Cần tạo chuyển biến về chất trong lực lượng công an nhân dân

(Baonghean.vn) - Đây là một trong nội dung được các đại biểu góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức sáng 10/9.

Sáng 10/9, dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Cầu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Thanh Lê
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có 7 chương, 48 điều, trong đó bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có 6 chương, 40 điều, trong đó bổ sung 4 điều, sửa đổi 15 điều so với Luật Đặc xá năm 2007.

Hai dự thảo luật này dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm 2018.

Góp ý vào dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật gia Hồ Bá Võ cho rằng: Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân, theo Điều 6 quy định: Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi có thể được tuyển vào CAND.

 “Có thể được" là thuật ngữ quy định tùy nghi, chứ không phải quy định đương nhiên, không phải cứ tốt nghiệp xuất sắc là đương nhiên được tuyển vào công an. Ông Võ dẫn chứng: Một số sinh viên đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân, điểm tuyệt đối, vào khoa chất lượng cao, ra trường tốt nghiệp loại giỏi nhưng khi làm việc trung bình. Vì vậy, việc tuyển dụng lực lượng công an cần phải có tiêu chí năng khiếu, nghiệp vụ trong thực tiễn.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh làm rõ những vấn đề các đại biểu quan quan tâm. Ảnh Thanh Lê
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm. Ảnh Thanh Lê

Về phong hàm cấp tướng, ông Võ cho rằng không thể để tất cả giám đốc công an tỉnh đều được phong hàm thiếu tướng theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Cần có quy định cụ thể, nên phong tướng cho giám đốc công an tỉnh đối với tỉnh, thành phố loại I.

Luật gia Hồ Bá Võ cho rằng: Bố trí công an xã chính quy là yêu cầu thực tiễn cấp thiết vì nguồn lực ở cấp xã bất cập, nên công an xã không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Còn bà Hoàng Thị Liên – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Nghệ An: Mục tiêu là xây dựng ngành công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng” nhưng dự án luật lại không quy định rõ cơ cấu tổ chức bộ máy, không quy định chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các bộ phận trong bộ máy thì bất hợp lý, chúng ta phải chính quy ngay trong Luật.

Bà Hoàng Thị Liên- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh đề nghị cần
Bà Hoàng Thị Liên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh đề nghị cần tạo sự chuyển biến về chất trong bộ máy công an nhân dân. Ảnh: Thanh Lê

Phó Chủ tịch Thường Trực Hội Luật gia tỉnh trăn trở: Làm thế nào tạo sự chuyển biến về chất trong lực lượng cán bộ thuộc bộ máy công an nhân dân; tạo ra lực lượng công an nhân dân chính quy tinh nhuệ, hiện đại. Để có sự thay đổi về chất, cần làm tốt lựa chọn tuyển dụng từ đầu vào, tránh “lỗ hổng” quản lý đầu vào bất cập, hạn chế như thời gian qua.

Nhìn tổng qua các kênh cho thấy bộ máy Công an nhân dân thời gian qua cồng kềnh, dôi dư biên chế. Cần phải có chương riêng quy định về tổ chức bộ máy CAND trong Luật này.

Liên quan đến nội dung chính quy công an xã, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh khẳng định: Chính quy lực lượng công an xã về chiến lược lâu dài rất cần thiết.

Đại diện Trại giam số 3- Bộ Công an góp ý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Ảnh Thanh Lê
Đại diện Trại giam số 3 - Bộ Công an góp ý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Ảnh: Thanh Lê

“Tuy nhiên, điều trăn trở là cả nước hiện có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có 5 cán bộ Công an, Bộ Công an phải bố trí trên 4 vạn cán bộ, điều này sẽ phình to số lượng hưởng lương từ ngân sách, ảnh hưởng đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia”- bà Liên nói.

Đối với dự thảo Luật đặc xá (sửa đổi), các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định chặt chẽ điều kiện để được đề nghị đặc xá để tránh tình trạng lạm dụng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

Ông
Luật gia Hồ Bá Võ góp ý các dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Ảnh: Thanh Lê

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp và chọn lọc những ý kiến đảm bảo tính khoa học, khả thi, đảm bảo nguồn lực để trình Quốc hội thông qua, ban hành các dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có chất lượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Tin mới