trục lợi cá nhân. 

Ngày 20/11, ông Ngân Xuân Nhung - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn (Con Cuông) cho biết, chính quyền và cấp ủy xã đã có kiểm điểm về những thiếu sót trong quản lý cán bộ dẫn đến những sai phạm của vị nữ Chủ tịch Hội Nông dân xã này. “Chúng tôi thừa nhận đã quản lý cán bộ không tốt, để người này lợi dụng con dấu, chính sách để buôn bán phân bón dẫn đến không có khả năng chi trả”, ông Nhung nói.

Sự việc như sau: Thực hiện chương trình vay phân bón trả chậm, năm 2013, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã ký hợp đồng phối hợp cung ứng phân bón và giống cây trồng cho nông dân. Tại xã Thạch Ngàn, bà V.T.L - Chủ tịch Hội Nông dân xã được cấp ủy phân công nhiệm vụ vay tín chấp với lãi suất 0% để cung ứng phân bón cho nông dân. Sau khi cung cấp phân cho người dân trên địa bàn xã, Hội Nông dân xã có trách nhiệm thu hồi tiền từ họ để trả lại cho công ty phân bón trong một khoảng thời gian nhất định.

Trụ sở xã Thạch Ngàn, nơi bà V.T.L làm việc. Ảnh: Tiến Hùng
Trụ sở xã Thạch Ngàn, nơi bà V.T.L làm việc. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách này, bà L lại dùng con dấu của Hội Nông dân xã,  “hợp tác” với Công ty CP Vật tư nông nghiệp huyện Con Cuông để ký hợp đồng vay hàng trăm tấn phân bón mỗi năm nhằm mục đích bán lại cho nhiều cửa hàng, hộ dân ở những xã lân cận; trong khi, nhu cầu mua phân bón của người dân xã Thạch Ngàn chỉ ở mức 20 tấn mỗi năm. Theo tìm hiểu, mỗi tấn phân bón vay để cung cấp cho người dân, bà L được công ty chia hoa hồng từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng. 

Việc “hợp tác làm ăn” giữa bà L và Công ty CP Vật tư nông nghiệp Con Cuông từ năm 2013 đến 2015 diễn ra êm thấm. Đến vụ đông xuân năm 2016, bà L lại lấy danh nghĩa và con dấu của Hội Nông dân xã Thạch Ngàn để ký hợp đồng vay hơn 210 tấn phân bón của công ty này với thời hạn trả nợ chậm nhất đến ngày 25/6/2016.

Sau đó, khi đã quá hạn thanh toán nợ vụ đông xuân vẫn chưa trả được, nhưng đến tháng 8/2016, công ty này vẫn tiếp tục ký hợp đồng cho bà L vay tiếp hơn 140 tấn phân bón để bán trong vụ hè thu với thời hạn trả nợ chậm nhất đến ngày 20/10/2016.

Tổng cộng hai mùa vụ trong năm đó, bà L nhận hơn 350 tấn phân bón với giá tiền hơn 2,15 tỷ đồng. Phần lớn trong số phân này, thay vì cung ứng cho nông dân trong xã, thì bà L nhập cho các cửa hàng ở xã Tam Sơn (Anh Sơn) và một số xã lân cận để kiếm tiền hoa hồng. Với 350 tấn phân bón, chỉ trong một năm, bà L kiếm được hơn 100 triệu đồng tiền hoa hồng.

Việc “hợp tác” giữa công ty này với bà L chỉ kết thúc sau khi đã quá hạn gần một năm, nhưng vị nữ Chủ tịch Hội Nông dân xã này vẫn không chịu thanh toán hàng tỷ đồng tiền nợ.

Mặc dù trước đó từng hợp tác với nhau để làm ăn, nhưng đến nay, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Con Cuông quay ngược lại tố cáo bà L. Sau nhiều lần đòi nợ, đến nay bà L đã trả được cho công ty hơn 850 triệu đồng bằng tiền mặt và đối ứng đất rừng; số nợ quá hạn hiện vẫn còn gần 1,3 tỷ đồng. 

“Công ty đã rất nhiều lần trực tiếp gặp bà L đòi nợ nhưng bà này cố tình không chịu trả, khất hẹn trả không đúng hạn. Công ty cũng đã yêu cầu bà L cung cấp số liệu các hộ nông dân thực tế nhận phân bón mà Hội Nông dân xã Thạch Ngàn đã đứng ra, thay thế ký hợp đồng vay để tìm biện pháp thu hồi nợ, nhưng bà L vẫn không cung cấp được”, ông Trần Viết Dũng - Giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Con Cuông nêu trong đơn tố cáo gửi Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cùng các cơ quan liên quan.

Trao đổi với PV Báo Nghệ An, bà V.T.L bày tỏ “do bản thân không nghĩ sâu xa nên đầu tư ồ ạt, không chặt chẽ, dẫn đến hậu quả khó lường. Công tác thu hồi nợ từ nông dân còn khó khăn”. Theo vị nữ cán bộ Hội Nông dân xã 34 tuổi này, hiện các hộ nông dân đã nhận phân bón còn nợ bà hàng trăm triệu đồng chưa đòi được. Bà L nêu ra một vài trường hợp như Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thạch Ngàn còn nợ 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với Trạm trưởng Trạm Y tế xã, người này phủ nhận việc đang nợ tiền phân bón của bà L.

“Khi cán bộ xã về tìm hiểu thì gần như tất cả các hộ dân đều nói đã trả tiền phân bón cho bà L từ lâu rồi, chỉ còn một vài hộ với số nợ ít triệu đồng không đáng kể. Tôi cũng nhiều lần gặp trực tiếp bà L hỏi rõ số tiền hơn 1 tỷ đồng đấy giờ ở đâu, nhưng bà L một mực không chịu nói” - ông Võ Đình Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn nói và cho hay, bà L làm Chủ tịch Hội Nông dân xã từ năm 2010 đến nay. Ông Thành nhận định, cấp dưới của mình đã lỡ tiêu xài quá tay.

Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cũng cho rằng, bà L có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức hội, chính quyền. Tuy nhiên, do bà L đang là Uỷ viên BCH Đảng bộ xã, cán bộ thuộc diện quản lý của Huyện ủy nên xã vẫn chưa tạm đình chỉ công tác.

Trong khi đó, ông Mai Văn Bính - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông cho rằng, trong vụ việc này, cả Công ty CP Vật tư nông nghiệp Con Cuông lẫn bà L đều có sai phạm. “Theo quy trình, các hợp đồng đều phải thông qua chính quyền xã, hội nông dân huyện, nhưng hai bên lại cấu kết với nhau để trục lợi.

Thông thường, mỗi năm chúng tôi sẽ giao chỉ tiêu cho hội nông dân của từng xã để vay phân bón cho dân. Đối với xã Thạch Ngàn, mỗi năm chỉ tiêu chỉ có hơn 20 tấn. Hiện tại, bà L vẫn đang làm việc bình thường nhưng bị cấm giải quyết những việc liên quan đến kinh tế”, ông Bính nói và cho hay, ngoài ra tiền lương hàng tháng của vị nữ cán bộ xã này cũng bị phong tỏa, chuyển vào tài khoản công để trả nợ dần.

Trao đổi của lãnh đạo Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An thì cho biết, hợp đồng ký kết giữa đơn vị này với Hội Nông dân tỉnh nhằm mục đích hỗ trợ người dân. Theo đó, hội nông dân các cấp là khâu trung gian, làm nhiệm vụ trực tiếp liên hệ với người dân có nhu cầu sau đó đứng ra bảo lãnh cho họ để nhận phân bón. “Có nghĩa là bán phân bón cho người dân nhưng cho họ nợ để nông dân thu hoạch mùa xong mới lấy tiền. Việc thu tiền do hội nông dân chịu trách nhiệm”, vị lãnh đạo này nói thêm. 

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới