Cần quan tâm hơn nữa đến lao động đặc thù

(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, công đoàn đóng vai trò quan trọng đối với các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Và để nâng cao hiệu quả của các tổ chức công đoàn thì việc đổi mới hình thức hoạt động là điều được nhiều công đoàn các cấp mong mỏi, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến lao động đặc thù.

Báo Nghệ An ghi lại ý kiến của công đoàn cơ sở về hoạt động của công đoàn và nguyện vọng của người lao động hiện nay.

Ông Phạm Hữu Thắng - Phó trưởng Phòng Tổ chức hành chính - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An: 

Công nhân vệ sinh môi trường đang làm việc tại đường Lê Lợi. Ảnh: Đức Anh
Công nhân vệ sinh môi trường đang làm việc tại đường Lê Lợi. Ảnh: Đức Anh

Thời gian qua, hoạt động của công đoàn cấp trên có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, đặc biệt là trong việc chăm lo đời sống công nhân và người lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn, không may bị bệnh hiểm nghèo. Tôi cho rằng những hoạt động như xây dựng mái ấm công đoàn, hỗ trợ cho những công nhân không có điều kiện để đón tết hay chương trình Tết sum vầy là rất thiết thực và hiệu quả, được công nhân người lao động đánh giá cao. Những năm gần đây, LĐLĐ tỉnh cũng đã quan tâm đến các hoạt động văn hóa, thể thao và đó là nguồn động viên tinh thần to lớn với công nhân người lao động.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Tôi cũng mong thời gian tới, công đoàn các cấp tiếp tục cần đẩy mạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhất là các hoạt động có tính nhân văn như phong trào ủng hộ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm đến lĩnh vực nhà ở xã hội ở các khu công nghiệp và tiếp tục có tiếng nói để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng với người lao động.

Với công ty chúng tôi, hoạt động ở lĩnh vực ngành nghề độc hại, tôi cũng có những băn khoăn về giải quyết chế độ hưu trí và chính sách cho người lao động. Cụ thể, do ngành nghề đặc thù của chúng tôi, độ tuổi về hưu của lao động nữ thường là 45 và nam là 50. Tuy nhiên, theo quy định mới của luật lao động thì độ tuổi của nữ phải là 50 tuổi 3 tháng và nam là 55 tuổi 4 tháng. Thế nên hiện nay, nhiều lao động sức khỏe đã giảm sút, họ có nguyện vọng về hưu sớm nhưng việc giám định rất khó khăn và chúng tôi mong LĐLĐ và cơ quan bảo hiểm xã hội cần có tiếng nói để tạo điều kiện để người lao động ở những ngành nghề đặc thù được giải quyết chế độ để được về hưu sớm trước tuổi.

Clip: Đức Anh

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Giáo viên Tin học, Trưởng ban Nữ công - Trường THPT Nguyễn Trường Tộ:

Giờ lên lớp của giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Đức Anh
Giờ lên lớp của giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Đức Anh
Những năm qua, mặc dù là một trường ngoài công lập nhưng công đoàn trường chúng tôi cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Bên cạnh đó, công đoàn nhà trường cũng đã nỗ lực để nâng cao đời sống của người lao động, chăm lo đời sống tinh thần như: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan học tập kinh nghiệm; giúp đỡ các đoàn viên công đoàn khó khăn; triển khai các chương trình phúc lợi trong đoàn viên.
Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Tuy nhiên, như tôi cũng đã chia sẻ, trường chúng tôi là một trường ngoài công lập, đặc thù còn rất nhiều khó khăn và so với các giáo viên khác ở các trường công lập chúng tôi cũng có những thiệt thòi. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ở trường chúng tôi may mắn giáo viên vẫn được chi trả lương đầy đủ. Tuy nhiên, có hàng nghìn giáo viên trên toàn tỉnh, vì không có kinh phí nên nhiều tháng liền học sinh nghỉ học, giáo viên không có lương, đời sống bị ảnh hưởng. Hiện nay, rất nhiều trường ngoài công lập thu nhập của giáo viên cũng rất thấp, đời sống bấp bênh. Giáo viên ngoài công lập, điều kiện học tập nâng cao trình độ cũng hạn chế và điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình đổi mới giáo dục.

Từ thực tế này, tôi mong muốn, trong thời gian tới các hoạt động của công đoàn ngành và công đoàn cấp trên sẽ tiếp tục quan tâm đến đối tượng lao động đặc thù ở các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hoạt động tương thân, tương trợ đối với giáo viên và cả học sinh và thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người lao động.

Tiến sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Văn Cương - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An:

Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đức Anh
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đức Anh
Với một địa bàn khá phức tạp, khá khó khăn như tỉnh Nghệ An, số lượng dân cư tương đối đông và phải điều trị cho các đơn vị bạn, triển khai thông tuyến... thì áp lực của các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Hữu nghị đa khoa, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Nội tiết... khá lớn. Trong bối cảnh này, chúng tôi xác định để nâng cao hiệu quả hoạt động thì càng phải quan tâm đến đời sống, chính sách của người lao động để vừa khích lệ, vừa động viên họ hoàn thành nhiệm vụ và yên tâm công tác. Hiện nay, việc thực hiện cơ chế tự chủ của các bệnh viện đã phần nào giúp các bệnh viện thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động. Tất nhiên, muốn thực hiện hiệu quả thì phải phụ thuộc vào trách nhiệm đội ngũ quản lý. Bên cạnh đó, người lao động làm việc trong lĩnh vực y tế khá là độc hại và nguy hiểm, do đó, các đơn vị cũng phải quan tâm đến môi trường làm việc, có chế độ đặc thù cho cán bộ y tế làm việc áp lực cao, trách nhiệm lớn. Việc đảm bảo này sẽ giúp cho các đơn vị y tế ổn định công việc, cán bộ y tế mới yên tâm cống hiến với nghề, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, trọng trách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng y tế của tỉnh nhà.
Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Trong bối cảnh hiện nay, tôi mong muốn thời gian tới, đội ngũ y bác sĩ tiếp tục được quan tâm để đi đào tạo nâng cao tay nghề, cập nhật các kiến thức, kỹ năng tiên tiến, chuyển giao khoa học kỹ thuật và có nhiều hơn cán bộ kỹ thuật cao để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao người bệnh và vươn tới khu vực và thế giới.

Clip: Đức Anh

Tin mới