Cần tẩy chay “thịt chó bẩn” ra khỏi đời sống xã hội!

(Baonghean) - Sau loạt bài “Cẩn trọng với thịt chó bẩn” đăng trên báo Nghệ An các số ra từ ngày 23 đến 26/1/2013, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, và ông đã có ý kiến như vậy.

Ông Đào Trọng Dũng

Phóng viên (P.V): Ông có nhận xét gì về loạt bài “Cẩn trọng với thịt chó bẩn” báo Nghệ An đã đăng từ ngày 23 - 26/1/2013.

Ông Đào Trọng Dũng: Loạt bài “Cẩn trọng với thịt chó bẩn” mà Báo Nghệ An đăng tải đã rung lên tiếng chuông cảnh báo đến những người “đam mê” với món thịt chó, đồng thời cũng nhắc nhở cho các cơ quan chức năng cần vào cuộc để đảm bảo an toàn chất lượng cho loại thực phẩm này. Nạn trộm chó từ trước được biết đến với những cách bắt trộm bằng  thít cổ chó (gây ngạt), cướp giật trên tay người dẫn chó đi dạo… nhưng nay, bọn trộm chó đã liều lĩnh dùng các chất độc để đánh bả và một số cửa hàng kinh doanh thịt chó đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, cố tình đưa thịt chó “bẩn” vào kinh doanh. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần cùng vào cuộc quyết liệt để sớm chấm dứt  hiện tượng này, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

P.V: Vai trò Chi cục ATVSTP như thế nào đối với việc đảm bảo ATTP nói chung và “thịt chó bẩn” nói riêng trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Đào Trọng Dũng: Theo Luật An toàn thực phẩm, vai trò của ngành Y tế nói chung và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế và UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước 5 loại nhóm hàng: thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai, nước uống tinh khiết; dụng cụ, bao gói chứa đựng thực phẩm. Đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Như vậy, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc trách nhiệm của ngành Y tế.

Theo phân cấp của Luật An toàn thực phẩm thì các cửa hàng kinh doanh thịt chó thuộc thẩm quyền quản lý của UBND phường, xã, thị trấn với sự tham mưu chủ đạo của Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và trạm Y tế các xã, phường, thị trấn.

Với chức năng của mình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sẽ chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và thị xã để từ đó các đơn vị này kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

P.V: Vấn nạn “thịt chó bẩn” đang gây dư luận xấu cho xã hội. Ông có suy nghĩ gì và đâu là vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới?

Ông Đào Trọng Dũng: Vấn nạn “thịt chó bẩn” không chỉ làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm đau đầu cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATVSTP và an ninh trật tự xã hội. Hiện tượng này cần được hạn chế tối đa và phải được tẩy chay ra khỏi đời sống xã hội.

Vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới, theo tôi, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ các chủ nuôi chó, các cơ quan đảm bảo an ninh trật tự, các cơ quan quản lý ATVSTP, các chủ nhà hàng thịt chó đến người tiêu dùng…

Riêng đối với ngành Y tế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm, tập huấn kiến thức và nâng cao hiểu biết về ATVSTP cho người dân, các chủ cửa hàng thịt chó…; Phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn; Tiến hành thanh, kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, nếu phát hiện có độc tố (như cyanua, thủy ngân…) trong thịt chó hàng hóa thì xử lý nghiêm theo luật định. Đồng thời, chúng tôi nghĩ với loại hình kinh doanh thịt chó như tình hình hiện nay, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thẩm định chặt chẽ các điều kiện: địa điểm, mặt bằng, con người, chứng minh xuất xứ nguồn hàng, các cam kết đảm bảo ATVSTP… Nếu đảm bảo an toàn, chất lượng thì mới cấp giấy phép kinh doanh. Nhưng, quan trọng hơn hết là người dân, cộng đồng nên có thái độ tẩy chay “thịt chó bẩn” khỏi đời sống xã hội.

P.V: Xin cảm ơn ông!

P.V (thực hiện)

Tin mới