Cẩn thận với thực phẩm 'quê' xuất xứ từ Trung Quốc

(Baonghean) - Trao đổi, kinh doanh, mua bán thực phẩm qua mạng là một xu thế hiện nay. Tuy nhiên, việc giao dịch trên loại hình 'chợ' này chưa có cơ chế ràng buộc và đặc biệt việc đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó kiểm soát.
Hàng ngày, thay vì đi chợ truyền thống, chị Thanh Lan ở phường Hưng Phúc (TP. Vinh) lại có thói quen đi chợ trên mạng. Chia sẻ về điều này, chị cho rằng đó là điều bình thường bởi phụ nữ công sở thời gian không nhiều. Trong khi đó, chỉ cần tranh thủ lên Facebook, sử dụng vài thao tác đơn giản chị đã có thể mua đầy đủ thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Hơn thế, người mua không cần phải đến tận nơi, không phải trả giá, hàng được bảo quản kỹ càng và được đưa đến tận tay ngay khi có yêu cầu. 
Dạo qua mạng xã hội, rất dễ bắt gặp những status rao bán những thực phẩm tự làm "đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu tươi ngon".
Dạo qua mạng xã hội, rất dễ bắt gặp những status rao bán những thực phẩm tự làm "đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, nguyên liệu tươi ngon".
Về chủ quan, chị Lan  cho rằng: Đi chợ trên mạng, đặc biệt là đi chợ thực phẩm dễ săn được hàng sạch, hàng có chất lượng. Bởi lẽ, những người bán hàng trên mạng thường là người không chuyên, các mặt hàng họ cung cấp thường là sản phẩm tự làm của gia đình, anh em, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thời gian trước, giao dịch trên mạng chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, thời trang như áo quần, giày dép… Tuy nhiên, gần đây thông qua mạng xã hội Facebook, chợ thực phẩm trên mạng lại có xu hướng phát triển.
Điểm qua các địa chỉ bán hàng có thể dễ dàng nhìn thấy, mỗi địa chỉ số hàng rao bán không nhiều. Tuy nhiên, người bán hàng thường đánh vào xu hướng thích hàng sạch, hàng chất lượng của người tiêu dùng, để giới thiệu là hàng quê, hàng do gia đình tự sản xuất hoặc hàng của công ty có chứng chỉ VietGAP.
Tìm hiểu một số địa chỉ kinh doanh có uy tín thì điều này là có cơ sở, bởi đây là những cơ sở đã có mặt bằng kinh doanh ở địa chỉ cụ thể; Việc giao dịch trên mạng chỉ là một kênh thông tin để họ kết nối với khách hàng. Hoặc có những trường hợp, hàng do chính bản thân tự sản xuất với số lượng nhỏ, chủ yếu để cung cấp cho anh em hoặc bạn bè thân thiết. 
Bên cạnh đó, cũng có không ít những địa chỉ rao bán hàng “chính hãng”, “hàng xịn” nhưng thực chất nguồn gốc lại không rõ ràng. Dịp giáp Tết, rất nhiều trang mạng rao bán mặt hàng hoa quả khô với lời giới thiệu hấp dẫn là từ Đà Lạt như: Khoai tây, dưa lưới, bơ sáp, đào giòn, hồng dẻo, khoai lang dẻo… Tuy nhiên, chị Mai Bình ở đường Hermann (TP. Vinh), một người có kinh nghiệm buôn hàng từ Đà Lạt về cho biết: Đa phần các sản phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng ở Đà Lạt chỉ có một số sản phẩm như mứt, dâu tây, chanh dây, khoai lang, hồng, kẹo me, kẹo dâu tằm chứ không phong phú như trên thị trường mạng hiện nay…
Một lô hàng hoa quả không có giấy tờ hợp pháp bị Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh Nghệ An và Chi cục quản lý thị trường Nghệ An bắt giữ tại Quỳnh Lưu vào ngày 12/12.
Một lô hàng hoa quả không có giấy tờ hợp pháp bị Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh Nghệ An và Chi cục quản lý thị trường Nghệ An bắt giữ tại Quỳnh Lưu vào ngày 12/12 - ảnh: Thảo Nguyên.

Bản thân người mua hàng, khi mua cũng chỉ biết tin vào lời giới thiệu chứ không có căn cứ chính xác để phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Cũng cần phải thấy rằng, vì tin tưởng vào người bán nên dù chưa biết rõ về chất lượng nhưng chị em vẫn sẵn sàng chi tiền cao để mua hàng thực phẩm sạch. Trong khi đó về nhãn hiệu, nguồn gốc thì rất mù mờ.

Chị Mai Anh vừa mới sinh con nên rất chuộng các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Nga. Tin lời rao bán trên mạng, chị chấp nhận bỏ số tiền 570.000 đồng để mua một hộp sữa Nan (800g) – hàng xách tay,  đắt hơn  200.000 đồng so với hàng nội địa. Tuy nhiên, phải gần đây chị mới biết mình bị “hớ” vì cùng một sản phẩm hàng nhập khẩu từ Nga, có công ty nhập khẩu rõ ràng nhưng giá bán ở các siêu thị, đại lý chỉ hơn 300.000 đồng.

Một chủ đại lý trên đường Đinh Công Tráng (TP. Vinh) cũng cho biết: “Khách cứ chuộng hàng xách tay rồi mua trên mạng mà không biết được bản chất đâu là hàng thật, đâu là hàng trôi nổi. Ở cửa hàng chúng tôi, rất nhiều người vẫn bán trên mạng đến lấy hàng rồi về rao là hàng xách tay với giá cao gấp nhiều lần”.

Mỹ Hà - Thành Chung
TIN LIÊN QUAN

Tin mới