Cần rà soát kỹ hồ sơ tồn đọng, giải quyết chế độ kịp thời cho người có công

(Baonghean.vn) - Đồng chí Lê Minh Thông khẳng định việc rà soát những hồ sơ tồn đọng để giải quyết chính sách cho người có công là việc làm hết sức khó khăn. 

Chiều 5/6 UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các thành viên thuộc Ban chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh Nghệ An để triển khai kế hoạch thực hiện công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Minh Thông – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Tại hội nghị, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thông báo, hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công là hồ sơ đã lập trước ngày 01/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã thiết lập đầy đủ nhưng thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Các thành viên Ban chỉ đạo tham gia buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga.
Các thành viên Ban chỉ đạo tham gia buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài đối tượng là liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại Quyết định số 408/ QĐ – LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ lao động– Thương binh và Xã hội và Kế hoạch số 240/ KH – UBND ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh Nghệ An. Ban chỉ đạo xác nhận người có công đề nghị các huyện thành, thị tiến hành rà soát, xem xét giải quyết tất cả đối tượng kê khai đề nghị giải quyết chế độ với người có công quy định tại Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, Ban chỉ đạo thống nhất, tất cả những đối tượng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng như: Người bị chết đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ hoặc đã được giải quyết chế độ tử sỹ, quân nhân từ trần, tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh; người bị thương đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hoặc đã được giải quyết chế độ tại nạn lao động, tai nạn chiến tranh, đều không được áp dụng trong danh mục hồ sơ tồn đọng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thăm và tặng quà thương binh tại khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An nă 2016. Ảnh : Internet.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thăm và tặng quà thương binh tại khu điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An năm 2016. Ảnh : Internet.

Nguyên tắc thực hiện thủ tục giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công cần phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn  thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban chỉ đạo cho biết, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng hiện gặp rất nhiều khó khăn vì hiện nay có rất nhiều hồ sơ thương binh giả; vẫn có những liệt sỹ đã lập hồ sơ nhưng được xác nhận vẫn còn sống tại Lào, Campuchia

Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Nga

Ngược lại có nhiều hồ sơ chưa thể giải quyết được vì thiếu hồ sơ gốc mặc dù được đơn vị, địa phương, Hội bị địch bắt tù đày xác nhận.

Tại buổi làm việc Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã  hướng dẫn chi tiết quy trình xét duyệt đề nghị xác nhận người có công, nếu hồ sơ đã hoàn thiện gửi về Hội đồng xác nhận người có công cấp xã. Nếu hồ sơ chưa hoàn thiện thì đối tượng cần bổ sung một trong các loại giấy tờ, căn cứ pháp lý chứng minh thời gian tham gia cách mạng, kháng chiến và bị thương, hi sinh,...; Có bản cam kết của người kê khai đề nghị xác nhận người có công được UBND các cấp xác định.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Thông cho rằng: Để việc giải quyết chính sách cho người có công đạt hiệu quả, các thành viên ban chỉ đạo cần mở rộng phạm vi đối tượng rà soát hồ sơ. Bên cạnh đó cần rà soát lại tất cả các hồ sơ tồn đọng còn thiếu những gì vì sao chưa được giải quyết.

Đồng chí khẳng định việc rà soát những hồ sơ tồn đọng để giải quyết chính sách cho người có công là việc làm hết sức khó khăn vì vẫn còn nhiều hồ sơ thương binh giả. Bên cạnh đó tỷ lệ thương binh, liệt sỹ người có công chưa được công nhận còn cao, nên yêu cầu ban chỉ đạo phải phân công nhiệm vụ cụ thể, hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn thông qua sự góp ý của các thành viên ban chỉ đạo.

Đồng chí yêu cầu: “Để công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công đạt hiệu quả, ngoài các nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo, UBND các xã, phường, thị trấn cần tổ chức tuyên truyền, thông tin trên hệ thống loa truyền thanh cấp phường, thị trấn; tổ chức, sinh hoạt quán triệt về chủ trương, quan điểm, phương pháp triển khai việc xem xét giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng để nhân dân được biết, đồng thời giám sát việc thực hiện ngay từ cơ sở.”

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới