Cần tăng tính răn đe xử lý các vi phạm về thuế

(Baonghean.vn) - Góp ý vào Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Luật cần làm rõ những hành vi cần xử lý hành chính, và hành vi nào chuyển sang xử lý hình sự, nhằm tạo tính răn đe của Luật Quản lý thuế.
Sáng 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy góp ý kiến vào dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Các Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Sáng 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy góp ý kiến vào dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Các Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Chống thất thu thuế

Góp ý vào nội dung Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ông Nguyễn Hồ Cảnh (cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh) đề nghị: Điều 3, Điểm 5 về việc xác nhận trụ sở của doanh nghiệp để làm cơ sở thu thuế, cần có sự linh hoạt hơn để các doanh nghiệp gắn liền với địa bàn hoạt động kinh doanh và tránh thất thu thuế.

Ông Cảnh nêu dẫn chứng: Nghệ An có hơn 30 ngân hàng hoạt động trên địa bàn nhưng chỉ có Ngân hàng Bắc Á nộp thuế cho tỉnh; các doanh nghiệp khai thác tài nguyên, xây dựng công trình trên địa bàn các huyện nhưng lại nộp thuế ở thành phố Vinh.

Hội nghị
Hội nghị ghi nhận sự đóng góp ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Thanh Lê

Cùng chung quan điểm, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hóa cho rằng, doanh nghiệp kê khai thuế, chịu sự quản lý của địa bàn nào thì nộp thuế tại đó để tạo sự công bằng giữa các đơn vị nộp thuế. Đồng thời dự thảo Luật cần quy định chế độ hậu kiểm nhằm chống thất thu thuế.

Ngoài ra, quy định về chế tài xử lý thuế cần chặt chẽ hơn bởi trong Luật chỉ mới quy định xử phạt vi phạm hành chính. “Luật cần làm rõ hành vi nào xử lý hành chính, hành vi nào chuyển sang xử lý hình sự. Như vậy, mới tạo tính răn đe của Luật Quản lý thuế” - ông Nguyễn Văn Hóa nói.

Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần tách bạch những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế đối với cơ quan, cán bộ, công chức ngành Thuế và đối với cá nhân, tổ chức nộp thuế.

Đối với Điều 59, Mục 2 cần nói rõ: Mức tính tiền chậm nộp thuế bằng mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước trên số tiền nộp chậm ở cùng thời điểm cho phù hợp với quy định của Nhà nước đối với việc thi hành án dân sự, thay cho 0,03%/ngày như trong dự thảo.

Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có 17 chương, 152 điều đang được lấy ý kiến đóng góp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia, sau 6 lần chỉnh sửa đã trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2018 và dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019.

Dự án Luật Quản lý thuế lần này có nhiều sửa đổi, bổ sung, quy định mới, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm đáp ứng được yêu cầu cải cách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cũng như cơ quan quản lý thuế, tạo hành lang thông thoáng, minh bạch và công bằng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Quy định rõ các biện pháp về cưỡng chế thuế

Đối với Chương 14 về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, các đại biểu cho rằng, 12 điều trong chương đã viết khá rõ, nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở cho các đối tượng nộp thuế “lách luật” gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế và thất thu tiền của Nhà nước.

Các biện pháp kê khai không được thực hiện động bộ, nhất là cưỡng chế qua trích tiền từ tài khoản của đối tượng nộp thuế. Khi còn thời hiệu thì tài khoản không có tiền, nhưng khi chuyển qua biện pháp khác thì tiền lại về tài khoản.

Cán bộ Chi cục Thuế Vinh giải quyết thủ tục hành chính về thuế cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Chi cục Thuế Vinh giải quyết thủ tục hành chính về thuế cho doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh đó, việc quản lý những người buôn bán tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi) nhỏ lẽ không có hóa đơn bán hàng đang gây thất thu lớn cho Nhà nước.

Vì vậy, nội dung của Luật cần viết rõ hơn các biện pháp cưỡng chế, trong đó ưu tiên thu bằng hình thức trích tiền từ tài khoản và biện pháp này không có thời hạn. Cùng với đó, có thể cho phép cơ quan thuế chọn thêm một biện pháp khả thi khác để thực hiện nhằm đảm bảo nghiêm minh việc cưỡng chế thuế.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị một số vấn đề như: cần phân loại quy định đối tượng, mức nộp thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử; xem xét lại cách dùng tên hội đồng tư vấn thuế cấp xã, phường, thay vào đó nên đặt tên là hội đồng thuế và chủ thể quản lý là UBND xã phường, ngân sách do UBND, phường chi trả để tăng hiệu lực, hiệu quả của hội đồng thuế, trách nhiệm của thanh tra, kiểm toán; công tác ủy nhiệm thu nên để xã, phường đảm nhiệm,…

Phó Chi cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Hà Lê Dũng báo cáo công tác cải cách hành chính của Ngành Thuế. Ảnh Thanh Lê
Phó Chi cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Nguyễn Hồng Hải phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận, đánh giá cao ý kiến phát biểu trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu. Các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, kiến nghị và tham gia góp ý tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Tin mới