Cần một chữ HÒA

(Baonghean) - Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Và tuổi trẻ như trang giấy trắng, đã viết vào đó cái gì thì thật khó phai. Thế nên việc giáo dục thế hệ trẻ có ý nghĩa cực kỳ trọng đại đối với cuộc đời của mỗi một con người và tương lai của cả quốc gia, dân tộc. Bởi như người ta vẫn thường nói là gieo gì, gặt nấy.

Minh hoạ: Internet
Minh hoạ: Internet

Thường khi nói về vấn đề giáo dục thế hệ trẻ, người ta hay thống kê ra một loạt những tiêu chí, nội dung như là lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa… Những nội dung đó, dĩ nhiên là rất cần thiết, rất đúng đắn. Nhưng phải nói thật là những khái niệm đó rất mênh mông không dễ gì định hình được ngay trong một thời gian ngắn mà phải bồi đắp dần theo năm tháng.

Nhưng năm tháng cuộc đời thì rất dài và do tác động của xã hội thực tại mà những vấn đề đó ít nhiều bị phai nhạt và bị làm cho méo mó đi. Thế nên, đi cùng với việc giáo dục lớp trẻ những nội dung nêu trên thì nên có thêm một nội dung đơn giản, gọn nhẹ, dễ nhớ, dễ thuộc có tính chất đóng đinh ghim chặt vào trong tư tưởng, tâm hồn của người trẻ và đi theo, chi phối suy nghĩ, hành vi trong suốt cả cuộc đời. Đó chính là khai sáng và giáo dục lớp trẻ nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng theo một chữ HÒA theo nghĩa hòa thuận, hòa hiếu, khoan hòa, chan hòa...

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao loại là chữ HÒA mà không phải là chữ nào khác? Đơn giản là vì cuộc sống hiện tại có quá nhiều tai ương mà nguồn gốc là do con người ta bây giờ hành động và đối đãi với nhau thiếu sự hòa hiếu, khoan hòa mà nặng về tranh đua, giành giật nhau. Tranh đua, giành giật ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lĩnh vực và ở ngay trong những việc nhỏ nhặt nhất hằng ngày. Ra đường thì tranh nhau đi trước dẫn đến phóng  nhanh, vượt ẩu, bất chấp luật lệ. Vào quán gọi đồ ăn thì cũng muốn được ngồi chỗ đẹp, được phục vụ trước. Ở cơ quan thì ngoài chuyện tranh ghế, tranh chỗ vô cùng khốc liệt thì còn tranh hơn thua nhau từ lời ăn, tiếng nói, manh quần, tấm áo cho đến các danh hiệu đủ loại.

Đi lễ chùa chiền, đền, miếu cũng tranh chấp nhau sẵn sàng dẫm lên đầu, lên cổ nhau để vào trước, lên trước tận mặt ban thờ mong thần phật nhìn mặt, nhớ tên để được phù hộ độ trì nhiều hơn người khác. Ai mua bán, sắm sửa được cái gì hơn người khác một chút là vênh vang hết chỗ nói. Còn trên thương trường thì khỏi phải nói người ta tranh đoạt, triệt hạ lẫn nhau bằng mọi thủ đoạn…Trong cuộc sống hằng ngày thì hễ va chạm dù nhỏ nhặt cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay hoặc là rút dao đoạt mạng nhau dễ như trở bàn tay. Nhìn vào xã hội ngày nay có thể thấy cái tôi của con người Việt ta bây giờ lớn quá. Có quá nhiều người chỉ muốn thủ lợi, tranh đoạt mọi thứ cho bản thân, cho gia đình mình mà bỏ qua nhân tình, thế thái, đạo lý ở đời.

Sự tranh đoạt bằng mọi giá đó đã làm mất hòa khí trong xã hội. Gây ra hậu quả vô cùng tồi tệ. Điển hình là như trong mấy ngày nghỉ Tết vừa rồi đã xảy ra  hơn 17 nghìn vụ tai nạn giao thông và hơn 4.600 vụ đánh nhau với hàng trăm người chết, người bị thương tật. Người ta đều cho rằng thủ phạm chính của tình trạng trầm kha này chính là rượu bia... Nhưng đó là là nguyên nhân trực tiếp còn nguyên nhân gián tiếp, sâu xa là do trong con người Việt Nam ta cái chữ HÒA đã bị mai một, bị thiếu hụt đi nhiều và chỉ thích tranh đua bằng mọi cách, mọi giá để được hơn người.

Sự thiếu hụt đó là do  giáo dục “có vấn đề”, như lời một chuyên gia đánh giá là: Một nền giáo dục mà ba “chân kiềng” là triết lý giáo dục, định hướng giáo dục và phương pháp giáo dục đã bị nghiêng ngả dưới áp lực của đời sống kim tiền thì hẳn dẫn con người ta đến chỗ giết nhau chỉ vì mấy chục ngàn bạc, đâm chém nhau chỉ bởi những hiềm khích không đáng có khi va quệt trên đường hay một lời nói qua lại hằng ngày thiếu kiềm chế…Trên cái nền suy mạt đó, lối sống tôn sùng vật chất lại được cổ súy hằng ngày trên phim ảnh và nhiều loại phương tiện truyền thông mới, đã đẩy con người vào chỗ không còn biết phải trái, phép tắc gì nữa là điều tất nhiên.

Ngẫm đi, nghĩ lại cho kỹ thì thực trạng xã hội sẽ không như thế nếu con người ta biết sống khoan hòa với nhau, hòa thuận, hòa hiếu với nhau hơn. Vì sống đúng theo chữ HÒA thì người ta bớt tranh đua, bớt bon chen, bớt xung đột với nhau. Xã hội vì thế mà yên bình hơn. Thế nên, trong công tác giáo dục thế hệ trẻ đang rất cần có một chữ: HÒA.

Bụt Sơn

TIN LIÊN QUAN