Cần làm rõ trách nhiệm thủy điện trong vụ hàng loạt nhà dân phải di dời vì sạt lở

(Baonghean.vn) - Sau hơn 2 năm nhà cửa nhiều hộ dân bị nứt toác, sau hàng loạt văn bản đề nghị của huyện lẫn tỉnh, phía thủy điện mới chịu chấp nhận bỏ 600 triệu đồng ít ỏi gọi là “hỗ trợ” cho 6 hộ dân di dời nhà. Đã đến lúc cần chỉ rõ nguyên nhân gây ra sạt lở để quy trách nhiệm cụ thể nhằm bồi thường cho người dân đúng quy định.

Bất an mùa lũ

Những ngày đầu tháng 9, anh Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) cho biết, đến nay anh vẫn đang thấp thỏm sống trong ngôi nhà chờ sập cạnh lòng hồ thủy điện Bản Ang. Anh Hồng là 1 trong 6 hộ dân ở đây bị nứt nhà, nguy cơ trôi tuột xuống lòng hồ thủy điện từ hơn 2 năm nay. “Chúng tôi chẳng nhận được thông tin nào, không biết thủy điện đã bồi thường hay chưa. Mùa mưa lũ đã đến rất gần đây rồi, chắc lại phải thêm 1 năm nữa sống chung với tử thần vậy”, anh Hồng lắc đầu ngao ngán.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề, UBND tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đều cho rằng việc di dời 6 hộ dân này là khẩn cấp, cần được tiến hành trước mùa mưa lũ năm 2020.

Một trong hàng loạt vết nứt chạy chi chít trong nhà anh Hồng. Ảnh: TH
Một trong hàng loạt vết nứt chạy chi chít trong nhà anh Hồng. Ảnh: TH

Ông Phùng Hùng - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho biết, địa phương này đã nhận được 600 triệu đồng từ Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn (Công ty chủ đầu tư của Thủy điện Bản Ang). Tuy nhiên, số tiền này không đủ để tiến hành di dời 6 hộ dân.

“Huyện sẽ đề nghị người dân tự tìm đất làm nhà, rồi trả tiền cho họ mà không phải xây khu tái định cư rồi đưa họ đến. Tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ cho 6 hộ dân là hơn 4,162 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường và hỗ trợ trực tiếp là hơn 3,9 tỷ đồng, gồm giá trị bồi thường về nhà cửa, công trình phụ là 2,087 tỷ đồng; giá trị bồi thường vật kiến trúc là hơn 1,746 tỷ đồng; giá trị bồi thường về cây trồng là 16 triệu đồng; hỗ trợ di chuyển nhà ở trong xã là 18 triệu đồng; hỗ trợ thuê nhà 36 triệu đồng và giá hỗ trợ san nền là 180 triệu đồng”, ông Hùng nói. Tuy nhiên, với chỉ vỏn vẹn 600 triệu đồng, huyện Tương Dương lại phải tiếp tục chờ nguồn.

Mặc dù vậy, 600 triệu đồng này cũng không phải thủy điện bồi thường cho người dân, mà thủy điện cho rằng, đây chỉ là tiền “hỗ trợ trên tinh thần tương thân tương ái”. Trong văn bản gửi chính quyền địa phương về việc hỗ trợ này, Thủy điện Bản Ang vẫn không có một dòng nào nhận trách nhiệm đã gây ra tình trạng nứt nẻ. Phần lớn nội dung văn bản, thủy điện dành để kêu khó khăn trong hoạt động. Phía thủy điện cho rằng, gần đây doanh thu bán điện không đủ để bù đắp chi phí duy trì hoạt động, sản xuất, nhất là các tháng vừa qua doanh thu từ phát điện không đủ để trả nợ ngân hàng...

Người dân cho rằng, những vết nứt này do thủy điện gây ra. Ảnh: TH
Người dân cho rằng, những vết nứt này do thủy điện gây ra. Ảnh: TH

Trong khi đó, theo người dân và cả chính quyền cấp xã, việc sạt lở này là do thủy điện gây ra. Bà Lô Thị Oanh, 1 trong 6 hộ dân nằm trong diện cần di dời cho biết, gia đình đã ở đây từ năm 1988 và chịu bao nhiêu trận lũ lụt, có khi nước đến mái nhà nhưng nước rút thì đâu lại vào đấy, cuộc sống vẫn tiếp diễn. “Từ ngày có thủy điện Ban Ang nhà tôi bị nứt khắp nơi nên không dám ở, phải đi thuê nhà nơi khác với hy vọng chờ được hỗ trợ di dời... Cơ quan chức năng huyện này cũng xác nhận các hộ dân không thể tiếp tục sống tại nơi này và cho biết Nhà máy thủy điện Bản Ang đền bù để di dời đến nơi ở mới”, bà Oanh nói.

Cần quy trách nhiệm cụ thể

Từ hơn một năm trước, huyện Tương Dương đã kiểm tra tình trạng sạt lở và quyết định phải di dời khẩn cấp 6 hộ dân này. Huyện sau đó gửi văn bản đề nghị thủy điện cấp kinh phí di dời, tuy nhiên phía chủ đầu tư một mực từ chối. Huyện Tương Dương đành phải “cầu cứu” lên tỉnh. Ngày 10/1/2020, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản yêu cầu Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn phối hợp làm việc với UBND huyện Tương Dương và các tổ chức, cá nhân có liên quan thống nhất phương án, kinh phí để di dời 6 hộ dân bản Khe Kiền ra khỏi vùng bị sạt lở và vùng có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/2/2020. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn “phủi” nhận trách nhiệm liên quan trong văn bản trả lời UBND tỉnh.

Theo chủ đầu tư, "6 hộ dân cần phải di dời theo kiến nghị của UBND huyện Tương Dương đều nằm trên cốt ngập hồ chứa thủy điện Bản Ang, việc các hộ dân bị nứt nẻ nhà là do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là các hộ này đều nằm ở phần taluy âm của Quốc lộ 7 chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt lũ do thiên tai gây ra, nhất là đợt lũ năm 2018”.

Thủy điện Bản Ang cho rằng, thời gian gần đây, doanh thu phát điện không đủ chi. Ảnh: TH
Thủy điện Bản Ang cho rằng, thời gian gần đây, doanh thu phát điện không đủ chi. Ảnh: TH

Đến tháng 5/2020, sau khi Báo Nghệ An liên tiếp có bài phản ánh về tình trạng sạt lở đe dọa tính mạng và tài sản người dân, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp lên đánh giá tình hình. Sau khi nhận được báo cáo từ đoàn kiểm tra, trung tuần tháng 7, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản, trong đó xác định rõ phải di dời khẩn cấp 6 hộ dân này trước mùa mưa bão 2020. Tỉnh đề nghị chủ đầu tư làm việc với huyện Tương Dương để thống nhất mức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân. Sau văn bản này của tỉnh Nghệ An, phía thủy điện mới chấp nhận hỗ trợ vỏn vẹn 600 triệu đồng trong tổng số kinh phí hơn 4 tỷ đồng để di dời.

Công ty CP Thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn là chủ đầu tư của nhiều thủy điện ở miền Tây Nghệ An. Cách thủy điện Bản Ang không xa là thủy điện Nậm Nơn. Cũng trong đợt xả lũ cuối tháng 8/2018, thủy điện này đã làm trôi và sạt lở nhà của 14 hộ gia đình sống dọc khu vực thủy điện. Nhưng phía thủy điện sau đó vẫn hờ hững với thiệt thòi của người dân. Khiến những hộ này phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” suốt một thời gian dài cho đến khi chính quyền tiến hành xây dựng khu tái định cư cho họ. Mãi đến bây giờ, cuộc sống của người dân vẫn chưa thể ổn định.

Ông Vi Xuân Hải mất cả con trai lẫn nhà cửa vì thủy điện. Ảnh: TH
Ông Vi Xuân Hải mất cả con trai lẫn nhà cửa vì thủy điện. Ảnh: TH

Một năm sau, thủy điện này thậm chí còn xả nước làm một người dân địa phương tử vong. Nhưng ngay sau đó, thay vì nhận trách nhiệm, thủy điện lại chối bay. Sau khi chính quyền vào cuộc, đại diện thủy điện đến nhà nạn nhân, muốn thống nhất bồi thường dân sự 135 triệu đồng nhưng lại kỳ kèo, giảm xuống một nửa số tiền này vì lý do “cả dân và thủy điện đều sai”. Người dân rất bức xúc vì thấy không thỏa đáng.

“Một con người quý lắm, biết bao nhiêu tiền cho đủ mà kỳ kèo chuyện đền bù. Mình làm sai thì mình phải có trách nhiệm”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu thời điểm đó đang là Giám đốc Công an tỉnh nói sau khi trực tiếp đến kiểm tra hiện trường, nghe trình bày của người dân. Ông Cầu sau đó chỉ đạo công an điều tra vụ việc, phía thủy điện lúc đó mới nâng số tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân lên 650 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 công nhân nhà máy thủy điện sau đó vẫn phải bị khởi tố về hành vi vô ý làm chết người.

 Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn cũng là chủ đầu tư của thủy điện Nậm Nơn. Thủy điện này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho người dân xung quanh trong những năm qua. Ảnh: TH
Công ty CP thủy điện Nậm Mô - Nậm Nơn cũng là chủ đầu tư của thủy điện Nậm Nơn. Thủy điện này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho người dân xung quanh trong những năm qua. Ảnh: TH

Nhắc lại vụ việc tương tự này để thấy rằng, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm theo pháp luật. Không thể trông chờ vào sự hỗ trợ với “tinh thần tương thân tương ái” như thời gian qua, để rồi người dân vẫn phải sống trong những ngôi nhà dọa sập. Cần phải xác định rõ, đó là đền bù, là bồi thường vì bị hư hại nhà cửa chứ không thể là hỗ trợ được. Để làm được điều đó, cần sớm thuê tư vấn độc lập để xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở, sụt lún của 6 hộ dân này./.

Tin mới