Cần nêu gương trong chấp hành, thực thi pháp luật

(Baonghean) - Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nêu gương của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay không ít cán bộ, công chức trong đó có cả đảng viên tự đánh mất mình, vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm, trở thành “những tấm gương mờ” đối với quần chúng.

Vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng

Mọi công dân đều phải chấp hành chính sách pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Đó là điều hiển nhiên, tuy nhiên đã là cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị thì phải có ý thức chấp hành và thực thi pháp luật gương mẫu hơn, nghiêm túc hơn để tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Nguyên tắc đầu tiên trong thi hành công vụ được quy định trong Luật Cán bộ, công chức là: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”. Trong 19 điều đảng viên không được làm cũng quy định rõ đảng viên không được “làm những việc mà pháp luật không cho phép”,“lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ”...

Hình ảnh camera ghi lại nhóm cán bộ quản lý  đến nhà ông Vi Văn Hùng. Ảnh tư liệu
Hình ảnh camera ghi lại nhóm cán bộ quản lý đến nhà ông Vi Văn Hùng ( Thanh Chương). Ảnh tư liệu

Ấy thế nhưng, thời gian qua có không ít trường hợp, cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật dẫn đến bị cơ quan chức năng khởi tố và bị xử lý kỷ luật đảng. Như câu chuyện ở xã Phúc Thành (Yên Thành), do tự ý bán hơn 280 thửa đất trái thẩm quyền và thu về hơn 22 tỷ đồng, nhiều cán bộ trong đó có nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; nguyên Phó Chủ tịch UBND xã, kế toán trưởng; cán bộ địa chính xã này đã bị khởi tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Thành còn bị khai trừ khỏi Đảng

Nhiều cán bộ xã Phúc Thành ( Yên Thành) bị khởi tố. Trong ảnh là Trụ sở xã Phúc Thành
Nhiều cán bộ xã Phúc Thành ( Yên Thành) bị khởi tố về tội " Lạm quyền trong thi hành công vụ". Trong ảnh là Trụ sở xã Phúc Thành. Ảnh: Tư liệu
Tương tự tháng 6/2018, Công an tỉnh phá Chuyên án 418Đ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng nguyên là Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã và cán bộ địa chính xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Quá trình điều tra đã làm rõ trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2006, các đối tượng nêu trên đã có hành vi bán đất trái thẩm quyền cho các hộ dân trên địa bàn với tổng diện tích 77.742 m2 (143 lô đất), gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 1.562.992.000 đồng.
Cũng liên quan đến tội phạm về chức vụ, ngày 14/8/2018, Công an TP Vinh phá Chuyên án 418T, bắt, khởi tố 4 bị can nguyên là cán bộ Hợp tác xã Đông Vĩnh có hành vi “Giả mạo trong công tác” nhằm chiếm đoạt ngân sách Nhà nước thuộc Dự án xây dựng kênh thoát nước Nghi Kim - Nghi Vạn, gây thiệt hại hơn 640 triệu đồng.
Bên cạnh đó không ít trường hợp cán bộ, đảng viên bị khởi tố và chịu hình thức kỷ luật vì hành vi đánh bạc, lừa đảo, buôn bán ma túy và các tệ nạn khác, gây mất niềm tin đối với quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của chính quyền nhà nước các cấp.
Bị cáo Vừ Bá Xênh nguyên giáo viên Trường tiểu học xã Tây Sơn, Kỳ Sơn bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình vì buôn ma túy. Ảnh: tư liệu
Bị cáo Vừ Bá Xênh nguyên giáo viên Trường tiểu học xã Tây Sơn, Kỳ Sơn bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình vì buôn ma túy. Ảnh: tư liệu
Ngoài các hành vi vi phạm pháp luật bị khởi tố, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những sự việc liên quan đến hành vi ứng xử, phẩm chất, đạo đức của đảng viên gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Như vụ việc Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) bị kỷ luật về Đảng bằng hình thức cảnh cáo vì đã dùng tay đấm vào ngực của Trưởng Công an xã khi ông này đang làm nhiệm vụ. Qua xem xét, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Kỳ kết luận hành vi của vị Phó Bí thư Đảng ủy xã “đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên.
Hay sự việc vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của một địa phương trên địa bàn thành phố Vinh bị người dân tố cáo, sau đó được cơ quan chức năng làm rõ, truy thu số tiền sai phạm và nhận kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo do hành vi khai báo hồ sơ giấy tờ không trung thực để nhận chế độ thương binh. Rồi hành động phản cảm ném ghế về phía nữ đồng nghiệp do mâu thuẫn của một nam trưởng phòng tổ chức hành chính một bệnh viện cấp huyện... đều là những câu chuyện buồn đã xảy ra trong năm vừa qua.

Những hành vi này không chỉ là biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đảng viên mà còn liên quan kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tác động xấu tới dư luận xã hội.

Trong năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, khởi tố 5 vụ, 18 bị can phạm tội về chức vụ; tham nhũng, tăng 1 vụ, 15 bị can so với cùng kỳ. Trong đó có 1 vụ, 4 bị can phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; 1 vụ, 1 bị can phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 1 vụ, 4 bị can phạm tội “Giả mạo trong công tác”.

Khoản 5, Điều 2 Quy định 102 -QĐ/TW, ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Chính trị Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nêu rõ: Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

Siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ và những điều đảng viên không được làm ngoài việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống của từng cá nhân còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những biểu hiện suy thoái hay những hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Sự việc hai cán bộ thuộc Đội Quản lý thị trường số 8 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An) bị Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Thanh Chương) ra Quyết định khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (6 triệu đồng) của ông Vi Văn Hùng, một người hành nghề bốc thuốc nam mới đây là một ví dụ điển hình.

Số tiền sai phạm không lớn nhưng là bài học đau xót cho nhiều cán bộ, công chức trong thi hành công vụ cũng như của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, giáo dục cán bộ, công chức. Bởi trên thực tế, ở một số nơi việc kiểm tra, giám sát không được thực hiện thường xuyên và kịp thời, nên khi phát hiện vi phạm đã quá muộn, không chỉ mất cán bộ, đảng viên mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khi phát hiện các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức thì xử lý chưa nghiêm, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, phong tỏa thông tin vì sợ ảnh hưởng đến thành tích, uy tín của tập thể.

Hai cán bộ quản lý thị trường bị khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.Ảnh: Khánh Ly
Hai cán bộ quản lý thị trường bị khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.Ảnh: tư liệu
Để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hành vi vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nói chung, đảng viên nói riêng, các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ.
Bên cạnh đó cũng cần xử lý nghiêm các sai phạm kết hợp giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng để phòng ngừa cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là mỗi cán bộ, công chức nhất là người đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện và tự giác “nêu gương” trong việc chấp hành kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ và chính sách pháp luật của Nhà nước. Đừng tự biến mình thành một bộ phận không nhỏ những “công bộc của dân” suy thoái về đạo đức, lối sống, trở thành “những tấm gương mờ” bị quần chúng quay lưng, xã hội lên án...

Công chức vi phạm pháp luật được xử lý theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Các hành vi bị xử lý kỷ luật gồm:

1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.

2. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin mới