Cần sớm hoàn thành dự án Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu

Nông trường Đông Hiếu là nơi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm ngày 10/12/1961, trong dịp lần thứ hai Người về thăm quê hương. Chỉ 3 ngày ngắn ngủi từ 8-10/12/1961, với lịch trình dày đặc nhưng Bác đã dành nhiều thời gian để đi thăm nông trường và động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện đắc lực cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngược dòng lịch sử, Nông trường Đông Hiếu thành lập trên khu vực các đồn điền cà phê của tư bản Pháp trước đây. Do vùng đất Phủ Quỳ (tên gọi tắt của Phủ Quỳ Châu, gồm 3 huyện Nghĩa Đường, Quế Phong và Thuý Vân trước đây), là vùng đất đỏ bazan màu mỡ hạng nhất Đông Dương. Từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã nhòm ngó vùng đất này nhằm chiếm đất để lập đồn điền. Nghị định ngày 15/10/1890 của Toàn quyền Đông Dương đã cho phép tư bản thực dân mỗi người chiếm một lúc 500 ha đất. Năm 1913, có 2 tên tư bản Pháp đã lập đồn điền đầu tiên ở Phủ Quỳ, thuộc khu vực phía Đông sông Hiếu, bao gồm: Vonte lập nên đồn điền Tiên Sinh, Nai Sinh, Trạm Lụi; và Muttong đã lập đồn điền Yên Tâm vùng Đông Du (đây là những đồn điền nằm trọn trong lòng Nông trường Đông Hiếu do chính quyền ta thành lập).

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, các đồn điền về tay chính quyền cách mạng, được gọi chung là Ban Tổng quản đồn điền. Cuối năm 1947, Ban Tổng quản đồn điền đổi tên thành Hạt khẩn hoang di dân Nghệ An và đến năm 1949 đổi thành Trại doanh điền Quốc gia Phủ Quỳ. Đến năm 1955 thì chính thức đổi thành Nông trường Quốc gia Phủ Quỳ.

Vị trí Nông trường Đông Hiếu hiện thuộc địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh: Google maps
Vị trí Nông trường Đông Hiếu hiện thuộc địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh: Google maps

Bước vào thời kỳ 3 năm khôi phục kinh tế (1958 – 1960) sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng và Chính phủ có chủ trương phát triển thành phần kinh tế quốc doanh làm lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ mới, ngày 24/3/1956, Bộ Nông Lâm đã ban hành Quyết định thành lập 2 nông trường Đông Hiếu và Tây Hiếu, lấy sông Hiếu làm ranh giới. Nông trường Quốc doanh Đông Hiếu ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc Việt Nam.

Sau khi chia tách, ngoài việc mở rộng diện tích trồng cà phê, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Cu Ba, Nông trường Đông Hiếu đã đưa các loại cây công nghiệp khác trồng trên các đồi đất đỏ bazan như cao su, thuốc lá, cam…; cùng các loại lợn giống, lợn thịt, bò… vào chăn nuôi.

Trong những năm 1960-1961, hòa nhịp với phong trào đồng khởi của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, sau ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, Đảng bộ Nghệ An đã phát động các chiến dịch “An Ngãi quật khởi”, “Lam Trà nổi sóng”. Đặc biệt là hưởng ứng chủ trương phát triển thành phần kinh tế quốc doanh của Đảng và Chính phủ, Nông trường Đông Hiếu đã lập nhiều thành tích nổi bật trong khai hoang, mở rộng diện tích trồng cây, phát triển chăn nuôi, trồng mới các loại cây dài ngày… trở thành “lá cờ đầu” trong sản xuất nông nghiệp của khối các nông trường Quốc doanh miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được trao tặng danh hiệu “Vừng hồng Đông Hiếu”. Đây cũng chính là lý do Nông trường Đông Hiếu vinh dự được Bác Hồ chọn làm điểm dừng chân tiếp theo sau khi đi thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành.

Đại diện cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu đón Bác về thăm; Bác Hồ thăm vườn cà phê và khu trại chăn nuôi của Nông trường Đông Hiếu. Ảnh: Tư liệu
Đại diện cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu đón Bác về thăm; Bác Hồ thăm vườn cà phê và khu trại chăn nuôi của Nông trường Đông Hiếu. Ảnh: Tư liệu

Trở lại sự kiện ngày 10/12/1961, trong khoảng 7 giờ đồng hồ (từ 8h30’ đến 15h30’), từ khi máy bay trực thăng mang số hiệu 5951-0 chở Bác đáp xuống sân vận động Nông trường Đông Hiếu (nay là Trường Tiểu học Đông Hiếu), Bác đã đi thăm nhiều nơi, ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện đắc lực cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một sự kiện, trọng đại không chỉ với cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu, mà còn cả với Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân huyện Nghĩa Đàn, nay là thị xã Thái Hòa nói chung…

Thời gian này chúng tôi (P.V) có dịp về thăm cụm di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu (gồm Sân vận động nông trường Đông Hiếu, Nhà khách Nông trường Đông Hiếu, Ao cá Bác Hồ, Lô cà phê 119). Dù cảnh quan, hiện vật đã thay đổi nhiều so với hơn 60 năm trước, nhưng những câu chuyện về Bác thì vẫn còn hiện hữu. Hiện tại, nhà truyền thống nông trường còn lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu quý về chuyến thăm của Bác. Đặc biệt, trong nhà truyền thống của xã Đông Hiếu – trước đây là nhà khách của nông trường – nơi Bác nghỉ trưa, còn có nhiều hiện vật có giá trị như chiếc giường Bác nằm, bát đũa Bác ăn, quần áo Bác mặc, chiếc chăn hoa Bác đắp khi nghỉ trưa; chiếc gậy được Bác tặng cho cán bộ nông trường, cùng micro tại buổi nói chuyện của Bác…

Những hình ảnh, hiện vật quý về Bác đang được lưu giữ tại Nhà lưu niệm của xã Đông Hiếu và Phòng truyền thống của Nông trường Đông Hiếu. Ảnh: Tiến Đông
Những hình ảnh, hiện vật quý về Bác đang được lưu giữ tại Nhà lưu niệm của xã Đông Hiếu và Phòng truyền thống của Nông trường Đông Hiếu. Ảnh: Tiến Đông

Ghi nhận những giá trị to lớn của di tích, nơi lưu dấu ấn của Bác với nhân dân miền Tây Nghệ An, năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận và cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Nhà khách Nông trường Đông Hiếu – nơi đón tiếp Bác Hồ về thăm ngày 10/12/1961. Đến ngày 23/12/2015, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4479/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia đối với các địa điểm lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu.

Điều đáng mừng nhất là để phát huy giá trị của cụm di tích này, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, HĐND và UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu. Đặc biệt, vào ngày 29/6/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3051/QĐ.UBND-XD về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu. Đến ngày 7/10/2016 thì ban hành Quyết định số 4855/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng: Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu.

Nhà khách của Nông trường Đông Hiếu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006; Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích quốc gia với di tích lịch sử các địa điểm lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu. Ảnh T.Đ - Tư liệu
Nhà khách của Nông trường Đông Hiếu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006; Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích quốc gia với di tích lịch sử các địa điểm lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu. Ảnh T.Đ - Tư liệu

Sau nhiều năm chờ đợi, đến ngày 15/1/2020, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 144/QĐ-UBND về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình: Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu. Đến tháng 4/2020 thì dự án này đã được khởi công, và dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành. Cụ thể, dự án này được xây dựng trên diện tích đất quy hoạch 10,166 ha, bao gồm các hạng mục như: bảo tồn, nâng cấp nhà lưu niệm, nhà bia; xây dựng quảng trường; nhà bia dẫn tích; cùng nhiều hệ thống phụ trợ. Tổng mức đầu tư của dự án này được xác định là hơn 54 tỷ đồng.

Cụm di tích lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu, có vị trí khá gần nhau và gần với đường Hồ Chí Minh – tuyến đường giao thông huyết mạch, giao với Quốc lộ 48. Dự án này đã được khởi công trong sự mong đợi của đông đảo nhân dân thị xã Thái Hòa nói chung và cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu nói riêng. Theo quyết định đến năm 2024, dự án này sẽ hết hạn. Vậy nhưng, nhìn những đống gạch, đá ngổn ngang tại khu vực thi công chính của dự án khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Tấm biển quy hoạch tổng thể dự án Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu. Ảnh: Tiến Đông
Tấm biển quy hoạch tổng thể dự án Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại công trình này đang tạm dừng thi công, trong khi đó, hạng mục quảng trường trung tâm của dự án cũng mới dựng được một đài hoa hình chóp nón đang dang dở, nhiều lớp gạch đã bị bong tróc. Phía giáp với đường Hồ Chí Minh, chỉ có một nhà bia đã hoàn thành phần xây dựng nhưng xung quanh toàn cỏ dại.

Ông Hồ Công Sâm – Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu cho biết: Theo như thiết kế thì dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn để thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 hiện nay đang được triển khai nhưng chưa hoàn thành; đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho khoảng 7 hộ dân và để dự án này hoàn thiện thì phải di dời cả trụ sở UBND xã Đông Hiếu.

Khu vực quảng trường hiện chưa hoàn thành. Ảnh: Tiến Đông
Khu vực quảng trường hiện chưa hoàn thành. Ảnh: Tiến Đông

Điều ông Sâm cũng như nhân dân xã Đông Hiếu mong mỏi là dự án sớm hoàn thành, bởi nếu để lâu thì việc khoanh vùng, bảo vệ các điểm di tích gặp nhiều khó khăn. Chưa kể việc bảo quản các tư liệu, hiện vật về Bác lâu nay địa phương cũng đang tự làm. Nếu để lâu thì các hiện vật này cũng rất dễ bị hư hỏng và hơn hết là không phát huy được những giá trị của nó.

Lo lắng hơn, là khi chúng tôi đến thăm trụ sở Nông trường Đông Hiếu, tại đây có 1 phòng truyền thống, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu gốc về chuyến thăm của Bác thì đã bị xuống cấp, ẩm mốc. Phía trước nhà truyền thống có 1 tượng đài Bác Hồ với các bức phù điêu và mô phỏng ao cá Bác Hồ, được xây dựng từ hơn 30 năm trước, nhưng đến nay cũng đã bị xuống cấp. Trao đổi với chúng tôi, một số vị lãnh đạo UBND thị xã Thái Hòa cũng trăn trở về việc dự án mãi chưa thực hiện xong./.

Công trình hiện tại vẫn đang ngổn ngang với những kiện đá lát nằm xen lẫn cây cỏ mọc um tùm. Ảnh: Tiến Đông
Công trình hiện tại vẫn đang ngổn ngang với những kiện đá lát nằm xen lẫn cây cỏ mọc um tùm. Ảnh: Tiến Đông

Có thể thấy rằng, việc đầu tư xây dựng Dự án Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu là điều hết sức cần thiết. Với địa thế của nó, sẽ góp phần tạo điểm nhấn thu hút các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng; góp phần phát triển du lịch cho thị xã Thái Hòa trong quần thể du lịch vùng Tây Bắc Nghệ An, và trong tuyến hành trình theo đường mòn Hồ Chí Minh. Vì thế, rất cần sớm hoàn thành dự án để nâng tầm khu di tích, tương xứng với giá trị, ý nghĩa lịch sử của vùng đất này.

Đặc biệt, ngày 10/12/1961 – ngày Bác Hồ về thăm Nông trường cà phê Đông Hiếu cũng được Chính phủ chọn làm Ngày Cà phê Việt Nam. Dù rằng cây cà phê tại Phủ Quỳ đã dần mai một, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng rằng, một ngày nào đó, cây cà phê sẽ được khôi phục ở vùng đất đỏ bazan này, và hơn hết nó đã đi vào lịch sử, một sự kiện quy mô, gắn với nguồn gốc ra đời của Ngày Cà phê Việt Nam, tại chính mảnh đất mà Bác Hồ đã về thăm.